Đèo Cả (DII) nặng gánh với khoản nợ vay dài hạn hơn 20.000 tỉ đồng

Theo báo cáo tài chính quý II/2020 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (DII), với kế hoạch doanh thu hợp nhất 1.716 tỉ đồng và lãi sau thuế 184 tỉ đồng năm 2020, công ty mới thực hiện được 32% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nặng gánh lãi vay, DII báo lãi vỏn vẹn 26 tỉ đồng sau nửa đầu năm - Ảnh 1.

Dự án Hầm Đèo Cả. (Nguồn: DII)

CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Tên viết tắt: DII - Mã: HHV) vừa công bố báo cáo tài chính quí II/2020 với mức lợi nhuận đạt được khá khiêm tốn so với qui mô nguồn vốn, công nợ của công ty.

Dụ thể, doanh thu thuần quí II/2020 đạt 245 tỉ đồng (Công ty không có số liệu so sánh với cùng kì năm trước). Sau khi trừ đi giá vốn, DII ghi nhận mức lãi gộp đạt 188 tỉ đồng, biên lãi gộp tương ứng là 77%. Tuy nhiên, do phải gánh chi phí lãi vay lên tới 115 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ DII chỉ còn 32 tỉ đồng.

Lũy kế 6 tháng, DII ghi nhận 549 tỉ đồng doanh thu thuần và 304 tỉ dồng lãi gộp. Tuy nhiên, do quí I/2020 DII ghi nhận lỗ và cũng vì chi phí lãi vay lớn - lên đến 241 tỉ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong nửa đầu năm chỉ còn gần 23 tỉ đồng.

Trước đó, trong năm 2019, DII báo cáo đạt 477 tỉ đồng doanh thu, tăng 21% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu thu phí trạm BOT chiếm tỉ trọng lớn nhất 58% đạt 278 tỉ đồng; theo sau đó là doanh thu duy tu bảo dưỡng hầm với gần 23%. Lợi nhuận hợp nhất đạt 155 tỉ đồng,

Theo DII, do quá trình tái cấu trúc công ty diễn ra vào tháng 9/2019 nên chỉ một phần doanh thu phí được ghi nhận trong năm đó vì vậy dự kiến năm 2020 doanh thu sẽ có sự tăng trưởng vượt trội.

Tuy nhiên, so sánh với mục tiêu doanh thu hợp nhất 1.716 tỉ đồng và lãi sau thuế 184 tỉ đồng năm 2020, doanh nghiệp đang khai thác hầm đường bộ Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông… mới thực hiện 32% kế hoạch doanh thu và 14% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Hành trình tăng vốn thần tốc của DII

Tính đến 30/6, tổng tài sản của DII đạt 30.599 tỉ đồng, tăng gần 2% so với hồi đầu năm, trong đó chủ yếu là tài sản cố định và các công trình dở dang. Tổng giá trị nợ vay của DII cũng tăng hơn 250 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm lên mức 20.560 tỉ đồng.

Trong đó, nợ vay ngắn hạn tăng 433 tỉ đồng lên 570 tỉ đồng. Riêng nợ vay dài hạn ghi nhân hơn 20.000 tỉ đồng. Trong đó, khoản vay của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - CN Hà Nội chiếm tỉ trọng 95%, với hơn 19.000 tỉ đồng.

Bức tranh tài sản của DII cho thấy, đây là doanh nghiệp có qui mô lớn hàng đầu hiện nay trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng có cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán hiện nay. Tuy nhiên, qui mô và tốc độ tăng vốn của DII đến nay vẫn khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. 

Tiền thân của doanh nghiệp này là "Xưởng Thống Nhất" với nhiệm vụ phục vụ đại tu, sửa chữa các ô tô bị hư hỏng xuống cấp trong thời kì chiến tranh. Năm 2005, công ty đổi tên thành CTCP Quản lý và Khai thác Hầm đường bộ Hải Vân (Hamadeco).

Đến năm 2014, Hamadeco chuyển đổi sang hình thức CTCP, sau đó cổ phiếu HHV được giao dịch trên sàn UPCOM vào tháng 12/2015. Tại thời điểm này, vốn điều lệ của công ty mới ở mức 49 tỉ đồng và qui mô nguồn vốn cũng chỉ ở mức 120 tỉ đồng.

Đến đầu 2019, DII cũng chỉ được xem là doanh nghiệp qui mô nhỏ với mức vốn điều lệ 79 tỉ đồng và tổng nguồn vốn hoạt động là 360 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong một quảng thời gian ngắn, DII đã thay đổi lớn chỉ sau một vài quyết định của các ông chủ đứng sau.

Nặng gánh lãi vay, DII báo lãi vỏn vẹn 26 tỉ đồng sau nửa đầu năm - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Tháng 7/2019, DII tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 nhằm thông qua việc thay đổi tên công ty thành "CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả", đồng thời nhận chuyển nhượng cổ phần để đầu tư vào 5 dự án hạ tầng giao thông với tổng giá trị đầu tư 2.394 tỉ đồng.

Nhu cầu cấp thiết về vốn lúc đó khiến công ty quyết định phát hành riêng lẻ hơn 239,4 triệu cổ phiếu nhằm hoán đổi, cấn trừ công nợ với các chủ nợ. Tuy nhiên số cổ phần chào bán thành công chỉ đạt gần 219,1 triệu đơn vị. Theo đó, sau phát hành, vốn điều lệ tăng từ 79 tỉ đồng lên gần 2.270 tỉ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 của DII cho thấy, tổng nguồn vốn của DII đến cuối năm 2019 đã tăng vọt từ 360 tỉ đồng lên mức trên 30.000 tỉ đồng. Riêng khoản nợ tăng từ 259 tỉ đồng lên trên 23.000 tỉ đồng vào cuối năm.

Tiếp tục mục tiêu tăng vốn lên hơn 3.000 tỉ đồng và niêm yết trên HOSE

Tại cuộc hợp ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 16/6 vừa qua, cổ đông DII đã thông qua kế hoạch đầu tư 563 tỉ đồng vào CTCP Đầu tư Đèo Cả - doanh nghiệp làm dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và 168 tỉ đồng vào CTCP BOT Bắc Giang Lạng Sơn - doanh nghiệp dự án Cao tốc Bắc Giang Lạng Sơn.

Nguồn vốn thực hiện sẽ được huy động từ đợt phát hành hơn 40,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ (10.000 đồng nợ đổi 1 cổ phần mới). Đối tượng hoán đổi nợ là Công ty Đầu tư Hải Thạch BOT có dư nợ tại thời điểm 31/3 gần 406 tỉ đồng.

Ngoài ra, công ty sẽ phát hành 26,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỉ lệ 10:1 và 6,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Vốn điều lệ sau phát hành của DII sẽ tăng lên 3.005 tỉ đồng.

Ngoài ra, Đại hội cũng nhất trí với kế hoạch nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với thời gian dự kiến niêm yết là tháng 6/2021.

Nhằm đảm bảo kế hoạch thu hút sự tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài, cổ đông công ty cũng thông qua việc nâng giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên mức tối đa 49%, đồng thời bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.

chọn
Doanh nghiệp bất động sản: Đầu tư NOXH trong 7 năm, lợi nhuận mỗi năm chỉ đạt 1,3 - 1,5%
Theo Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành, không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án NOXH đã không muốn tiếp tục khi thấy lợi nhuận quá thấp, thủ tục phức tạp, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra nhiều áp lực...