ĐHĐCĐ Vingroup: Ra mắt ba đại đô thị mới trong năm 2022, mục tiêu lãi 6.000 tỷ đồng

Vingroup thông tin về kế hoạch ra mắt ba đại đô thị mới cũng có quy mô lớn, chú trọng đầu tư vào cảnh quan và tiện ích như các dự án Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park trước đó. Với kỳ vọng doanh số bán hàng BĐS khởi sắc trong năm nay, Vingroup đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng năm 2022.

 

 ĐHĐCĐ thường niên Vingroup diễn ra vào sáng ngày 11/5. (Ảnh: Thu Thủy).

Sáng nay, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của Tập đoàn Vingroup diễn ra thông qua hình thức trực tiếp kết hợp trực truyến. Tại đại hội, Hội đồng quản trị Vingroup có tờ trình lên cổ đông về kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu dự kiến 140.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.000 tỷ đồng.

Chi tiết về các mảng kinh doanh, với lĩnh vực bất động sản, sau thành công của ba đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park, tập đoàn dự kiến ra mắt tiếp ba đại dự án mới trong năm 2022. Các đại dự án sắp tới dự kiến cũng sẽ có quy mô lớn, chú trọng đầu tư vào cảnh quan và tiện ích trong đô thị. Dựa trên sự hồi phục của thị trường, Vingroup kỳ vọng doanh số bán hàng năm nay sẽ tăng trưởng tốt.

Đối với mảng bán lẻ, Vincom Retail vừa khai trương Mega Mall Smart City (Hà Nội) vào cuối tháng 4 vừa qua. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự kiến khai trương thêm hai TTTM khác, đưa tổng diện tích GFA của toàn hệ thống lên gần 1,8 triệu m2. 

Với lĩnh vực xe điện, Vingroup chính thức nhận đặt hàng với ba mẫu xe VF 5, VF 8 và VF 9 trên toàn cầu. Mục tiêu là giữ vị trí tại thị trường nội địa và nhanh chóng xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế như Mỹ, Canada, Châu Âu.

Đối với nguồn vốn và đầu tư, Vingroup dự kiến triển khai đa dạng hình thức huy động vốn trong và ngoài nước thông qua các công cụ tài chính, kiểm soát việc đầu tư mởi mới và tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

 Ban chủ tọa ĐHĐCĐ Vingroup. (Ảnh: Thu Thủy).

Tại đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua kế hoạch tiếp tục thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) đã được thông tin từ tháng 6 năm ngoái. Thời điểm phát hành dự kiến không muộn hơn tháng 6 năm nay.

Về nhân sự cấp cao của Vingroup cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ĐHĐCĐ thường niên hôm nay miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với ông Park Woncheol, đồng thời bầu bổ sung ông Yoo Ji Han sẽ thay thế ông Park tham gia ban quản trị.

Phần thảo luận

Vinfast Vũng Ánh quy mô 1.500 ha, liệu có dành toàn bộ cho hoạt động của Vinfast hay có dành diện tích để kinh doanh BĐS khu công nghiệp?

Ông Phạm Nhật Vượng: Phần lớn diện tích dành cho các DN sản xuất linh kiện cho ô tô bởi chúng tôi muốn đẩy mạnh cho việc sản xuất các công nghiệp phụ trợ cho sản xuất cho xe điện. Không chỉ tại Vũng Áng, tất cả những KCN chúng tôi đều cố gắng mời chào các DN chuyên biệt về sản xuất linh kiện ô tô.

BĐS khu công nghiệp năm 2021 so với năm 2020, Vingroup có thêm quỹ đất cho các dự án mới không và cụ thể bao nhiêu?

Ông Phạm Nhật Vượng: BĐS công nghiệp chưa có gì mới, tất cả hiện đang trong quá trình làm thủ tục. Nếu có kế hoạch mở mới ở đâu thì chúng tôi sẽ thông tin đến các cổ đông.

Lợi thế và thách thức của Vingroup trong việc tập trung phát triển xe điện khi mà các hãng xe khác trên thế giới cũng tập trung vào lĩnh vực này.

Đây là thời cơ vàng để Vinfast có thể khẳng định vị thế trong lĩnh vực xe điện. Chúng tôi đang tập trung giải quyết tất cả mọi thứ từ linh kiện, vật liệu để có thể xuất xưởng. Một phần hàng của chúng ta phải nhập từ Trung Quốc mà trong bối cảnh như này. Vingroup cũng đang cố gắng mời các nhà sản xuất chip về Việt Nam để chúng ta có thể chủ động về nguồn cung linh kiện.

Vingroup có chiến lược phát triển BĐS theo trục vành đai 4 hay không, đặc biệt tại các khu vực được quy hoạch thành các trung tâm lớn?

Ông Phạm Nhật Vượng: Về dự án vành đai 4, chúng tôi cũng được TP Hà Nội mời tham gia đầu tư, nhưng chúng tôi sẽ chỉ tham gia ở mức độ xây dựng, còn lại về tài chính nguồn lực chủ yếu là các tổ chức khác và ngân hàng. Còn các dự án bất động sản theo quy hoạch vành đai 4, chúng tôi chưa có kế hoạch đầu tư.

Vingroup có kế hoạch đầu tư vào năng lượng tái tạo trong tương lai hay không, cụ thể như tái chế pin?

Ông Phạm Nhật Vượng: Pin hiện nay của chúng ta có vòng đời 1 từ 7 - 12 năm. Việc xả thải chắc chắn phải theo quy định chứ không có chuyện xả ra bãi rác. Còn câu chuyện tái chế pin là chắc chắn, nhưng cũng phải 20 năm nữa mới ứng dụng được. Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo thì chúng tôi chưa có kế hoạch gì. Vin ES được thành lập để nghiên cứu các giải pháp năng lượng, tìm kiếm thêm các công nghệ, cơ hội để thương mại hóa các năng lượng hạn chế gây ô nhiễm.

Sự thắt chặt tín dụng ảnh hưởng như nào đến việc mua sắm BĐS, Vingroup có những giải pháp nào cho điều này chưa?

Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi cho rằng chính sách càng minh bạch, càng chặt chẽ thì chúng ta càng có lợi, bởi chúng ta đâu kiếm lợi từ phân lô bán nền. Chúng ta kiếm lợi nhuận từ đầu tư hạ tầng đô thị (đường xá, chiếu sáng, cấp thoát nước và xử lý thải), tiện ích và giải trí (bệnh viện, trường học, khu vui chơi, trung tâm thương mại), từ thương hiệu mà chúng ta đã xây dựng.

 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.