Điều chỉnh quy hoạch chung, tạo lực hấp dẫn mới cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Kết nối với thành phố Đà Nẵng qua hầm đường bộ Hải Vân, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) có vị trí địa lý “đắc địa”, vừa có cảng nước sâu tự nhiên, vừa có hệ thống đầm phá và vịnh biển đẹp nổi tiếng thế giới, thuận lợi trong kết nối các loại hình giao thông.

Tuy nhiên, sau 15 năm hình thành và phát triển, khu kinh tế này vẫn chưa phát triển xứng tầm với lợi thế vượt trội và kỳ vọng quy hoạch ban đầu. Thực trạng đó đang đặt ra sự cần thiết điều chỉnh, thay đổi trong công tác quy hoạch chung, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra sự bức phá mạnh mẽ.

Thiếu các nhà đầu tư “đại bàng”

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích khoảng 27.108 ha, với 5 khu chức năng chính gồm khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế, đến nay Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cơ bản hoàn thiện các tuyến giao thông chính, có hệ thống xử lý nước thải với công suất 10.000 m3/ngày đêm, bãi xử lý chất thải rắn. Ngoài ra, khu kinh tế cũng xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật 4 dự án tái định cư với tổng diện tích khoảng 125 ha, khả năng bố trí cho khoảng 3.000 hộ dân di dời đến ở, sẵn sàng phục vụ các dự án khi triển khai.

Luỹ kế đến nay, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có 57 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 87.000 tỷ đồng; trong đó có 28 dự án đã hoàn thành đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 4.700 lao động, doanh thu hàng năm khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đóng góp vào ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế hàng năm của khu kinh tế mới chỉ khoảng 280 tỷ đồng, lý do bởi phần lớn các dự án đang trong thời gian miễn tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp.

 Một góc khu kinh tế chân mây. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế).

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh kết quả đã đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, sau 15 năm hình thành phát triển, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô vẫn chưa có tầm vóc tương xứng với tiềm năng thế mạnh, vẫn còn thiếu các dự án mang tính động lực, đột phá; số lượng nhà đầu tư lớn, các dự án FDI đầu tư vào khu kinh tế vẫn còn ít.

Là người tham gia vào khảo sát, tư vấn thành lập Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô từ những ngày đầu, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam rất trăn trở với sự phát triển có phần “ảm đạm”, không như kỳ vọng của khu vực này so với các khu kinh tế ven biển khác.

“Vùng đất Chân Mây – Lăng Cô như một “báu vật” bởi có địa hình tự nhiên bằng phẳng, có đường bờ biển dài đẹp, có cảng biển nước sâu tự nhiên, đường hầm kết nối sang thành phố Đà Nẵng cũng đã hoàn chỉnh. Đặc biệt, dân cư ở đây sống thưa thớt, là điều kiện lý tưởng để các nhà đầu tư có được mặt bằng sạch do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng thấp.

Tuy nhiên, đến nay khu kinh tế này chưa có sự chuyển mình bứt phá, tỷ lệ lấp đầy chỉ chiếm 3%. Thực tế đó đặt ra câu hỏi, những cái gì đang trói buộc về cơ chế, thể chế đối với sự phát triển của khu kinh tế này? Tư duy và tầm nhìn chiến lược cho khu kinh tế này đang thiếu cái gì?”, ông Trần Đình Thiên đặt vấn đề.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, do nôn nóng trong việc mở cửa, trải thảm đỏ kêu gọi đầu tư ở giai đoạn mới thành lập nên việc thẩm định về năng lực triển khai dự án của nhà đầu tư chưa tốt, chưa chặt chẽ, dẫn đến có nhiều nhà đầu tư sau khi cấp phép đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để triển khai dự án nên phải thu hồi dự án.

Ông Trần Đình Thiên cho rằng, có lẽ Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đang thiếu các nhà đầu tư “đại bàng”, tầm cỡ đến lựa chọn nơi đây làm bến đậu. Ngoài ra, một trong những điều kiện đủ, rất then chốt, để hấp dẫn các nhà đầu tư lớn mà khu kinh tế này đang thiếu chính là nguồn lao động chất lượng cao.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng Cảng biển Chân Mây hiện mới dừng lại ở việc phục vụ vận chuyển hàng rời như dăm keo, than đá là chủ yếu, gần đây mới thực hiện thu hút vận chuyển hàng container. Nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng biển cho rằng, mặc dù Cảng Chân Mây có tiềm năng to lớn, nhưng sức phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên - Huế còn nhiều hạn chế, lượng hàng hoá lưu thông xuất nhập khẩu không nhiều. Do vậy, muốn phát triển cảng biển mạnh mẽ cần gắn liền với việc thu hút các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là quỹ đất khu công nghiệp trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Tầm nhìn về một thành phố ven biển hiện đại

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đang định hướng quy hoạch phát triển Chân Mây - Lăng Cô trở thành một đô thị ven biển hiện đại trong tương lai, với tổng diện tích 447 km2. Đây sẽ là đô thị công nghiệp sạch - cảng biển, một trong những trung tâm giao thương quốc tế lớn và hiện đại; đô thị du lịch, nghỉ dưỡng và thương mại mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế của vùng động lực miền Trung, liên kết chặt chẽ với đô thị Đà Nẵng. Với lộ trình đến 2030 chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại III; giai đoạn từ 2030-2045 nâng cấp đô thị để trở thành thị xã/thành phố Chân Mây – Lăng Cô.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, việc hình thành và phát triển thành phố Chân Mây – Lăng Cô là một tầm nhìn đúng. Trong tương lai, đô thị này sẽ kết nối, chia sẻ lợi ích với sự phát triển của Cảng biển Liên Chiểu (thành phố Đà Nẵng) phía bên kia đèo Hải Vân, có thể trở thành hậu cảng về logistic bởi lợi thế dư địa không gian phát triển lớn.

Theo ý kiến của ông Trần Đình Thiên, Thừa Thiên – Huế nên tập trung cho cách tiếp cận về thành phố Chân Mây – Lăng Cô trong tương lai theo hướng một chân dung đô thị hiện đại vượt cấp, không phải một đô thị nâng lên từ từ. Thành phố mới sẽ ở vị trí “đối đẳng” với vùng lõi là Cố đô Huế, không phải là đô thị vệ tinh cho vùng trung tâm như hiện nay và “đối đẳng” ngay với thành phố Đà Nẵng qua vịnh biển. Khi tầm nhìn phát triển rõ ràng, lúc đó quyết tâm mới cao được.

“Hiện nay, Cảng Chân Mây là điểm đến của những tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới, mỗi lần mang theo hàng ngàn du khách. Việc phát triển một thành phố hiện đại ở đây sẽ tạo cho Thừa Thiên – Huế có những bứt phá mới.

Nếu Thừa Thiên – Huế đặt ra được mục tiêu “khác thường” và gắn ở tầm quốc gia, có giải pháp tốt, có những nhà đầu tư chiến lược đồng hành, lúc đó mới có được cơ chế, chính sách đặc thù, nguồn lực hỗ trợ tương xứng từ Trung ương. Bởi phát triển đô thị Chân Mây – Lăng Cô hiện đại là việc làm không chỉ cho Thừa Thiên – Huế mà còn cho quốc gia”, ông Trần Đình Thiên chia sẻ.

Để hiện thực hoá tầm nhìn về một thành phố ven biển hiện đại, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao đến làm việc và sinh sống, tỉnh Thừa Thiên – Huế đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương, điểm mới trong việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế lần này là mở rộng không gian phát triển công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có thương hiệu trong đó có Tập đoàn VSIP.

Đồng thời, tỉnh cũng xác định lại không gian phát triển của khu bến Cảng Chân Mây để tăng chiều dài khai thác tuyến bến, hình thành và phát triển các trung tâm logistics, hệ thống cảng cạn. Bên cạnh đó, khớp nối với các định hướng quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô – Cảnh Dương đến năm 2030 và rà soát điều chỉnh các định hướng phát triển về du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ vui chơi giải trí casino cho giai đoạn đến năm 2045 phù hợp với tầm nhìn toàn khu kinh tế.

“Việc điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ cập nhật tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi qua khu vực đô thị Chân Mây; trong đó có bố trí nhà ga kết hợp với TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) tại khu vực trung tâm của đô thị Chân Mây với quy mô dự kiến khoảng 200 hecta để tạo điểm nhấn kiến trúc, tạo nguồn lực cho dự án từ đấu giá bất động sản, tăng giá trị đất ở vùng xung quanh các nhà ga, tạo ra không gian phát triển mới cho khu vực trong tương lai”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương cho biết. 

chọn
Chủ dự án Vinhomes Global Gate nhận hơn 51.000 tỷ tiền người mua trả trước trong quý IV
Tại ngày 31/12/2024, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VEFAC chiếm 63.261 tỷ đồng, tăng hơn 51.000 tỷ so với ngày 30/9/2024. VEFAC hiện đang hợp tác cùng Vinhomes để thực hiện dự án Vinhomes Global Gate tại Đông Anh.