Thừa Thiên Huế mời gọi đầu tư 16 dự án hơn 70.000 tỷ đồng vào KKT Chân Mây - Lăng Cô

Các dự án đều có vị trí thuận lợi khi nằm cạnh quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, tại các khu vực ven sông và các đường trục chính Khu đô thị Chân Mây, kết nối với đèo Hải Vân,...

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2022 địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo danh mục vừa được phê duyệt, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thu hút đầu tư nhiều dự án lớn tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Dự án có quy mô lớn nhất là khu đô thị Chân Mây (vị trí trung tâm) quy mô 1.000 ha với tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng. Dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí ven sông Bù Lu) rộng 420 ha với vốn đầu tư 14.700 tỷ đồng; dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 2) hơn 43 ha quy mô 1.290 tỷ đồng và dự án khu đô thị Chân Mây (vị trí 4) quy mô 2.130 tỷ đồng, có diện tích 71 ha. Tiến độ thực hiện các dự án trong vòng 5 năm.

Các dự án du lịch có  khu du lịch biển Lăng Cô - đầm Lập An gần 20 ha với vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; khu du lịch sinh thái Bãi Cả 120 ha với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng;…

 Một dự án du lịch trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế).

Các dự án logistics có kho bãi phục vụ sản xuất, kinh doanh tại khu cảng Chân Mây 120 tỷ đồng; dự án trung tâm logistic và thương mại dịch vụ cảng Chân Mây 120 tỷ đồng và dự án khu dịch vụ logistic cảng Chân Mây 1.260 tỷ đồng.

Tại Khu công nghiệp Chân Mây có dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp số 2 Chân Mây 120 ha với vốn 800 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao (vị trí 1) quy mô 400 ha, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng; vị trí 2 rộng 310 ha, vốn đầu tư 1.550 tỷ đồng; vị trí 3 rộng 305 ha, vốn đầu tư 1.525 tỷ đồng; vị trí 4 quy mô 290 ha với vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong khu cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư dự án bến số 4, 5 quy mô hơn 20 ha với số vốn 1.600 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây dựng bến hàng tổng hợp dài 540 m, container, phục vụ tàu có tải trọng đến 70.000 DWT cập bến.

Các dự án kể trên trên đều có vị trí thuận lợi khi nằm cạnh quốc lộ 1A vào cảng Chân Mây, giáp sông và các đường trục chính Khu đô thị Chân Mây, kết nối với đèo Hải Vân,...

Thừa Thiên Huế giao Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với đơn vị, địa phương căn cứ danh mục dự án được phê duyệt, tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.

Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô có diện tích 27.108 ha gồm 5 khu chức năng chính là khu cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị và khu du lịch. Khu kinh tế nằm tại thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí thuận lợi khi giáp biển Đông, đèo Hải Vân, quốc lộ 1A, kết nối với TP Đà Nẵng về phía nam.

Với định hướng phát triển là đô thị hiện đại, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp; đô thị phát triển các ngành công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao..., Chân Mây - Lăng Cô đang được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm đầu tư trở thành đô thị động lực quan trọng của khu vực và cả nước.

 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.