Điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán tuần qua?

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa phải trải qua một tuần lễ ghi nhận sự mất mát lớn nhất từ đầu năm 2019 đến nay. Rủi ro thị trường tăng cao là điều hiển nhiên sau những biến động quá mạnh vừa qua. Dù vậy, hơn lúc nào hết đây là thời điểm rất cần nhìn lại tất cả mọi vấn đề để xác định rõ điều gì đang xảy ra và tìm cách ứng xử hợp lí với thị trường.
Điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán tuần qua? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán tuần qua Việt Nam chìm trong sắc đỏ. (Ảnh: Đầu Tư).

Kết quả sụt giảm diễn ra vào đúng giai đoạn tâm lí chung của thị trường đang khá hứng khởi sau kết quả thành công trở lại trên vùng “nền tâm lí” 1.000 điểm, đã thật sự giáng một đòn nặng nề vào tâm lí của phần đông nhà đầu tư (NĐT). Tính chung cả tuần, VN-Index “rơi tự do” gần 3.2% trong khi HNX-Index cũng rớt mạnh 2.8%. Cả hai chỉ số đều rời bỏ khu vực hỗ trợ quan trọng MA-50 và để lại rất nhiều lo ngại cho đến tận phiên cuối cùng trong tuần.

Bị tác động bởi thông tin chính trị quốc tế

Theo quan sát, hiện tượng rơi mạnh trong tuần qua của thị trường xuất phát từ sự cộng hưởng của các yếu tố đến cùng một thời điểm. 

Cụ thể, một số tin tức bất lợi hơn ở cấp độ khu vực, hoạt động liên quan đến đáo hạn phái sinh, khoảng trống và sự “nghi ngờ” một số thông tin tốt và  cuối cùng là xuất hiện lực bán bị động liên quan đến vấn đề đòn bẩy tài chính trong phiên cuối tuần.

Thị trường bị tác động không nhỏ bởi các thông tin về các tin tức chính trị quốc tế.  Sau những hào hứng về việc thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể được kí kết, thị trường đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến việc hoàn tất thỏa thuận này. 

“Hòn đá tảng” đầu tiên liên quan đến vấn đề Hon Kong, bạo lực và bất ổn leo thang liên tiếp tại đây đã đặt Mỹ vào tình thế “không thể không lên tiếng” và một dự luật về Hong Kong đã được cả thượng viện và hạ viện Mỹ thông qua, với số phiếu thuận áp đảo.

Mỹ phê chuẩn dự luật đã là điều khó chấp nhận với Trung Quốc khi quốc gia này luôn coi Hong Kong là “vấn đề nội bộ” và không muốn sự can thiệp mạnh mẽ từ phía bên ngoài. Chính những diễn biến khó lường vừa nêu, có vẻ đã phần nào ảnh hưởng lên khả năng hoàn tất sớm thỏa thuận giai đoạn 1 về thương mại Mỹ - Trung, trong khi hạn chót về đợt áp thuế tiếp theo vào 15/12 đã cận kề.

Liên hệ với Thị trường chứng khoán, dù không chắc chắn về khả năng dòng vốn khối ngoại thật sự vì thông tin trên mà bi quan hơn, thực tế trong tuần qua khối ngoại tại HSX đã thực hiện bán ròng mạnh với con số xấp xỉ 500 tỉ đồng và dù tập trung cá biệt tại KDH (-237 tỉ) và VIC (-204 tỉ) , con số vừa nêu vẫn là một điểm trừ đáng kể cho tâm lí chung của thị trường.

Một điểm nhấn không thể bỏ qua trong tuần rồi là các vấn đề liên quan đến hoạt động đáo hạn hợp đồng phái sinh kì gần nhất VN30F1911. Cần lưu ý trong xuyên suốt nửa tháng cuối trước ngày đáo hạn, hiện tượng “premium” với giá của hợp đồng phái sinh duy trì cao hơn giá của chỉ số cơ sở VN-30 đã liên tiếp xảy ra, với khoảng cách lớn 8-10 điểm.

“Premium” ở mức cao và liên tục kéo dài rất có thể đã khiến một số công ty chứng khoán lớn có nghiệp vụ, tiến hành hoạt động “kinh doanh chênh lệch giá” để kiếm lời, theo hình thức bán hợp đồng phái sinh và mua đối ứng chứng khoán cơ sở để ăn phần chênh lệch.

Do mức premium liên tục duy trì, đến ngày đáo hạn, theo quan sát của người viết rất có thể đã xuất hiện “phản lực” liên quan đến việc đóng lại các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá này. Hay nói cách khác là nhu cầu mua vào trở lại hợp đồng phái sinh và bán ra phần chứng khoán cơ sở đã mua trong kì. Nếu quan sát kĩ phiên giao dịch đáo hạn vào ngày thứ 5 của tuần này, lực bán mạnh trong phiên ATC có thể phần lớn xuất phát từ vấn đề vừa nêu.

Cần nhìn nhận, nếu đặt trong bối cảnh thị trường đang vận động bình thường thì tác động của vấn đề này sẽ không quá lớn. Tuy nhiên như đã lưu ý, trong một bối cảnh xuất hiện thêm các thông tin tiêu cực từ khu vực, lực mua rõ ràng đã chùn tay hơn rất nhiều và khi mà lực bán tiềm năng tại thời điểm đó là lớn thì kết quả là thị trường đã phải gánh chịu kết quả rớt điểm mạnh.

Khoảng trống và sự “nghi ngờ” về các thông tin tích cực

Theo quan sát, khi VN-Index tiến lên trên vùng 1.000, có một số thông tin có thể được xem là tích cực để giới đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn. 

Nhà đầu tư kì vọng khả năng sớm vận hành các ETFs cho các chỉ số mới thành lập của HSX, và các thông tin liên quan đến mua cổ phiếu quỹ tại VRE và VHM – các cổ phiếu có trọng số rất lớn trên thị trường hiện nay.

Ở thông tin đầu tiên, các chỉ số mới được HSX công bố bao gồm Diamond, VNFIN SELECT và VNFIN LEAD là “hành lang” đầu tiên cho việc thiết lập các ETFs có liên quan đến các chỉ số này. Tiềm năng của các ETFs này được đánh giá rất cao, khi nhìn vào danh mục cấu thành các chỉ số. Dù vậy các thông tin tiếp theo liên quan đến việc vận hành ETFs tính đến hiện tại vẫn không quá rõ ràng và điều này có lẽ đã phần nào khiến tâm lý NĐT bị hụt hẫng ít nhiều.

Trong khi đó, động thái mua cổ phiếu quỹ của VHM và VRE cũng tác động không nhỏ. Theo dữ liệu của HSX, cơ quan này chưa cập nhật lượng cổ phiếu quỹ của VHM và VRE. Cần nhắc lại trước đó, VHM đã đăng kí mua vào 60 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 1,79% vốn điều lệ, còn VRE đăng kí mua vào 56,5 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 2,426% vốn.  Ngày bắt đầu đăng kí giao dịch là 14/11, nhưng đến nay đã hơn 1 tuần trôi qua, việc cả hai công ty này chưa thực hiện mua vào cổ phiếu quỹ đã ít nhiều tạo ra lo ngại cho giới đầu.

Ngoài ra, có thể quan sát thấy tâm lí của giới đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân) hồi đầu tuần đã lên cao, khi VN-Index vượt vùng tâm lí 1.000 điểm và duy trì khá tốt phía trên vùng giá này trong 2 tuần trước đó. Điều này có thể đã kích hoạt việc gia tăng sử dụng đòn bẩy tài chính, trong bối cảnh nhìn nhận triển vọng thị trường có cơ hội ở mức tốt hơn.

Kết quả sụt giảm trở lại nhanh, mạnh và đột ngột sau đó có thể đã khiến một bộ phận NĐT cá nhân “không kịp trở tay”. Nếu nhìn vào một số cổ phiếu thậm chí đã suy giảm 18-25% từ vùng đỉnh, thì có lí do để tin rằng áp lực từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính, dù không phải trên diện rộng, có thể đã xuất hiện.

Khi mà khá nhiều các vấn đề bất lợi xuất hiện trong cùng một thời gian ngắn đã tạo ra biến động rất bất thường và khiến thị trường gánh chịu sự mất mát lớn về mặt điểm số. Dù vậy bước vào một tuần mới, khi những vấn đề vừa nêu phần nào được nhìn nhận rõ nét và khách quan hơn, người viết cho rằng thị trường có xác suất cao sẽ “cầm máu” thành công trong tuần tiếp theo. 

Xét ở góc độ kỹ thuật, VN-Index cần ít nhất hồi phục và giữ thành công vùng 980 điểm trước khi nói nhiều hơn đến các pha hồi phục mạnh hơn trong ngắn hạn.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.