Cục Thuế TPHCM vừa phát hiện và truy thu thuế một cá nhân là chủ một kênh YouTube có thu nhập từ việc đăng clip trên mạng này kiếm được hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 - 2018 nhưng không kê khai, quyết toán thuế. Qua quá trình làm việc, cá nhân này đã đồng ý nộp số thuế tương ứng 1,5 tỉ đồng vào ngân sách.
Không chỉ kiếm tiền qua YouTube, năm 2017, đại diện của Facebook Việt Nam cũng tiết lộ có khoảng 50 bạn trẻ Việt Nam đã trở thành triệu phú USD nhờ kiếm tiền qua mạng xã hội này đã gây xôn xao và tranh cãi giữa rất nhiều luồng ý kiến. Các triệu phú đó là những bạn rất trẻ, chỉ khoảng 19 - 20 tuổi và theo dự báo số lượng này sẽ tăng gấp đôi trong tương lai
Ngoài ra, cơ quan thuế đang triển khai thêm với những cá nhân khác có thu nhập từ nguồn này mà chưa kê khai quyết toán thuế.
Theo thông tin Thanh Niên tìm hiểu được, trong danh sách lần này có 12 cá nhân, trong đó có 4 người đã được thu thập thông tin đầy đủ, 8 trường hợp còn lại đang tiếp tục thu thập thông tin trước khi mời lên làm việc.
Ngoài trường hợp cá nhân bị phát trên, cơ quan thuế cũng đang xử lí một trường hợp cá nhân khác có thu nhập khoảng 20 tỉ đồng, tương ứng số thuế 1,5 tỉ đồng.
Trong giai đoạn này, cá nhân đang kiểm tra lại nguồn thu nhập có chính xác hay không để tiếp tục làm việc với cơ quan thuế. Trong danh sách 12 người mà cơ quan thuế đang làm, có 2 người khá nổi tiếng trong giới showbiz.
Việc truy thu và xử phạt thuế từ thu nhập trên mạng không phải là mới. Trước đó vào năm 2018, Cục Thuế TP HCM đã truy thu và phạt thuế một cá nhân có nguồn thu nhập 41 tỉ đồng trên mạng xã hội với số tiền 4,1 tỉ đồng. Nam thanh niên này viết chương trình trò chơi điện tử và được đăng tải trên các mạng xã hội trong hai năm 2016-2017 và được phía nước ngoài trả thu nhập trên.
Cơ quan thuế cần có những biện pháp phù hợp đối với những cá nhân thu lợi qua mạng xã hội. (Ảnh: Đ.N.Thạch).
Tương tự là truy thu và phạt trường hợp bà D. (Quận Phú Nhuận, TP HCM) bán hàng mĩ phẩm, với số tiền 9,5 tỉ đồng.
Bà D. có doanh thu bán hàng online và qua Facebook rất lớn, chỉ tính riêng năm 2016 đã thu về 344 tỉ đồng. Các đại lí phân phối hàng kem trắng da, ngăn ngừa lão hóa, giảm cân, giảm sẹo… cho bà D. lên đến hàng trăm điểm, ở các tỉnh thành trên cả nước. Trong quá trình kiểm tra kê khai một đại lí của bà D. tại Q.9, cơ quan thuế đã truy thu và phạt cá nhân này số tiền 1,7 tỉ đồng…
Trong năm 2018, qua dữ liệu thu thập được từ 5 ngân hàng có trụ sở trên địa bàn TP HCM, cơ quan thuế phát hiện có 18.903 tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube giai đoạn năm 2014 đến hết tháng 11/2017 với số tiền nhận là 1.092 tỉ đồng, và 17,8 triệu USD qua 423.787 giao dịch với tổng số tiền thanh toán là 672,8 tỉ đồng. Thế nhưng, hầu như các cá nhân đều chỉ kê khai sau khi cơ quan thuế điểm mặt.
Nhờ tính năng kiếm tiền, YouTube trở thành nền tảng làm giàu cho không ít người. Theo Forbes, 10 người “hốt bạc” nhiều nhất trên nền tảng Google (công ty sở hữu YouTube) năm 2018 đều đạt hơn 10 triệu USD. Tại Việt Nam, số lượng cá nhân thu được tiền tỉ từ YouTube cũng ngày càng tăng.
Hôm qua 9/10, thử tìm kiếm danh sách các kênh YouTube hàng đầu của Việt Nam theo thống kê của Socialblade (trang chuyên thống kê xếp hạng các tài khoản trên mạng xã hội gồm YouTube, Twitter, Instagram...), dẫn đầu đang là kênh “Lâm Vlog” với 2,82 triệu người theo dõi, và đã có hơn 865 triệu lượt xem các video của kênh này.
Theo ước tính của Socialblade, kênh này có thể kiếm được từ 58.800-940.400 USD mỗi tháng, tương đương từ 1,36 tỉ đồng - 21,8 tỉ đồng mỗi tháng. Quy ra một năm, kênh “Lâm Vlog” có thể nhận được hơn 16 tỉ đồng - 261 tỉ đồng. Với mức thuế cho các cá nhân kinh doanh qua mạng phải đóng tổng cộng là 7%, thì chủ kênh Lâm Vlog phải đóng thuế từ 1,1 - 18,2 tỉ đồng.
Nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook, thì việc thu thuế của các tổ chức và cá nhân có thu nhập trên các mạng này rất khó. Cụ thể mỗi tháng, khi thực hiện chi trả cho các cá nhân ở Việt Nam thì Google, Facebook có thể thông báo danh sách kèm theo số tiền cho phía cơ quan thuế, để Việt Nam có thể tổng hợp và theo dõi. TS Trần Hùng Sơn (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - Đại học Quốc gia TP HCM).
Hay như kênh "Bà Tân Vlog", dù chỉ đứng ở vị trí thứ 62 nhưng có 3,26 triệu người theo dõi và hơn 353,47 triệu lượt xem các video. Ước tính kênh này mỗi tháng thu về được 13.200-210.500 USD, tương đương khoảng 306- 4,9 tỉ đồng, tương đương lên khoảng 3,67 tỉ đồng - 58,8 tỉ đồng hằng năm.
Vậy ước tính mức thuế mà “Bà Tân Vlog” phải nộp lên gần 257 triệu đồng đến 4,1 tỉ đồng… Thế nhưng “Bà Tân Vlog” thu nhập bao nhiêu, đóng thuế bao nhiêu vẫn chỉ là dân trong nghề tự tính toán, chứ chưa có số liệu cụ thể từ nhà thuế.
Hay trong số các văn nghệ sĩ có trong danh sách 250 kênh YouTube dẫn đầu tại Việt Nam theo xếp hạng của Socialbalde, kênh YouTube của Mỹ Tâm đang có hơn 947,9 triệu lượt xem. Ước tính nữ ca sĩ thu nhập từ 9.800-156.200 USD mỗi tháng từ kênh YouTube, tương đương 227,36 triệu đồng đến khoảng 3,6 tỉ đồng.
Kênh của Ngô Kiến Huy với hơn 72,8 triệu lượt xem, cũng được ước tính có thu nhập mỗi tháng từ 5.600-90.200 USD, tương đương từ 130 triệu đồng đến 2 tỉ đồng…
Không chỉ kiếm tiền qua Youtube, năm 2017, đại diện của Facebook Việt Nam cũng tiết lộ có khoảng 50 bạn trẻ Việt Nam đã trở thành triệu phú USD, nhờ kiếm tiền qua mạng xã hội này, đã gây xôn xao và tranh cãi giữa rất nhiều luồng ý kiến. Các triệu phú đó là những bạn rất trẻ, chỉ khoảng 19-20 tuổi và theo dự báo số lượng này sẽ tăng gấp đôi trong tương lai.
Việc kiếm được tiền qua các kênh nội dung chia sẻ trên YouTube, Google cũng như qua mạng xã hội Facebook không đơn giản nhưng cũng không quá khó với các bạn trẻ. Chẳng hạn trên YouTube, một kênh đủ điều kiện bật tính năng kiếm tiền phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video, và 1.000 người đăng kí theo dõi (subscribe).
Bên cạnh đó, kênh cũng phải đạt 10.000 lượt xem (view) và đây là lượt xem thật, không phải lượt xem ảo. Việc phát hiện view thật hay ảo thực hiện thông qua công cụ chuyên dụng của YouTube.
Tại Việt Nam, cứ 1.000 lượt xem, người chủ kênh có thể được trả từ 0,3-0,5 USD. Thông thường chủ kênh có thể kiếm tiền trực tiếp qua YouTube bằng cách liên kết tài khoản với Google Adsense - một dịch vụ phân phối quảng cáo của Google. Khi kết nối với dịch vụ này, video tải lên mạng sẽ hiển thị quảng cáo của những đối tác Google, tiền kiếm được sẽ thông qua người dùng xem quảng cáo. Thậm chí, YouTube còn có cả trang web riêng hướng dẫn người dùng cách kiếm tiền theo phương pháp này…
Ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho biết do đặc thù của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và nền kinh tế số nói chung thường không có cơ sở thường trú, không đăng kí doanh nghiệp hay văn phòng đại diện, nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lí. Hiện nay Cục Thuế TP HCM đang thu thập các dữ liệu bằng nhiều cách khác nhau.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan khác để thu thập dữ liệu, ví dụ như qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng, qua các công cụ tính lượng truy cập, view, chia sẻ… để có thông tin kiểm tra.
Theo ông Bình, cơ quan thuế mong muốn đẩy mạnh tuyên truyền để các cá nhân có thu nhập từ những nguồn này tự giác kê khai, nộp thuế, chứ không phải chờ cơ quan thuế phát hiện và xử lí.
Theo quy định hiện nay, các cá nhân có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên thuộc đối tượng kinh doanh và các thu nhập từ YouTube hay Facebook đều thuộc đối tượng này. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, các cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, cho rằng vấn đề thất thu thuế trong lĩnh vực xuyên biên giới đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Mấy năm trước, cơ quan thuế đã phát hành hàng ngàn thông báo, mời các cá nhân có thu nhập trên các trang mạng xã hội lên làm việc, nhưng kết quả đến nay như thế nào vẫn không thấy đề cập đến.
Trong 2 năm gần đây, cơ quan thuế có phối hợp với ngân hàng nắm được nguồn thu nhập mà doanh nghiệp nước ngoài trả cho cá nhân nhưng vẫn có nhiều cá nhân hiện nay đang vô hiệu hóa biện pháp này, bằng cách mở ví điện tử Paypal ở nước ngoài để nhận tiền và sau đó dùng tiền trên ví điện tử để mua sắm, chi trả cho các dịch vụ trên mạng. Nếu tình trạng này trở nên phổ biến, cơ quan thuế sẽ phải thực hiện những giải pháp nào để tránh thất thu thuế trong lĩnh vực này?