Nhiều doanh nghiệp bất động sản vốn nhà nước đồng loạt báo lãi

Nửa đầu 2024, nhiều doanh nghiệp bất động sản có vốn nhà nước lần lượt báo lãi sau thuế. Một số trường hợp ghi nhận doanh thu trên nghìn tỷ như Sonadezi, Viglacera, Tổng công ty HUD, Hancorp hay Tổng công ty 319...

Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024.

Theo thống kê của người viết, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động trong mảng bất động sản (niêm yết lẫn không niêm yết) đều đồng loạt báo lãi sau thuế trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu hồi phục nhẹ.

Ảnh minh họa: Hoàng Huy.

Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng, thành lập từ năm 1989. HUD có quy mô lớn nhất so với nhóm doanh nghiệp nhà nước không niêm yết trong mảng bất động sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, HUD ghi nhận doanh thu thuần khoảng 1.792 tỷ đồng, tăng 106% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bất động sản tăng 166% lên 1.475 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, HUD lãi sau thuế gần 137 tỷ đồng, tăng 63%.

Tài sản tại ngày 30/6 là 15.123 tỷ đồng, trong đó tồn kho hơn 9.495 tỷ đồng. Nợ phải trả ghi nhận 11.437 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính khoảng 3.973 tỷ đồng. 

Hiện nay, nhiều dự án bất động sản đang được HUD thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng, như HUD Tower 37 Lê Văn Lương, HUD Building, dự án Bắc Nguyễn Huệ, khu đô thị sinh thái Chánh Mỹ giai đoạn 1, khu đô thị sinh thái dọc bờ Sông Đơ, tòa nhà văn phòng tại Linh Đàm; Khu nhà ở Xóm Mỏ... 

Kế đến là Công ty TNHH MTV Kinh doanh Dịch vụ Nhà Hà Nội (Handiresco), doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1989, từ năm 2002 trở thành đơn vị thành viên của Handico. Tính đến 30/6, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 355 tỷ đồng.

Trên thị trường bất động sản, Handiresco được biết đến với một số dự án ở Hà Nội, như khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, tòa nhà B15 Đại Kim - Định Công hay Handiresco Tower (521 Kim Mã); dự án 3.10 Lê Văn Lương hay và dự án Nhà ở thương mại phục vụ tái định cư tại ô đất số 1 Trung Văn.

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Handiresco đạt 130 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu nào từ bất động sản. Lãi sau thuế nửa năm đạt 42 tỷ đồng, giảm 16%.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản và nợ phải trả của Handiresco lần lượt ghi nhận 966 tỷ đồng và 492 tỷ đồng. 

Một doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng công ty 319, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 4.428 tỷ đồng và lãi sau thuế 12 tỷ đồng, lần lượt tương ứng 81% và 22,5% kế hoạch năm 2024. Tổng giá trị sản xuất đạt 4.550 tỷ đồng, tương ứng 86% mục tiêu năm.

Trên thực tế, Tổng công ty 319 hoạt động chính trong mảng xây lắp, thi công, song doanh nghiệp này cũng đầu tư một số dự án bất động sản. Có thể kể đến như Chung cư Đại học Ngoại ngữ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội (cao 23 tầng); Khu đô thị Đồng Mai 30 ha tại phường Đồng Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội) hay cụm công nghiệp Minh Khai mở rộng hơn 17 ha (Văn Lâm, Hưng Yên).

Trong nửa đầu năm CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà (Intresco, mã chứng khoán: ITC) ghi nhận doanh thu thuần hơn 269 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ. Dịch vụ khách sạn vẫn là nguồn thu chính của Intresco với 175 tỷ đồng, trong khi mảng bất động sản chỉ đóng góp khoảng 20 tỷ đồng...

Sau khi trừ các chi phí, Intresco lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Năm nay, Intresco đặt kế hoạch doanh thu 615 tỷ đồng và lãi sau thuế 70 tỷ đồng. Như vậy sau nửa năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 44% và 21% mục tiêu cả năm.

Tại ngày 30/6, Intresco có một cổ đông góp vốn nhà nước với tỷ lệ 16,18% là Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV (Resco). Năm 2024, Intresco cho biết doanh thu chính sẽ được ghi nhận từ hoạt động dịch vụ khách sạn và cho thuê mặt bằng thương mại. Doanh thu bất động sản sẽ đến từ các dự án như Terra Flora, Terra Royal... 

Báo cáo hợp nhất soát xét của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp, mã chứng khoán: HAN) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.178 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng bất động sản tăng mạnh lên 321 tỷ đồng, cao gấp 139 lần cùng kỳ.

Lãi sau thuế nửa năm của Hancorp đạt 29 tỷ đồng, tăng khoảng 33%. Trong kỳ, Hancorp có phát sinh gần 84 tỷ phải thu từ dự án NO1T6 và NO1T7, đồng thời nhận hơn 200 tỷ đồng tiền thuê đất của các chủ đầu tư thứ cấp dự án Ngoại giao đoàn. 

Một doanh nghiệp hoạt động trong mảng xây dựng, bất động sản là Tổng công ty 36 - CTCP (mã chứng khoán: G36) ghi nhận doanh thu thuần hơn 510 tỷ đồng, lãi sau thuế hơn 28 tỷ đồng. Mũi nhọn xây dựng mang về 331 tỷ doanh thu cho G36, trong khi đó mảng bất động sản đóng góp khoảng 84 tỷ đồng.

Tính đến 30/6, Bộ Quốc phòng nắm 18,38% tỷ lệ sở hữu tại G36. Tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp lần lượt là 4.385 tỷ đồng và 3.270 tỷ đồng.

Hiện nay, G36 đang triển khai hai dự án bất động sản. Đầu tiên là Khu nhà ở Tây Bắc TP Sa Pa (Lào Cai) có tổng mức đầu tư hơn 493 tỷ đồng, quy mô gồm 97 căn nhà liền kề, chi phí dở dang tính đến 30/6 là 372 tỷ đồng. Dự án đang được thế chấp tại Ngân hàng Vietcombank.

Kế đến là Khu nhà ở cao tầng, văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại 6 - 8 Chùa Bộc (tên thương mại là Shantinoi Parc). Tại ngày 30/6, chi phí dở dang của dự án là 212 tỷ đồng. Hiện dự án đang trong quá trình cập nhật, thay đổi hồ sơ pháp lý để phù hợp với cơ cấu vốn góp (G36 góp 74,25% vốn).

 

Doanh thu và lợi nhuận của một số doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. (Đồ họa và tổng hợp: Hoàng Huy). 

Trong mảng bất động sản công nghiệp, ông lớn Sonadezi (mã chứng khoán: SNZ) cũng được biết đến là một doanh nghiệp do cổ đông nhà nước góp vốn 99,537%. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sonadezi đạt doanh thu thuần 2.856 tỷ đồng và lãi sau thuế 873 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và tăng 41% so với cùng kỳ. Kết quả này tương ứng 45% và 64% mục tiêu cả năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp họ Sonadezi cũng đồng loạt báo lãi 6 tháng: Sonadezi Giang Điền (mã: SZG) lãi sau thuế 66,5 tỷ đồng; Sonadezi Long Thành (mã: SZL) lãi 58 tỷ đồng; Sonadezi Châu Đức (mã: SZC) lãi 167 tỷ đồng; Sonadezi Long Bình (mã: SZB) lãi 147 tỷ đồng.

Cá biệt có trường hợp của D2D lỗ 5 tỷ đồng do doanh thu tài chính giảm mạnh.

Tại ngày 30/6, Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã chứng khoán: VGC) có vốn điều lệ 4.483,5 tỷ đồng, trong đó Bộ Xây dựng nắm tỷ lệ sở hữu 38,48%.

6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Viglacera đạt 5.351 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ, trong đó mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp giảm 35% xuống còn 1.627 tỷ đồng. Lãi sau thuế nửa năm đạt 408 tỷ đồng, giảm 47%.

Danh mục dở dang dài hạn của Viglacera chiếm khoảng 28% tổng tài sản (6.643 tỷ đồng), chủ yếu tập trung tại KCN Thuận Thành giai đoạn 1; KCN Phú Hà giai đoạn 1; Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải; KCN Yên Mỹ; KCN Tiền Hải - Thái Bình; KCN Phong Điền - Viglacera ở Huế; KCN Vimariel... 

Tính đến cuối năm 2023, quỹ đất kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp của Viglacera còn lại khoảng 848 ha. Năm nay, doanh nghiệp có kế hoạch cho thuê 173 ha đất công nghiệp.