Nhóm doanh nghiệp ROX Group (TNG Holdings) làm ăn ra sao?

Đầu năm 2024, TNG Holdings đã đổi tên thành ROX Group. Tính đến 30/6, 5 doanh nghiệp thuộc nhóm này gồm Việt Hân, Bất động sản Mỹ, Hano-Vid, TNR Holdings và TNH ghi nhận tổng tài sản 129.719 tỷ đồng, nợ phải trả hơn 114.000 tỷ đồng. Ngoại trừ Bất động sản Mỹ, 4 doanh nghiệp còn lại đồng loạt báo lãi giảm.

TNG Holdings Vietnam tiền thân là Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Việt Nam (VID Group) ra đời từ năm 1996, xuất phát điểm là quản lý, phát triển 11 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích 2.600 ha.

Năm 2014, TNG chuyển đổi thành mô hình Holdings, lấn sân sang mảng bất động sản với doanh nghiệp thành viên là TNR Holdings. Tính đến năm 2020, nhóm TNG đã phát triển 11 khu công nghiệp, 5 khu đô thị phức hợp, 4 khu dân cư, 6 trung tâm thương mại và 6 toà nhà văn phòng.

Năm 2022, tập đoàn này mở rộng hoạt động với chuỗi khách sạn thương hiệu Sojo. Năm 2024, TNG Holding chính thức chuyển đổi tên thương hiệu thành Tập đoàn ROX (ROX Group).

Các doanh nghiệp bất động sản nằm trong hệ sinh thái của ROX hiện nay có thể kể đến như CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân; CTCP Phát triển Bất động sản Hano - Vid; CTCP Bất động sản Mỹ; CTCP May - Diêm Sài Gòn; Công ty TNHH OLECO-NQ; CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang...

Hiện nay, đã có 5 doanh nghiệp thuộc ROX công bố tình hình tài chính cũng như tình hình trả nợ trái phiếu 6 tháng đầu năm 2024, bao gồm Địa ốc Việt Hân, Bất động sản Mỹ, Hano-Vid, TNR Holdings và CTCP Đầu tư và quản lý Khách sạn TNH.

Theo thống kê của người viết, tại thời điểm ngày 30/6, 5 doanh nghiệp trên có tổng tài sản 129.719 tỷ đồng, tổng dư nợ phải trả là 114.010 tỷ đồng. 

Đồ họa và tổng hợp: Hoàng Huy. (Đơn vị tính: Tỷ đồng).

4/5 doanh nghiệp báo lãi giảm mạnh

Đầu tiên là Bất động sản Mỹ, trong 6 tháng đầu năm doanh nghiệp lãi sau thuế gần 109 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi hơn 374 triệu đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2024, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hơn 3.263 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 6,25 lần, tương đương nợ phải trả hơn 20.395 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu hơn 7.897 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của chủ đầu tư này là 23.658 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này còn 89 mã trái phiếu đang lưu hành tính đến cuối tháng 6 (giảm 22 lô so với cuối năm 2023), chủ yếu được phát hành trong nửa đầu năm 2020, kỳ hạn 5 năm, tức đáo hạn vào năm 2025. Duy nhất có một lô trong số này phát hành vào tháng 5/2021, sẽ đáo hạn vào năm 2026.

Về phía Hano-Vid, doanh nghiệp lãi sau thuế gần 8 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ. Tính đến 30/6, nợ phải trả của Hano-Vid ghi nhận 35.824 tỷ đồng, tăng gần 54% so với đầu năm, tức tăng khoảng 12.495 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tại 30/6 là 9.578 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm.

Theo thống kê của người viết, từ năm 2021 đến nay, dư nợ của Hano-Vid ngày càng tăng. Giai đoạn 2021 - 2023, nợ phải trả của doanh nghiệp lần lượt là 12.343 tỷ đồng, 16.186 tỷ đồng và 23.329 tỷ đồng. 

Tiếp đến là TNR Holdings Việt Nam, trong nửa đầu năm doanh nghiệp này lãi sau thuế 5,6 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6 là 2.593 tỷ đồng.

Với hệ số nợ trên vốn chủ là 11,06 lần, nợ phải trả của TNR là gần 28.679 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu chiếm khoảng 9.309 tỷ đồng. Hai chỉ tiêu này lần lượt giảm 6% và giảm 17 tỷ đồng so với thời điểm ngày 31/12/2023. Hiện nay, TNR đang lưu hành 95 lô trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, phát hành trong giai đoạn 2019 - 2020.  

Địa ốc Việt Hân được biết đến là chủ đầu tư của dự án TNR Goldmark City, sau hai quý doanh nghiệp lãi sau thuế gần 19 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ. Nợ phải trả tại ngày 30/6 là 23.024 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 9.717 tỷ đồng, gần như đi ngang so với 31/12/2023.

Trong báo cáo tình hình thanh toán trái phiếu 6 tháng đầu năm, Việt Hân cho biết tính đến 30/6 đang trả nợ cho 129 lô trái phiếu với tổng giá trị phát hành 10.300 tỷ đồng, giá trị lưu hành theo mệnh giá là 9.736 tỷ đồng.

TNH là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khách sạn của nhóm ROX với thương hiệu Sojo Hotel. Trong nửa đầu năm, TNH báo lãi sau thuế khoảng 1,5 tỷ đồng, giảm 93% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu tại 30/6 gần 731 tỷ đồng.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 8,33 lần, tương ứng tổng dư nợ 6.088 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với ngày 31/12/2023. Nợ trái phiếu chiếm khoảng 3.603 tỷ đồng. Tổng tài sản ghi nhận 6.819 tỷ đồng. 

Hiện nay TNH đang lưu hành 1 lô trái phiếu với giá trị 600 tỷ đồng, phát hành vào tháng 4/2021 với kỳ hạn 7 năm, lãi suất 10%/năm. Trong nửa đầu năm, doanh nghiệp đã có một đợt thanh toán 72 tỷ đồng lãi trái phiếu vào ngày 9/4.

Đồ họa và tổng hợp: Hoàng Huy. (Đơn vị tính: Tỷ đồng). 

Nhắm loạt dự án ở Hải Phòng, Kiên Giang

Từ đầu năm, các doanh nghiệp nhà ROX Group cũng có những động thái tìm kiếm quỹ đất mới ở một số địa phương.

Hồi tháng 3, liên danh Hano-Vid và CTCP Đầu tư - Phát triển Đức Trí đã đăng ký đầu tư Khu đô thị mới tại thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thuy, Hải Phòng. Cạnh tranh cùng liên danh Hano-Vid là liên danh CTCP Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Phương Đông - Công ty TNHH MTV Đầu tư Phương Đông. Cả hai liên danh này đều đã đạt năng lực sơ bộ thực hiện dự án.

Khu đô thị Núi Đối có quy mô 8,3 ha, hiện trạng là đất sản xuất nông nghiệp giao cho hộ gia đình cá nhân sử dụng. Tại đây dự kiến xây dựng 241 căn nhà liền kề cao 5 tầng, rộng 80 - 120 m2 với mặt tiền 5 m. Tổng chi phí thực hiện khoảng 542 tỷ đồng.

Cũng tại Hải Phòng, vài ngày sau đó, liên danh Hano-Vid - CTCP AAC Việt Nam được công bố là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án chỉnh trang đô thị tại khu vực phường Lãm Hà, quận Kiến An và đạt năng lực sơ bộ.

Dự án này có diện tích khoảng 1,4 ha, mục đích sử dụng là xây dựng công trình thương mại dịch vụ. Hạng mục chính của dự án là xây dựng 2 toà trung tâm thương mại với chiều cao 3 tầng, tổng mức đầu tư 288 tỷ đồng, đã bao gồm bồi thường mặt bằng.

Trụ sở của ROX Group. (Ảnh: Hoàng Huy).

Đến tháng 5, liên danh Oleco - NQ và Bất động sản Mỹ được tỉnh Kiên Giang công bố là nhà đầu tư duy nhất đăng ký làm hai dự án.

Đầu tiên là Khu đô thị mới phía tây trung tâm hành chính huyện Giồng Riềng, dự án này có quy mô 10 ha, tổng mức đầu tư 393 tỷ đồng.

Hạng mục chính là xây thô, hoàn thiện mặt ngoài các căn nhà cao 1 - 4 tầng trên tổng diện tích 12.500 m2, mật độ xây dựng tối đa là 80% Các lô đất còn lại trong dự án thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở. Ngoài ra còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật khác.  

Tiếp đến là Khu đô thị mới phía đông trung tâm hành chính huyện Giồng Riềng có diện tích hơn 12 ha, các hạng mục về cơ bản tương tự dự án trên. Tổng mức đầu tư dự án hơn 518 tỷ đồng.

Mới đây nhất, hồi tháng 8, liên danh Oleco-NQ và Địa ốc Việt Hân đã được chấp thuận là nhà đầu tư của Khu dân cư mới Ước Ngoại tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. 

Dự án có diện tích khoảng 10,8 ha, tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng. Tại đây sẽ xây thô và hoàn thiện mặt trước 152 công trình nhà ở liền kề. Bên cạnh đó, còn một số hạng mục khác như nhà văn hóa, công trình thương mại...

Vừa qua, nhóm doanh nghiệp ROX cũng đã công bố kế hoạch làm Khu đô thị Long Vân 2 gần 2.500 tỷ tại phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn trong giai đoạn quý I/2025 - quý IV/2031.

Khu đô thị Long Vân 2 có diện tích quy hoạch 36 ha, quy mô dân số 4.886 người. Tại đây sẽ xây dựng công trình nhà ở liền kề sẽ có mật độ xây dựng 80 - 90%, cao tối đa 4 tầng; đất tái định cư mật độ xây dựng 70 - 90%, cao tối đa 4 tầng; đất nhà ở biệt thự sẽ gồm hai lô đất cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng 50 - 60%. Công trình nhà ở xã hội có diện tích 2,6 ha, mật độ xây dựng 40% với chiều cao 5 tầng.