Doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng, trước hết cần quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận bán tài sản trả nợ đúng hạn

Theo chuyên gia, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn ngân hàng trước tiên cần quyết tâm cơ cấu lại, chấp nhận bán tài sản nếu cần để giải quyết đúng các cam kết trả nợ.

Bàn về giải pháp cho ngành ngân hàng với câu chuyện dù hạ lãi suất nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” diễn ra sáng 25/7, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã chỉ ra nhiều yếu tố khiến doanh nghiệp khó hấp thụ vốn dù lãi suất giảm liên tiếp.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,73% so với đầu năm (đến nay giảm về mức khoảng hơn 4%), tương đương với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn nhiều cùng kỳ của các năm còn lại trong giai đoạn 2018-2022.

Trong đó, dư nợ đối với doanh nghiệp khoảng 6,3 triệu tỷ đồng (tăng 4,66% so với cuối năm 2022, chiếm 51% dư nợ nền kinh tế). Dư nợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 4% so với cuối 2022, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tăng trưởng tín dụng thấp ở hầu hết các lĩnh vực (trừ xây dựng).

Tăng trưởng tín dụng theo ngành nghề (%, so cùng kỳ).

Doanh nghiệp không hấp thụ được vốn

Đánh giá về vấn đề này, ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp World Bank Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp khó khăn là do môi trường vĩ mô bất ổn, nền kinh tế toàn cầu suy thoái.

World Bank dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay chỉ ở mức 2,1%, giảm từ mức 3,1% của năm ngoái. Xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm đáng kể trong các lĩnh vực: Điện tử, giày da, may mặc,...

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp World Bank Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Hiện khoảng 60-70% doanh nghiệp tại TP HCM và Hà Nội cũng cho biết bị sụt giảm doanh thu năm nay. Vì vậy, mặc dù NHNN liên tiếp hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn.

Trước tình trạng trên, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nên sức khoẻ cũng yếu đi không đủ đáp ứng điều kiện của về tín dụng. Đồng thời, lý do quan trọng hơn là họ không có nhu cầu vay vốn.

"Số liệu thống kê của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy còn khá nhiều dư địa vay vốn nhưng do không có đơn hàng, không mở rộng quy mô sản xuất nên họ không có nhu cầu vay", đại diện World Bank cho biết.

Tìm giải pháp cho vấn đề này đại diện World Bank cho rằng, tình trạng sức cầu yếu cần được cải thiện thông qua các giải pháp kích thích tổng cầu. Điều này được thực thi thông qua các chính sách tài khoá mở rộng và Việt Nam vẫn còn dư địa để đẩy mạnh chính sách tài khoá.

Với phía cung, ông nhận định chính sách hạ lãi suất sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp song điều này cũng xuất hiện một vài nguy cơ. Thứ nhất, lãi suất của Việt Nam thấp trong môi trường nhiều quốc gia trên thế giới tăng lãi suất và giữ ở mức cao sẽ gây áp lực với VND.

Thứ hai, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong môi trường sức cầu yếu có thể làm dòng tiền bị chuyển hướng sang các lĩnh vực phi sản xuất gây tỷ lệ nợ xấu cao hơn gây bất ổn về tài chính.

Chính vì vậy, chuyên gia từ World Bank khuyến nghị, thay vì tăng trưởng tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực và hoạt động có năng suất cao. Bên cạnh đó, cần xem xét đa dạng hoá chính sách thay vì giới hạn tăng trưởng tín dụng. Việc giới hạn tăng trưởng tín dụng là một công cụ hiệu quả về quản lý thanh khoản và an toàn vĩ mô, tuy nhiên điều này sẽ làm hạn chế khả năng xử lý các rủi ro của ngành ngân hàng.

Đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái, công cụ hạn mức tín dụng không còn phát huy hiệu quả. Vì vậy, chuyên gia World Bank gợi ý trong thời gian tới, NHNN có thể nghiên cứu các công cụ như: Bộ đệm vốn ngược chu kỳ, dự phòng động, tỷ lệ nợ trên doanh thu,...Các công cụ này có hiệu quả cả trong chu kỳ tăng trưởng và suy giảm của nền kinh tế.

Doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV. (Ảnh: NĐT).

Đóng góp tham luận tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng đưa ra 4 nhóm giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên thực hiện để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch theo đúng kế hoạch, hồ sơ phát hành công cụ nợ hoặc vay vốn và giải quyết đúng các cam kết trả nợ, chấp nhận bán tài sản, nếu cần.

Đồng thời, chủ động có phương án, giải pháp cụ thể đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn còn lại trong năm 2023 và 2024; đẩy mạnh cơ cấu lại hoạt động như xem xét tạm dừng các dự án không cấp bách, ưu tiên các dự án đã cam kết với nhà đầu tư… Đây cũng là điều kiện tất yếu để tăng sức khỏe của doanh nghiệp nhằm dễ dàng đáp ứng tốt hơn với các điều kiện của thị trường vốn tín dụng, phát hành TPDN,…

Hai là, nâng cao tính công khai, minh bạch trong huy động vốn, sử dụng vốn: Các doanh nghiệp cần có phương án huy động vốn cụ thể, khả thi, trung thực; lựa chọn phương thức, thời điểm huy động vốn phù hợp với kế hoạch sử dụng vốn minh bạch, khả năng trả nợ…; Xây dựng quy trình, có lộ trình áp dụng xếp hạng tín nhiệm TPDN phù hợp; Tăng cường thu hút vốn đầu tư chiến lược, tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả kinh doanh, uy tín của doanh nghiệp.

Ba là, đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng, quan tâm hơn đến phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng; tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá bằng việc có thể hợp tác với các tổ chức tài chính,…

Bốn là, doanh nghiệp cũng cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động doanh nghiệp; đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao và đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và trong thời gian tới.

Đối với các tổ chức tài chính (bên cho vay), chủ động thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, Thông tư 06 (sửa đổi Thông tư 39) về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng.

Rà soát, linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng nhưng không hạ chuẩn bằng các phương án nhận tài sản đảm bảm là hàng hóa, hàng tồn kho...; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số, ông Lực cho hay.

chọn
Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP): Có hơn 11.948 tỷ đồng khách trả trước, sắp thu nợ hơn nghìn tỷ từ các công ty chứng khoán
Theo BCTC quý I của  Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP), doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp đạt 11.948 tỷ đồng, có khoản phải thu về cho vay ngắn hạn hơn 1.353 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán.