'Đoạt 2 huy chương Olympic Toán quốc tế chỉ là thành tích bề ngoài'

Đoạt 2 huy chương Olympic Toán quốc tế, Phạm Kim Hùng theo học ĐH Stanford, Mỹ và quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. Chàng trai này chưa từng hối tiếc vì từ bỏ cơ hội ở Mỹ.

Năm 2004, Phạm Kim Hùng là thí sinh duy nhất trong đoàn Việt Nam đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) khi mới học lớp 11. Một năm sau, nam sinh khối phổ thông chuyên Toán - Tin, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tiếp tục giành huy chương bạc tại kỳ thi này.

Hiện tại, anh là người sáng lập kiêm CEO của Base, nền tảng công nghệ tích hợp các ứng dụng cho các doanh nghiệp.

Quyết định liều lĩnh đến đại học hàng đầu thế giới

Sau khi tốt nghiệp THPT, với hai tấm huy chương Toán học, Phạm Kim Hùng trúng tuyển lớp Cử nhân tài năng của ĐH Tổng hợp. Khi đó, chàng trai đưa ra quyết định liều lĩnh là dừng học ĐH ở Việt Nam, tập trung chuẩn bị cho các kỳ thi cần thiết để du học.

Phạm Kim Hùng thừa nhận đây là lựa chọn rủi ro cao. Mong muốn của chàng trai này là học Công nghệ Thông tin tại ĐH Stanford, Mỹ. Năm 2007, Phạm Kim Hùng sang Mỹ cùng suất học bổng toàn phần. Khi còn là sinh viên, 8X viết cuốn sách “Sáng tạo bất đẳng thức”, sau này được xuất bản bằng 4 thứ tiếng trên thế giới.

doat 2 huy chuong olympic toan quoc te chi la thanh tich be ngoai

Kim Hùng tại lễ tốt nghiệp của ĐH Stanford.

“Tôi rất may mắn vì có cơ hội học ở trường đại học hàng đầu của Mỹ. Stanford trân trọng những người dám ước mơ và khát vọng tạo ra giá trị, sản phẩm mới”, Kim Hùng chia sẻ.

Với chủ nhân hai tấm huy chương IMO, điều quan trọng nhất là Stanford đã dạy nam sinh nhận thức đúng đắn về giá trị: Đó là thứ thứ mình tạo ra và cho đi chứ không phải thứ mình được người khác nghi nhận.

“Thực chất, huy chương vàng IMO chỉ là thành tích bề ngoài. Nếu chỉ là sự ghi nhận cho cá nhân mình mà không tạo ra giá trị cho những người xung quanh thì không phải thứ có giá trị thực sự”, vị CEO trẻ tâm sự.

Quan niệm sống này ảnh hưởng rất lớn đến con đường Hùng chọn hôm nay. Thời gian học, Hùng từng dừng học một năm để về nước, phát triển hệ thống thi công chức, giúp hiện đại hóa quy trình thi tuyển vào Nhà nước.

Sau khi tốt nghiệp, Phạm Kim Hùng từ bỏ tất cả cơ hội tại Mỹ, về nước lập nghiệp. Nhiều người có thể ngạc nhiên trước quyết định của anh nhưng với bản thân Kim Hùng, đây là lựa chọn dễ dàng.

Không hối tiếc và chưa hài lòng

Những năm đầu đại học, Phạm Kim Hùng nghĩ sau khi tốt nghiệp sẽ ở lại Mỹ làm việc một thời gian để “hoàn thành trách nhiệm” với Stanford và nước Mỹ.

Tâm sự điều này với giáo sư Rafe Mazzeo, Trưởng khoa Toán ĐH Stanford, Kim Hùng nhận được câu trả lời khá bất ngờ: “Stanford không cần em làm điều gì. Em hãy sống cuộc sống có ý nghĩa và tạo ra giá trị cho xã hội từ những điều em học được ở đây”.

doat 2 huy chuong olympic toan quoc te chi la thanh tich be ngoai

Tốt nghiệp ĐH hàng đầu nước Mỹ, chàng trai từng đoạt 2 huy chương Olympic Toán quốc tế quyết định về nước khởi nghiệp.

Câu nói của giáo sư góp phần thúc đẩy chàng trai về nước ngay sau khi nhận bằng.

Năm 2013, Phạm Kim Hùng về Việt Nam cùng khát vọng áp dụng những điều học được tại nền giáo dục hàng đầu thế giới để phát triển đất nước. Hùng theo đuổi lĩnh vực công nghệ.

Chàng trai cho biết bản thân muốn nhìn thấy sản phẩm mình làm ra giúp mọi người. Nó mang lại cho 8X niềm vui, đam mê lớn hơn khi sản phẩm tạo ra được giá trị cho người khác trong cuộc sống, công việc và mọi người xung quanh. Hơn nữa, lĩnh vực này cũng yêu cầu ứng dụng nhiều kiến thức Toán học.

Thời gian đầu luôn khó khăn với các nhà khởi nghiệp (startup). Cựu sinh viên Stanford cũng vậy. Hùng may mắn luôn có bạn bè sát cánh từ lúc bắt đầu đến nay.

Sau vài năm khởi nghiệp, anh nhận thấy điều quan trọng hơn - ý tưởng tốt nhất không chỉ là thứ thú vị mà phải gắn với quan điểm giá trị cá nhân mà mình thấy tự hào nhất. Từ đó, chàng trai tìm ra con đường đi trong nhiều năm tới - ứng dụng dành cho doanh nghiệp.

Vị CEO trẻ giải thích có sự khác biệt rất lớn giữa B2B (business) và C2C (customer). Khi khách hàng là những doanh nghiệp, bài toán họ gặp phải rất cụ thể, điều quan trọng là phải tìm ra cách giải bài toán đó như thế nào.

Thời gian khởi nghiệp với TechElite cho Kim Hùng nhận ra rằng các doanh nghiệp ở Việt Nam đang rất cần những phần mềm đủ tốt để hỗ trợ công việc.

Từ năm ngoái, anh bắt đầu với BASE Enterprise, tập trung phát triển một nền tảng cho phép đồng bộ và thống nhất toàn bộ ứng dụng trong doanh nghiệp. Dù được phát triển độc lập bởi các nhà cung cấp khác nhau, BASE vẫn có thể tích hợp các ứng dụng vào một môi trường trung.

Với những gì đạt được, năm 2016, Phạm Kim Hùng lọt vào danh sách 30 under 30 do Forbes Việt Nam bình chọn.

Chia sẻ với Zing.vn, anh cho biết không nuối tiếc vì đã bỏ cơ hội ở Mỹ và chưa hài lòng với hiện tại vì bản thân cũng như BASE còn một chặng đường rất dài để đi, trước mắt là mở rộng thị trường trong khu vực Đông Nam Á.

“Tôi hài lòng vì những đồng nghiệp đã rất cố gắng để ra mắt được sản phẩm. Nhưng đặc thù của ngành công nghệ là không có sản phẩm hoàn hảo, phải liên tục thay đổi, cập nhật, do đó, không bao giờ được phép tự hài lòng với những thứ mình đang có”, Phạm Kim Hùng nói.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.