"Mật gấu không là thần dược"
Được thành lập vào cuối năm 2010, AWO (Action for Widelife Organization) là tên gọi của một nhóm bạn trẻ sinh viên yêu môi trường tại TP.HCM, có mong muốn thực hiện những chương trình bảo tồn và các dự án bảo vệ động vật hoang dã. Đến nay, nhóm AWO đã thực hiện được nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, huấn luyện kĩ năng liên quan đến công tác bảo vệ động vật hoang dã.
Một buổi học truyền thông điệp bảo vệ động vật hoang dã khiến các em thích thú. |
“Bình đẳng Gấu” là một trong những dự án trọng điểm của nhóm AWO. Dự án đã được thực hiện ở một số điểm trường Tiểu học, Trung học cơ sở trong địa bàn TP.HCM và ngoại tỉnh. Trọng Phúc (SV năm 4, trường ĐH Tài nguyên và Môi trường), Trưởng nhóm dự án chia sẻ: “Thực ra động lực lớn nhất thúc đẩy tụi mình là khi trực tiếp nhìn thấy hình ảnh những chú gấu bị nhốt trong những cái chuồng nhỏ xíu và còn bị hành hạ để chích mật. Đồng thời, thực trạng này cũng cho thấy, không ít người chưa nhận thức đúng về công dụng của mật gấu”.
Bạn Thu Hằng (SV năm 3, trường ĐH Ngân Hàng) cũng bức xúc: “Mật Gấu không phải thần dược, chúng chỉ có tác dụng với một số bệnh nhất định. Nhưng cộng đồng vẫn nghĩ đó là thuốc chữa bách bệnh. Vì vậy, nhiều người luôn mong muốn sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ Gấu”. Theo Hằng, các bạn nhìn thấy được thực trạng vô cùng thảm hại của những con gấu nuôi để lấy mật và biết rằng, bản chất những túi mật đó không chữa được bệnh nào mà còn chứa những mầm mống nhiều bệnh khác nhưng giới buôn bán vì lợi ích siêu khủng đã lừa người tiêu dùng, khai thác đến cùng cực. Cũng theo Hằng, nhóm các bạn mong muốn không chỉ bảo vệ gấu mà còn lên án những con người làm giàu bất chính này.
Chung tay hành động
Quyết tâm không thể chỉ đứng nhìn, nhóm AWO đã họp, nghiên cứu nhiều tài liệu, xin tư vấn từ những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã lớn, tuyển Tình nguyện viên (TNV), viết hồ sơ xin tài trợ và bắt đầu thực hiện dự án “Bình đẳng Gấu”.
Các tình nguyện viên cùng nhiều em nhỏ thảo luận về giải pháp chống biến đổi khí hậu, bảo vệ động vật hoang dã. |
Trung Kiên (SV năm 3 trường ĐH Công nghiệp – Thực phẩm) cho biết: “Ngay khi chương trình tuyển TNV, mình đã đăng ký tham gia ngay. Trước đây, mình cũng không hiểu nhiều về câu chuyện đằng sau những lọ mật gấu, thậm chí mình đã cho đó là những sản phẩm rất bình thường. Khi tham gia chương trình mới hiểu ra nhiều thứ”.
Không chỉ được bổ sung kịp thời những kiến thức về gấu, Trung Kiên và các bạn tình nguyện viên khác còn học được nhiều kĩ năng mềm thông qua cách tổ chức và quản lý những sự kiện, chương trình trong dự án.
Dự án gồm nhiều hoạt động nhằm truyền tải những thông điệp bảo vệ loài gấu tại Việt Nam. Ban đầu, dự án xuất phát từ cuộc thi “Thách thức trái tay – Thách thức bảo vệ Gấu” tạo sân chơi cho các bạn trẻ, các em nhỏ trên cả nước tham gia vẽ gấu và thông điệp bảo vệ gấu bằng tay không thuận.
Trồng cây thuốc nam thay thế cho mật gấu cũng là một trong những hành động ý nghĩa của nhóm. |
Ở hoạt động này, hàng ngàn bức ảnh đã được gửi về và đã lan tỏa tới cộng đồng một tiếng vang không nhỏ.
Chuỗi hoạt động dạy học “Trái đất này là của chúng mình” cũng là một chuỗi các dự án nhỏ nằm trong dự án “Bình đẳng Gấu”. Chuỗi hoạt động đang được thực hiện tại các trường học tại địa bàn TP.HCM, Tây Ninh và Cần Thơ… nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em cũng như của các bạn sinh viên về gấu và các sản phẩm từ gấu.
Bạn Vũ Thủy (SV năm 4 trường ĐH Ngân Hàng), chia sẻ: “Ở mỗi nơi tụi mình áp dụng các bài giảng và cách dạy khác nhau. Trẻ em ở làng trẻ SOS rất hiếu động nên bọn mình chọn cách tiếp cận các em bằng cách dạy các em về môi trường, về đa dạng sinh học, về gấu nhưng không phải theo kiểu mô phạm, nguyên tắc mà thông qua các trò chơi và những clip được bọn mình sưu tầm”.
Nhóm các bạn trẻ Hành động vì Động vật Hoang dã (AWO) được thành lập tiền thân là Câu lạc bộ Tình nguyện viên Hành động vì Động vật hoang dã - AWVC. Sau nhiều năm hoạt động, AWVC đã thực hiện thành công những chương trình, hoạt động, dự án như: Chiến dịch truyền thông bảo vệ Gấu (2010), Chiến dịch Điệp viên Rừng xanh (2010,2011,2012), Tháng Hành động vì Động vật hoang dã (12-2010), Giờ Trái Đất (03-2011), Đại sứ Động vật hoang dã (05-2011), Dự án “Ngày Hè Xanh” (Tháng 07 & 08/2011), Tuần báo Động vật Hoang dã (2011), 1 triệu chữ ký bảo vệ các loài gấu tại Việt Nam (2012, Ngày hè Xanh (2013)… |