Đơn hàng dệt may, da giày chỉ tính từng tháng, từng tuần trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương một số ngành của Việt Nam đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày nhưng so với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất.

Chiều 2/10, tại Họp báo Chính phủ thường kì tháng 9, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Các doanh nghiệp trên toàn cầu, trong đó doanh nghiệp Việt Nam không phải là ngoại lệ

Đáng chú ý, tác động của dịch Covid-19 khiến đơn hàng dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chỉ tính đơn hàng từng tháng, từng tuần.

"Hiện nay, một số ngành chúng ta đang có thế mạnh về xuất khẩu, trong đó có dệt may, da giày. So với các năm trước, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đơn hàng cho sản xuất. 

Chính vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, quan trọng nhất là mức xuất khẩu", Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay.

Cụ thể, theo ông Hải, thứ nhất, hỗ trợ tổ chức khai thác, vận dụng tốt các cơ hội của FDI, các Hiệp định thương mại tự do, tìm các giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.

Thứ hai, cần tăng cường công tác thông tin, định hướng dịch vụ xuất khẩu. Đây là việc rất quan trọng vì các doanh nghiệp hiện nay trong bối cảnh Covid-19 không thể đi ra nước ngoài. 

Do đó, thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác, phù hợp sẽ giúp cho doanh nghiệp có những đơn hàng thông qua giao dịch trực tuyến, hoặc qua các phương thức khác.

Thứ ba, phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Mặc dù chúng ta không đi được theo các con đường cũ, truyền thống như tổ chức các đoàn khảo sát từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam nhưng chúng ta đã tổ chức nhiều diễn đàn, giao dịch trực tuyến.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, gỡ bỏ rào cản trong các quy định để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, 3 tháng cuối năm chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tốt hơn không những cho quí IV và năm 2020 mà tạo tiền đề để bước sang năm 2021", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.

Dịch COVID-19 khiến đơn hàng dệt may, da giày chỉ tính từng tháng, từng tuần - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại họp báo Chính phủ thường kì tháng 9/2020. (Ảnh chụp màn hình).

Về "sức khoẻ" doanh nghiệp, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay đã chỉ đạo Tổng cục Thống kê xây dựng công cụ khảo sát tình hình sản xuất kinh doanh kể từ khi dịch diễn ra. 

Trong đó, khó khăn doanh nghiệp hơn nhiều so với hồi đầu năm, nhiều lĩnh vực như doanh nghiệp liên quan hàng xuất khẩu, dịch vụ lữ hành du lịch bị tác động trực tiếp.

"Hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua đã thể hiện tích cực, tới đây sẽ có kiến nghị cụ thể tình hình sắp tới và cần thêm có chính sách mới. 

Tuy nhiên nguồn vốn ngân hàng không phải cho không, 6 tháng vừa qua tăng trưởng tín dụng 5% là tích cực, cho thấy tương quan vốn là tích cực. Song không phải doanh nghiệp nào cũng vay và muốn vay vì phải giải quyết đặc biệt là đầu ra của doanh nghiệp", ông Phương nói.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.