Động lực cho phát triển Hà Nội – Bài 1: Diện mạo và tâm thế mới

Hà Nội đã đi những bước vững chắc và bài bản để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, thay đổi đầu tiên phản ánh ở sự phát triển vượt bậc của kết cấu hạ tầng giao thông.

Nghị quyết số 15 - NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khái quát tư tưởng chỉ đạo lớn của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội ngang tầm Thủ đô các nước trong khu vực, trở thành trung tâm động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của cả nước; trong đó tiếp tục xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai, hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng. Với những thời cơ, thuận lợi, thách thức đan xen, để kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô phát triển bứt phá đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết để ra, đưa Nghị quyết 15 đi vào cuộc sống đòi hỏi thời gian, nỗ lực và nguồn lực với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân thành phố.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu chùm 3 bài với tiêu đề: “Động lực cho phát triển Hà Nội”, nhằm ghi nhận những kết quả nổi bật trong chặng đường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính; nhìn nhận nguyên nhân và kinh nghiệm rút ra từ những bất cập, tồn tại, giới thiệu những tư duy mới, cách làm hay, hướng tới giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô ngày càng đồng bộ, hiện đại, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngang tầm Thủ đô các nước trong khu vực theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 15 – NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đề ra.

Bài 1: Diện mạo và tâm thế mới

Trước đây đúng 14 năm, Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính bằng việc hợp nhất Hà Nội cũ với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới với tổng diện tích hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó); tổng số dân tăng từ 3,4 triệu lên 6,2 triệu người.

Từ quyết định mang tính kiến tạo ấy, Hà Nội đã đi những bước vững chắc và bài bản để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, thay đổi đầu tiên phản ánh ở sự phát triển vượt bậc của kết cấu hạ tầng giao thông.

Thúc đẩy liên kết vùng

Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ, thành phố Hà Nội đã chú trọng xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội định hướng phát triển dài hạn, phân bổ nguồn lực, nhằm từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

Trong chiến lược quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội đã xác định vai trò kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những động lực chính để mở rộng không gian phát triển đô thị và ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng.

 Đoàn tàu chạy qua tuyến đường Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao dài 8,5km từ Nhổn đến Đại học Giao thông vận tải). (Ảnh: Trung Nguyên - TTXVN). 

Đánh giá những kết quả nổi bật trong phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính, nguyên Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, định hướng chính xác của Chính phủ và chính quyền thành phố, các nguồn lực, thế mạnh về đất đai, con người, công nghệ… của từng quận, huyện sau khi hợp nhất đã được khai thác, phát huy và sử dụng hiệu quả.

Theo đó, hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội phát triển cả về chất và lượng. Tiêu biểu là các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ: Láng – Hòa Lạc, Pháp Vân – Cầu Giẽ; Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn; Hà Nội – Thái Nguyên; Hà Nội – Hải Phòng, Nội bài – Lào Cai; Nội bài - Nhật Tân; cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; hệ thống cầu vượt thép bắc qua các điểm “đen” ùn tắc giao thông; hàng loạt tuyến đường xuyên tâm, các đường Vành đai 1, 2, 3 và 3,5... góp phần kết nối và dần khép kín hệ thống giao thông thông suốt.

Ngoài ra, thành phố phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)… và chuẩn bi vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội).

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đã tham mưu cho thành phố triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong đó có việc sửa chữa, thay thế hàng chục cầu yếu, cầu cũ, tăng cường kết nối khu vực nông thôn, ngoại thành với đô thị trung tâm, đáp ứng sự mong mỏi của người dân nhiều huyện, thị thuộc Hà Tây (cũ). Tỷ lệ đất đô thị dành cho giao thông đã tăng từ  8,65% năm 2015 lên 9,75% vào năm 2019 và năm 2022 đạt trên 10,07%.

“Đường mở tới đâu, đô thị theo tới đó”, sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông đã mang lại sự khởi sắc cho bộ mặt đô thị, tình trạng ùn tắc giao thông cũng được cải thiện đáng kể. Hình ảnh Hà Nội xưa với 36 phố phường, 5 cửa ô được thay thế bằng hình ảnh của những tuyến cao tốc, đại lộ thênh thang; những cây cầu vươn mình mạnh mẽ vắt qua sông Hồng.

Từ chỗ chỉ có cây cầu di sản Long Biên được xây dựng từ thời Pháp, cầu Chương Dương và Thăng Long được khánh thành năm 1985, đến nay, Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu lớn, như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân, Đông Trù, Vĩnh Thịnh.

Trong số đó, cầu Nhật Tân trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài 5 năm liên tiếp nằm trong “Top 100 sân bay tốt nhất thế giới”; đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân trở thành cửa ngõ đẹp nhất Thủ đô, tạo ấn tượng với du khách ngay khi đặt chân đến Hà Nội. Tàu đường sắt trên cao, buýt nhanh được đưa vào vận hành khai thác mang lại hình ảnh mới, văn minh, hiện đại cho giao thông công cộng Thủ đô.

Nhờ giao thông phát triển, những vùng đất ven đô hoang vắng trước đây đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành điểm nóng của thị trường bất động sản, tiêu biểu như trục cao tốc Láng – Hòa Lạc sau khi đưa vào khai thác kéo theo hàng loạt khu nhà cao tầng đua nhau mọc lên hai bên đường như: dự án Vinhomes Green Bay; dự án Vinhomes Smart City, dự án Gemek Tower ở cổng chào Thiên Đường Bảo Sơn; chung cư The Golden An Khánh; Khu đô thị Splendora… kéo người dân từ nội đô về sinh sống, làm việc; giảm bớt áp lực cho khu vực nội đô và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Nhiều điểm nóng ùn tắc giao thông đã được giải tỏa, không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển. Trước năm 2015, tuyến đường Phạm Văn Đồng là trục giao thông chính kết nối nội đô ra sân bay Nội Bài nhưng tuyến cửa ngõ này này luôn trong tình trạng ùn tắc, là nỗi ám ảnh của người dân và du khách mỗi khi qua đây.

Nhưng từ năm 2015, khi cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khánh thành, đưa vào khai thác tăng cường năng lực cho giao thông Thủ đô, điểm đen ùn tắc giao thông trên đường Phạm Văn Đồng cũng được giải quyết, rút ngắn thời gian đi lại cho người dân. Công trình cầu Vĩnh Tuy sau khi thông xe đã san sẻ đáng kể gánh nặng cho cầu Chương Dương và mang lại sự đổi thay cho bộ mặt đô thị phía Bắc sông Hồng.

Khát nguồn lực đầu tư

Những năm qua, mặc dù các dự án hạ tầng giao thông đô thị được quan tâm nhưng chưa đáp ứng được tốc độ phát triển đô thị, đặc biệt là vấn đề giao thông và thoát nước, xử lý nước thải. Hiện nay, quỹ đất dành cho giao thông đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng trên 10%/đất xây dựng đô thị, chưa đạt so với yêu cầu của Luật Giao thông đường bộ là từ 16 - 26%. Đây là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trầm trọng ở Thủ đô. Tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh cũng mới đạt 1%, trong khi yêu cầu là 3 - 4%. năng lực giao thông công cộng của Hà Nội và nhiều thành phố lớn mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân, trong khi yêu cầu đặt ra đối với giao thông công cộng ở các đô thị hiện đại là 40%.

Phân tích bất cập trong phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng, thời gian qua, hệ thống giao thông đối ngoại liên vùng được quan tâm huy động nguồn lực đầu tư nhưng hệ thống giao thông trong đô thị dường như chưa được quan tâm nhiều.

“Chúng ta đang tập trung nguồn lực cho các tuyến giao thông quốc gia, còn giao thông trong đô thị chúng ta cho rằng của chính quyền địa phương. Trong khi nguồn lực thực hiện phần việc này rất lớn mà bản thân một chính quyền địa phương chưa chắc thực hiện được, dẫn đến việc triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông trong đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn còn chậm”, Thứ Trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

“Việc huy động nguồn lực đầu tư kết cầu hạ tầng giao thông đô thị chưa hiệu quả, chủ yếu trông chờ vào ngân sách nhà nước, nguồn vốn trung ương và địa phương. Các quy hoạch chưa đồng bộ, đặc biệt giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông vận tải. Mục tiêu theo quy hoạch chưa tương xứng với khả năng cân đối nguồn lực để thực hiện”,  Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận.

Trên thực tế, do thiếu hụt nguồn lực nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Thủ đô chưa được đầu tư đồng bộ. Các công trình giao thông lớn như các tuyến đường vành đai, tuyến nối đô thị vệ tinh với khu vực trung tâm chưa hình thành; các tuyến đường sắt đô thị chưa được đầu tư theo tiến độ quy hoạch. Việc tổ chức thực hiện đầu tư các tuyến giao thông đô thị còn chậm.

Một trong các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Thủ đô được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, linh hoạt sáng tạo sử dụng các nguồn lực; trong đó nguồn vốn Nhà nước đóng vai trò là vốn mồi để thu hút tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế khác theo phương châm đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; thể chế hóa các giải pháp để huy động nguồn lực.

Bên cạnh đó nâng cao chất lượng công tác quy hoạch có tầm nhìn, tư duy đột phá tạo nguồn lực và không gian phát triển, thực hiện nghiêm việc quản lý quy hoạch, mà trọng tâm là quy hoạch Thủ đô, cập nhật quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt để phát triển giao thông nội đô Hà Nội.

Sự nghiệp đầu tư xây dựng phát triển đô thị đặc biệt như đô thị Hà Nội là sự nghiệp lớn, đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực và nguồn lực. Thời gian thực hiện Nghị quyết số 06 - NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 15 – NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ còn 8 năm, dự kiến công cuộc đầu tư chỉnh trang, tái thiết Hà Nội có thể kéo dài 20 – 30 năm.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Hà Nội cần căn cứ tình hình thực tiễn để có chương trình hành động tính khả thi về thời gian, nguồn lực và tổ chức thực hiện để tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho Thủ đô.

chọn
[Infographic] 8 dự án sẽ đóng góp 1.700 ha quỹ đất công nghiệp cho TP HCM thời gian tới
Trong thời gian tới, nguồn cung mới đất công nghiệp của TP HCM dự kiến có khoảng 1.759 ha đến từ 8 dự án tại Bình Chánh, Nhà Bè và Củ Chi.