Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã chính thức trở thành ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ và đang dẫn trước đương kim Tổng thống Trump trong nhiều cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, chiến thắng của ông Biden là chưa chắc chắn khi giới quan sát còn chưa rõ cựu Phó Tổng thống của ông Barack Obama sẽ đối đầu với ông Trump trong các cuộc tranh luận sắp tới ra sao và liệu vắc xin ngừa Covd-19 có được phê duyệt trước ngày bầu cử 3/11 hay không.
Dù vậy, Nikkei Asian Review cho rằng các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới nên bắt đầu xem xét nghiêm túc về cách ứng phó với Nhà Trắng dưới thời ông Biden.
Một câu hỏi lớn là chiến lược lãnh đạo của ông Biden sẽ ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Mỹ - Trung nếu ông đắc cử, đặc biệt là khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã chìm xuống đáy thấp nhất hàng chục năm.
Các quốc gia châu Á nhận định ông Biden sẽ ít cứng rắn với Bắc Kinh hơn Tổng thống Trump. Bản thân ông Biden nhận thức rõ rằng ông bị coi là mềm mỏng với Trung Quốc hơn và nhóm vận động tranh cử của ông Trump có thể tấn công vào vấn đề này như một điểm yếu tiềm ẩn của ông Biden.
Nhằm xóa bỏ hình ảnh thân thiện quá mức của ông Biden với Trung Quốc, các cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của cựu Phó Tổng thống Mỹ được cho là đã thảo luận về định hướng chính sách của ông Biden với Trung Quốc trong vài tuần qua.
Hai trong số các cố vấn này có ông Antony Blinken - cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ và ông Jake Sullivan - cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden khi còn là Phó Tổng thống Mỹ.
Theo Nikkei, sau quá trình thảo luận, các cố vấn đã rút ra ba điểm chính. Theo đó, ông Biden sẽ:
(1) Không cho phép Trung Quốc tiếp tục thực hiện các hành vi thương mại không công bằng, đánh cắp dữ liệu mạng và tăng cường gây hấn trên biển;
(2) Tích cực phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc tại khu tự trị Tân Cương,... theo như cáo buộc của chính phủ Mỹ;
(3) Tìm kiếm hợp tác với Trung Quốc trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Cả hai cố vấn của ông Biden đều nhấn mạnh, Mỹ cần điều chỉnh các liên minh để phản ứng tốt hơn trước những hành động khó chấp nhận được của Trung Quốc.
Nikkei cho biết có hơn 20 tài liệu về Trung Quốc trong cương lĩnh 80 trang của Đảng Dân chủ, trong đó có nhiều chính sách về cách đối phó với Bắc Kinh phù hợp với quan điểm của hai cố vấn Blinken và Sullivan.
Nếu ba điểm chính trên thực sự trở thành chính sách đối ngoại của ông Biden, lập trường cứng rắn của Washington với Bắc Kinh sẽ không thay đổi.
Bà Bonnie Glaser - cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, không cho rằng Washington dưới thời ông Biden sẽ dễ dãi với Bắc Kinh hơn.
"Nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông Biden sẽ không sử dụng luận điệu và chiến thuật đả kích Trung Quốc như Tổng thống Trump đang làm. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa là ông Biden sẽ làm dịu chiến lược của Mỹ với Trung Quốc", bà Glaser lí giải.
"Chính sách ứng phó với Trung Quốc là một trong số ít chương trình nghị sự mà lưỡng đảng Mỹ có chung tiếng nói, và Đảng Dân chủ cũng cứng rắn với Trung Quốc như Đảng Cộng hòa", cố vấn Glaser lập luận.
Nếu ông Biden đắc cử, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ cố thuyết phục tân tổng thống Mỹ từ bỏ chính sách bài xích Trung Quốc để đổi lấy sự hợp tác của Bắc Kinh ở các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu khi đây là một trong các mối quan tâm lớn của ông Biden.
Nikkei vạch ra ba tình huống cho mối quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kì của ông Biden như sau:
(1) Căng thẳng hiện tại sẽ giảm bớt khi Trung Quốc thể hiện thái độ sẵn sàng hợp tác với Mỹ để giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu nhưng từ chối thay đổi về các vấn đề an ninh quốc gia và nhân quyền;
(2) Xung đột Mỹ - Trung sẽ tiếp tục và thậm chí leo thang khi Bắc Kinh từ chối thỏa hiệp về vấn đề an ninh quốc gia và nhân quyền, bất chấp một số tiến bộ trong hợp tác song phương về biến đổi khí hậu,...;
(3) Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào trạng thái đối đầu nghiêm trọng hơn do thiếu hợp tác về biến đổi khí hậu và các thách thức khác, cũng như do Bắc Kinh không chịu nhượng bộ về vấn đề an ninh quốc gia và nhân quyền.
Kịch bản đầu tiên khó xảy ra vì bất đồng về an ninh quốc gia và nhân quyền, chẳng hạn như vấn đề gián điệp mạng, tranh chấp biển và chính sách kiểm soát của Bắc Kinh với Hong Kong, đều không thể biến mất. Trừ khi các vấn đề này được giải quyết, căng thẳng Mỹ - Trung chưa thể dịu lại.
Ngoài ra, chính sách đối với Trung Quốc của ông Biden có ít nhất hai yếu tố có thể làm tổn hại thêm quan hệ song phương.
Thứ nhất, ông Biden quan tâm vấn đề nhân quyền. Nikkei dẫn lời một cấp dưới của ông Biden cho biết nếu đắc cử, cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ chỉ đạo các nỗ lực của Washington nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh cải thiện chính sách kiểm soát ở Hong Kong và Tân Cương.
Thứ hai, ông Biden có ý định tăng cường hợp tác với các đồng minh quan trọng của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc. Điều này có thể tạo ra một liên minh hợp tác quốc tế vững mạnh hơn nhằm gây áp lực lên Trung Quốc và cô lập Bắc Kinh hơn.
Ông Trump chưa bao giờ yêu cầu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng Mỹ áp lệnh trừng phạt Trung Quốc vì vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Tuy nhiên, nếu chính sách nhân quyền của Trung Quốc không cải thiện, ông Biden sẽ áp lệnh trừng phạt mới về tài chính và thương mại, đồng thời thúc giục Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc và Australia đồng hành. Chính vì lẽ đó mà một số quan chức Trung Quốc tin rằng ông Trump làm tổng thống sẽ có lợi cho họ hơn.
Đối với các đồng minh chính của Mỹ, nhiệm kì tổng thống của ông Biden sẽ mang lại cả lợi ích và thách thức. Họ sẽ phải đối mặt với những quyết định khó khăn, chẳng hạn nếu không toàn tâm ủng hộ chính sách của ông Biden với Trung Quốc, các đồng minh này có thể phải nhận lại sự giận dữ của Mỹ.
Tùy thuộc vào việc duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, các đồng minh của Mỹ sẽ phải chật vật cân bằng mối quan hệ với cả hai nước.