Đồng Nai muốn đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi qui hoạch, Bộ KH&ĐT nói gì?

Bộ KH&ĐT vừa có yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung, làm rõ sự chênh lệch về qui mô KCN đưa ra khỏi qui hoạch và qui mô KCN được chuyển đổi cùng phương án xử lí.

Theo thông tin từ Báo Đồng Nai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa nhận được công văn của UBND tỉnh Đồng Nai giải trình, bổ sung đề án điều chỉnh, bổ sung qui hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, trong đó liên quan đến kiến nghị đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi qui hoạch.

Đồng Nai muốn đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi qui hoạch, Bộ KH&ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Một góc dự án KCN Biên Hòa 1. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Theo Đề án điều chỉnh, bổ sung qui hoạch phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, UBND tỉnh kiến nghị đưa KCN Biên Hòa 1 có qui mô 335 ha ra khỏi qui hoạch. 

Tuy nhiên, theo Đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ và cải thiện môi trường do UBND tỉnh Đồng Nai lập thì phần diện tích đất KCN dự kiến chuyển đổi là 324,08 ha, giảm 10,92 ha so với qui mô KCN Biên Hòa 1.

Do đó, để có cơ sở đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi qui hoạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tránh khiếu nại, khiếu kiện của doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung.

Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai bổ sung, làm rõ phương án di dời các doanh nghiệp, trong đó có văn bản, tài liệu thể hiện sự đồng thuận của doanh nghiệp phát triển hạ tầng và các doanh nghiệp đang đầu tư trong KCN Biên Hòa 1 trong trường hợp KCN này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi qui hoạch.

Bổ sung, làm rõ sự chênh lệch về qui mô KCN đưa ra khỏi qui hoạch và qui mô KCN được chuyển đổi và phương án xử lí.

Trước đó, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt đề án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại dịch vụ. Để đẩy nhanh tiến độ đề án, Đồng Nai dự kiến sẽ đóng cửa KCN này vào năm 2022.

Việc đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi qui hoạch KCN Việt Nam đến năm 2022 là cơ sở pháp lí cần có để thực hiện đóng cửa KCN này.

Theo UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 5/2020, có 83 doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa 1, trong đó có 78 doanh nghiệp vẫn còn thời hạn thuê đất với công ty phát triển hạ tầng KCN Biên Hòa 1 và Nhà nước.

KCN Biên Hoà 1 được thành lập từ năm 1963, là khu công nghiệp đầu tiên của Việt Nam với tên gọi vào thời điểm đó là khu kĩ nghệ Biên Hòa do Công ty Quốc gia khuếch trương các khu kĩ nghệ quản lí.

KCN thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai - một trong các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là địa phương tập trung rất nhiều khu công nghiệp của cả nước. KCN có một mặt giáp Quốc lộ 1, tuyến giao thông huyết mạch Bắc – Nam và điểm giao lộ giữa Đồng Nai – TP HCM - Vũng Tàu.

Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai đã đưa ra ba phương án để chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Phương án 1 là đấu giá quyền sử dụng đất và tỉnh có nguồn vốn lớn để tiến hành giải phóng mặt bằng, thu hồi đất nhằm có đất sạch đấu giá.

Phương án 2 là thực hiện đấu thầu dự án để chọn nhà đầu tư.

Phương án 3 là xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ giao thẳng dự án cho Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp (Sonadezi).

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.