Trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải về việc đầu tư đường bộ cao tốc qua địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng bằng phương thức đầu tư công.
Đồng thời, Hà Tĩnh mong muốn được ưu tiên bố trí nguồn vốn để tỉnh chủ động, sớm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ khi thực hiện dự án.
Hà Tĩnh đang đẩy nhanh việc triển khai nhiều hạng mục, dự án trong Khu kinh tế Vũng Áng. Đây là một trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia được tập trung đầu tư phát triển, với thế mạnh: Công nghiệp thép và cơ khí, chế tạo; năng lượng; cảng biển nước sâu và dịch vụ logistics; với vị trí nằm trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế, trục hành lang kinh tế Đông - Tây trong tiểu vùng sông Mekong (GMS), với hạt nhân là dự án Khu liên hợp gang thép và cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, các dự án điện,...
Đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng có 146 dự án đã và đang được đầu tư, gồm 57 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 13 tỷ USD và 89 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 48.721 tỷ đồng.
Các dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động trong khu kinh tế có thể kể đến như: Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (Giai đoạn 1: Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm; cảng nước sâu Sơn Dương cho tàu 30 vạn tấn); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (công suất 1.200 MW); Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng Vũng Áng, Khu công nghiệp Vũng Áng 1,...
Hiện nay, tại Khu kinh tế Vũng Áng đang thi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II công suất 1.200MW (gần 2,5 tỷ USD), chuẩn bị khởi công Nhà máy sản xuất Cell Pin của tập đoàn Vingroup (gần 500 triệu USD), và đang hoàn thiện, lập quy hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng phát triển tổ hợp công nghiệp ô tô (với quy mô dự kiến 13 tỷ USD); đang xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, tổ hợp điện khí Vũng Áng III, hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ,...
Trong quý IV/2022, Vingroup dự sẽ triển khai 4 dự án thuộc Khu kinh tế Vũng Áng với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, trong đó có hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển, logistics và khu nghỉ dưỡng Kỳ Ninh.
"Khu kinh tế Vũng Áng đã, đang và sẽ là động lực, tạo đột phá phát triển, thúc đẩy liên kết vùng Bắc Trung Bộ, trở thành một trung tâm công nghiệp nặng quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước", Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải thông tin.
Người đứng đầu tỉnh cho rằng, với nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối phục vụ cho thu hút đầu tư, phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng trong thời gian tới, trong điều kiện tuyến quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh đã bắt đầu hư hỏng, xuống cấp và có những dấu quá tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông và hạn chế khả năng lưu thông hàng hóa trên trục dọc Bắc - Nam cũng như ảnh hưởng đến sự kết nối với trục Đông - Tây qua quốc lộ 8, quốc lộ 12 đến cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cửa khẩu Cha Lo, việc sớm đầu tư hoàn thành các đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng để kết nối với Khu kinh tế Vũng Áng là hết sức cần thiết và cấp bách.
Vào tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc tham gia ý kiến thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Hà Tĩnh đề nghị được ưu tiên thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam, đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng trong giai đoạn trước năm 2023 nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vũng Áng, góp phần giảm tải và hạn chế tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1.
Liên quan đến hình thức đầu tư các dự án đường cao tốc hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất theo phương thức đầu tư công và PPP.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư đường cao tốc theo phương thức PPP ngoài những lợi thế nhất định, thì từ thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy vẫn còn có những khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên chưa thể khẳng định chắc chắn thành công, dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện dự án (chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, các tổ chức tín dụng hiện nay khó khăn trong cân đối nguồn vốn, thời gian thu hồi vốn kéo dài...).
Đặc biệt, do trên quốc lộ 1 đoạn qua Hà Tĩnh không còn các trạm thu phí, vì vậy, tỉnh cho rằng việc triển khai cao tốc đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng bằng phương thức PPP là khó khả thi.
Là khu kinh tế trọng điểm quốc gia, hạ tầng giao thông kết nối Vũng Áng với các khu vực xung quanh được chú trọng đầu tư, đã và đang hình thành các tuyến giao thông trục chính, tuyến đường dọc, ngang kết nối các công trình dự án quan trọng như cụm cảng nước sâu, nhà máy nhiệt điện, khu liên hợp thép với các hành lang đường bộ quốc gia ở phía tây như đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh, nối Vũng Áng - quốc lộ 1A - quốc lộ 12A qua hai khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo (Quảng Bình) và Cầu Treo (Hà Tĩnh), nối Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Hòn La (Quảng Bình) qua tuyến quốc lộ ven biển.
Ngoài ra, trong khu kinh tế đang từng bước hình thành hệ thống đường liên đô thị, đường khu vực các khu đô thị quy hoạch như dự án đường vành đai phía nam Khu kinh tế Vũng Áng 450 tỷ đồng; đường từ khu công nghiệp đa ngành đi khu công nghệ cao Khu kinh tế Vũng Áng trị giá 270 tỷ đồng. Dự án đường trục chính từ quốc lộ 1A đến khu đô thị trung tâm Khu kinh tế Vũng Áng được trung ương bố trí toàn bộ vốn là 282 tỷ đồng.
Một công trình giao thông lớn khác phải kể đến là dự án đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng với tổng mức đầu tư hơn 1.495 đồng, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án này được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào năm 2017, thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2021.
Tuyến đường có chiều dài hơn 68 km, tới nay, đoạn Xuân Hội - Thạch Khê (dài khoảng 38 km) và đoạn Cẩm Lĩnh - Kỳ Xuân (dài hơn 12 km) đã được bàn giao, đưa vào sử dụng, các đoạn còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Vào tháng 4 vừa qua, Hà Tĩnh cũng vừa đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên đầu tư nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Kỳ Anh và Khu kinh tế Vũng Áng từ nguồn ngân sách trung ương bố trí cho Bộ trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với quy mô đường đô thị thứ yếu 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 1.540 tỷ đồng.
Đối với tuyến Bãi Vọt - Vũng Áng, tại tờ trình ngày 6/11/2021 của Bộ Giao thông vận tải gửi Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi có chiều dài 36 km, tổng mức đầu tư 7.588 tỷ đồng còn đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng dài 54 km, tổng mức đầu tư 10.707 tỷ đồng.
Hai dự án thành phần nói trên được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP. Thời gian hoàn vốn là 15 năm.
Khu kinh tế Vũng Áng nằm tại ở chân núi phía bắc dãy Hoành Sơn, thuộc địa bàn các phường Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Thịnh, Kỳ Trinh và các xã Kỳ Nam, Kỳ Lợi, Kỳ Hà và Kỳ Ninh thuộc thị xã Kỳ Anh với diện tích 22.781 ha.
Ranh giới phía bắc và đông giáp Biển Đông, phía nam giáp tỉnh Quảng Bình. Được thành lập năm 2006 theo quyết định Thủ tướng Chính phủ, Khu kinh tế Vũng Áng có nhiều lợi thế về vị trí địa lý tự nhiên như gần cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 5 đến 25 vạn tấn, gần quốc lộ 1A, trên quốc lộ 12A nối với Lào và Thái Lan, nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây rất thuận lợi cho phát triển.
Theo quy hoạch chung được phê duyệt, Khu kinh tế Vũng Áng sẽ là trung tâm công nghiệp luyện thép, nhiệt điện, logistics và cảng biển nước sâu của khu vực miền Trung và cả nước.