Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành sửa chữa và thông xe trước 31/12/2020 đúng theo kế hoạch.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long đã giải ngân hơn 124 tỉ đồng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020 - Ảnh 1.

Mặt đường cầu Thăng Long xuống cấp nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)

Theo báo cáo về tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long của Tổng cục Đường bộ, hiện hạng mục đinh neo đã hàn được gần 850.000 trong tổng số hơn 1,4 triệu đinh neo phải hàn, đạt 60% tiến độ.

Đối với hạng mục cốt thép đã thi công 445/775 tấn đạt gần 60% kế hoạch; diện tích bê tông UHPC đã đổ là hơn 13.800 m2 trong tổng số hơn 27.700 m2; hạng mục đổ bê tông siêu tính năng UHPC đã đổ 1.860/3.200 m. Hệ thống lan can cầu sau nhiều năm đã gỉ sét cũng được làm sạch sau đó gia cố thêm chân đỡ.

Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị thực hiện là hơn 116 tỉ đồng, đạt hơn 50% giá trị hợp đồng. Tổng giá trị giải ngân đạt hơn 124/244 tỉ đồng, đạt 51% giá trị hợp đồng và hơn 70% kế hoạch năm.

Theo kế hoạch, từ ngày 20/11 đến 25/12, các đơn vị thi công sẽ hoàn thành lớp dính bám và thảm bê tông nhựa với khối lượng hơn 27.000 m2; đến ngày 14/12 sẽ hoàn thành đổ hơn 2.000 m3 bê tông siêu tính năng toàn bộ mặt cầu.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành thông xe trước 31/12 đúng theo kế hoạch. Khi hoàn thành, cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ với tuyến đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Trước đó, tháng 4/2020, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung sửa chữa cầu Thăng Long để hoàn thành trong tháng 9/2020, đưa vào khai thác đồng bộ với dự án đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long (Hà Nội).

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng 11/1974 và hoàn thành tháng 5/1985. 

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, mặt cầu Thăng Long đã qua hai đợt sửa chữa lớn vào năm 2009 và các năm từ 2012 đến 2014. Tuy nhiên, mặt cầu Thăng Long sau đó lại bị hư hỏng nặng.

Cụ thể, năm 2009, mặt cầu Thăng Long được sửa chữa tổng thể toàn bộ mặt cầu (kết cấu lớp phủ mặt cầu tính từ dưới lên). Sau một thời gian khai thác, lớp bê tông nhựa SMA bị hư hỏng, trượt, xô dồn nứt dẫn đến lớp bê tông nhựa mặt cầu nhanh bị phá hỏng.

Trong  đợt 2, Bộ Giao thông Vận tải thi công sửa chữa, khắc phục hư hỏng lớp bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long bằng máy rải chuyên dụng của hãng HallBrother (Mỹ), sử dụng vật liệu dính bám nhũ tương nhựa đường polyme và bê tông nhựa polyme.

Mặt đường bộ tầng 2 cầu Thăng Long có tổng chiều dài khoảng 3.116 m. Phần cầu chính dài 1.688 m. Bề rộng mặt cầu 20,5 m gồm 4 làn xe cơ giới rộng 16,5 m, hai bên là phần đường bộ hành công vụ mỗi bên rộng 2,0m.

Phần cầu dẫn bê tông cốt thép có tổng chiều dài 1.428 m; bề mặt rộng 16,5 m. Mặt đường bê tông nhựa được tổ chức xe lưu thông hai chiều không dải phân cách giữa, gồm 4 làn xe.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.