Dự án thép gần 3 tỷ USD của Tập đoàn Hòa Phát được ưu đãi gì?

Dự án thép gần 3 tỷ USD của Tập đoàn Hòa Phát cam kết áp dụng công nghệ xử lý theo tiêu chuẩn châu Âu với công suất 4 triệu tấn/năm, thời gian hoạt động trong 70 năm, thuế suất thuế TNDN 10% trong 30 năm. 

UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản chính thức lựa chọn Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư dự án thép tỷ USD tại Dung Quất sau khi nhà đầu tư Đài Loan - công ty Guang Lian rút lui.

Nếu được các bộ ngành đồng ý, Tập đoàn Hòa Phát phải chi ngay hơn 266 tỷ đồng để tiếp quản và thanh lý các tài sản mà công ty Guang Lian đã chi cho dự án. Tập đoàn này cũng sẵn sàng chi thêm hơn 22 tỷ đồng (1 triệu USD) để được đối tác ngoại chuyển giao hồ sơ, số liệu liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Guang Lian đã thực hiện trước đây để phục vụ cho dự án của mình.

Công suất 4 triệu tấn/năm, công nghệ làm thép của Châu Âu

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến công suất 4 triệu tấn/năm, được phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 1, công ty dự kiến xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời gian 24 tháng kể từ ngày bàn giao đất và cấp Giấy phép xây dựng. Sản phẩm dự kiến thép xây dựng gồm 1,5 triệu tấn thép thanh vằn và 0,5 tấn thép dây cuộn chất lượng cao.

Giai đoạn 2, công ty dự kiến sẽ triển khai sau 18 tháng kể từ ngày hoàn thành giai đoạn I và đưa vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng. sản phẩm dự kiến là thép cuộn cán nóng bề dày từ 1,2 mm đến 19 mm, khổ rộng từ 700 - 1.650 mm.

Tổng vốn đầu tư đăng ký là 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 30.000 tỷ đồng. Diện tích đất sử dụng khoảng 372,7 ha, trong đó xây dựng Nhà máy khoảng 339,6 hâ, xây dựng cảng chuyên dụng 26,9 ha, còn lại khu nhà ở cho công nhân. Nhu cầu cấp nước 100.000 m3/ngày đêm, cấp điện 360 MWh điện áp 110 kV.

UBND tỉnh cam kết cùng nhà đầu tư làm việc với cơ quan chức năng lựa chọn phương án cấp nước, cấp điện phù hợp với dự án.

Tập đoàn Hòa Phát cho biết thực hiện công nghệ sản xuất Coke sạch, không thu hồi sản phẩm hóa. Toàn bộ khí nhiệt hư được thu hồi để phát điện, khắc phục triệt để các hạn chế của Khu liên hợp sản xuất gang thép của Tập đoàn tại tỉnh Hải Dương; bảo đảm công nghệ, trang thiết bị xử lý môi trường theo tiêu chuẩn châu Âu. Tập đoàn cũng cam kết dành ít nhất 35% tổng vốn đầu tư để đầu tư trang thiết bị, bảo vệ môi trường.

Hòa Phát 'tái khởi động' dự án thép gần 3 tỷ USD

Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm được phân kỳ 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 2 triệu tấn/năm. Tổng vốn ...

Thời gian hoạt động 70 năm, thuế suất thuế TNDN 10% trong 30 năm

Theo quy định của Luật đầu tư, thời gian hoạt động của các dự án đầu tư trong Khu kinh tế không quá 70 năm. Do đó, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất thời gian hoạt động của Dự án là 70 năm.

Về thuế TNDN, theo quy định hiện hành, Dự án tại thời điểm này chỉ được hưởng ưu đãi áp dụng cho ngành nghề đầu tư, tức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, đây là dự án quy mô lớn nên Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất đề nghị áp dụng thuế suất 10% trong 30 năm.

Về đất đai, theo quy định hiện hành, Dự án chỉ được miễn tiền thuế thuê đất tối đa 18 năm (3 năm xây dựng và 15 năm theo chính sách ưu đãi hiện hành). Đối với phần đất sạch của dự án Guang Lin trước đây đã được Ngân sách Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 203,5 tỷ đồng, Tập đoàn Hòa Phát sẽ hoàn trả lại cho Ngân sách và được khấu trừ vào tiền thuê đất của dự án theo quy định.

Về cảng và luồng tàu, khu vực cảng Dung Quất có khả năng nạo vét luồng đáp ứng cho tàu chuyên dùng khoảng 100.000 DƯT. Về luồng tàu, giai đoạn 1 của dự án có thể sử dụng luồng dùng chung sẵn có (sâu 12,5m), đồng thời nạo vét bổ sung để đáp ứng cho tàu chuyên dụng trọng tải 50.000 DWT. Giai đoạn 2 của dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất sẽ kiến nghị Cục Hàng hải nạo vét mở rộng tuyến luồng này, hoặc đề nghị Nhà đầu tư tính toán đưa vào dự án kinh phí nạo vét để đáp ứng cho tàu 100.00 DWT.

Ban quản ký Khu kinh tế Dung Quất đánh giá dự án tạo ra các sản phẩm thép đầu vào cho cán nguội, mạ màu, mạ kẽm, ống thép, thép đặc biệt, thép chế tạo.., giúp hình thành ngành công nghiệp hạ nguồn vốn đang phụ thuộc vào sản phẩm thượng nguồn nhập khẩu.

Với doanh thu hàng năm khoảng 2 tỷ USD cùng việc thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp, Dự án được đánh giá sẽ góp phần đóng góp ngân sách 4.000 tỷ đồng /năm sau khi đi vào hoạt động công suất 4 triệu tấn/năm. Dự án cũng sẽ giải quyết việc làm cho 8.000 lao động địa phương.

Theo Anh Thư/VietNamBiz

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.