Được quyền quyết định chọn nhà đầu tư sân bay Long Thành, Chính phủ có giao ACV?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lên tiếng về việc có hay không giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV làm sân bay Long Thành

f660dfa0e2e205bc5cf3

Phối cảnh sân bay Long Thành.

Chiều 2/12, tại phiên họp báo Chính phủ thường kì, phóng viên đặt câu hỏi, tại kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV có đưa ra Nghị quyết về dự án sân bay Long Thành, trong đó nêu Chính phủ được quyền tự quyết định chọn nhà đầu tư.

Sau Nghị quyết này của Quốc hội, Chính phủ có giao cho ACV làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành như đề xuất ban đầu hay không?

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong quá trình trình phương án khả thi cho Chính phủ, Bộ này đã đề xuất, báo cáo Chính phủ về việc giao Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư và Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội giao cho ACV làm chủ đầu tư.

"Theo qui định của pháp luật, Chính phủ sẽ giao cho đơn vị có năng lực để thực hiện. Nếu được giao trong thời gian tới, Bộ GTVT với tư cách là cơ quan tổ chức thực hiện dự án này sẽ tiếp tục rà soát và báo cáo Chính phủ theo qui định của pháp luật trong việc chỉ định đơn vị", Thứ trưởng Đông nói.

Đối với đề xuất giao ACV đầu tư một số hạng mục, Chính phủ cho biết việc ACV đầu tư, khai thác sẽ giúp Nhà nước chủ động điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đảm bảo an ninh, an toàn tại sân bay cửa ngõ quốc gia.

Ngoài ra, việc này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và không huy động khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ.

Theo phương án tài chính, nếu được giao là nhà đầu tư, khai thác, hàng năm ACV sẽ có thêm nguồn thu từ 2.390 – 4.780 tỉ đồng (tương đương 100-200 triệu USD) để nộp ngân sách nhà nước hoặc tích lũy đầu tư phát triển các sân bay khác như Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Điện Biên, Nà Sản, Lai Châu...

Về năng lực và kinh nghiệm thực hiện đầu tư của ACV, theo Chính phủ, mặc dù chưa đầu tư sân bay mới có qui mô tương tự, nhưng với năng lực và kinh nghiệm đã thực hiện từng hạng mục tương tự các hạng mục chính của Dự án thì ACV có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án này.

Về khả năng bố trí vốn tự có của ACV, Chính phủ cho biết Dự án này có nhu cầu vốn lớn nên theo tính toán của tư vấn, dự kiến nhà đầu tư sẽ phải huy vốn vay trên thị trường vốn quốc tế.

Số vốn ACV cần huy động là 2,628 tỉ USD. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính (Ngân hàng, các quĩ đầu tư trong nước và nước ngoài) quan tâm đến dự án để thu xếp phần vốn huy động.

Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và kí các biên bản thỏa thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỉ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm. 

Đáng chú ý, Chính phủ cho biết các sân bay lớn và quan trọng của các quốc gia đều được doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần với sự tham gia của các tổ chức của Nhà nước, hoặc doanh nghiệp cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đầu tư. Sau đầu tư, có thể bán một phần vốn của Nhà nước.

"Như vậy, việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư Dự án thành phần 1 (Nhà đầu tư, khai thác Cảng) được dựa trên cơ sở đảm bảo vai trò và lợi ích Nhà nước, đảm bảo quốc phòng – an ninh; tiến độ thực hiện dự án; năng lực và kinh nghiệm đầu tư và quản lí khai thác của nhà đầu tư, khả năng huy động vốn và tham khảo mô hình quốc tế", báo cáo của Chính phủ nêu.

Ngoài ra, về tiến độ thực hiện dự án, nếu được giao đầu tư, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, ACV sẽ triển khai ngay thiết kế kĩ thuật để có thể khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành năm 2025.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.