Trong công văn gửi đến GAB, FLC Faros cho biết HĐQT công ty đã tiến hành họp bàn về các vấn đề liên quan tới thay đổi kế hoạch kinh doanh ngắn hạn và dài hạn trong giai đoạn 2020 - 2025, tái cơ cấu lại ngành, nghề kinh doanh chủ yếu và sắp xếp lại một cách toàn diện hoạt động kinh doanh của FLC Faros.
Theo đó, HĐQT FLC Faros nhận định việc sáp nhập vào GAB sẽ giải quyết được các vấn đề nêu trên một cách toàn diện nhất. Do đó, HĐQT công ty quyết định trình Đại hội đồng cổ đông thông qua chủ trương sáp nhập vào Đầu tư khai khoáng và Quản lí tài sản FLC.
Mới đây, một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái FLC là CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) đã thông qua chủ trương nghiên cứu và lập phương án sáp nhập với GAB.
Được biết, CTCP GAB tiền thân là CTCP Gạch Tuynel FLC - Đò lèn Hậu Lộc, được thành lập ngày 20/5/2016 tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ xuất phát điểm là doanh nghiệp chuyên về sản xuất và kinh doanh gạch, GAB gần đây công bố nhiều kế hoạch tham gia đầu tư các dự án bất động sản lớn với qui mô từ vài trăm tới hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, công ty đã thông qua chủ trương nghiên cứu và đề xuất đầu tư đối với loạt dự án xây dựng, quản lí vận hành và kinh doanh khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái 5 sao gồm Khu du lịch sinh thái Vạn Tường 9 có tổng mức đầu tư dự kiến 1.200 tỉ đồng; Khu DLST Vạn Tường 10 (1.486 tỉ đồng); Vạn Tường 11 (1.356 tỉ đồng); Vạn Tường 12 (1.508 tỉ đồng), Dự án Khu đô thị DLST FLC Quy Nhơn tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, giá trị hợp tác đầu tư là 332 tỉ đồng.
Thông tin thêm, đầu tháng 3 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC Faros đã trở thành cổ đông lớn của GAB với tỉ lệ sở hữu 7,97% vốn điều lệ sau khi chi khoảng 120 tỉ đồng để mua 1,1 triệu cổ phiếu GAB.