Foxconn có đưa iPhone vào Việt Nam?

Việc mở rộng đầu tư của Foxconn tại Việt Nam càng khiến khả năng những chiếc iPhone made in Vietnam tới gần hơn.
avatar_1569555340654

Bao giờ có iPhone Made in Vietnam mà Foxconn là đơn vị gia công chính? (Ảnh: vietnamnet.vn).

Mới đây, Foxconn Technology Group (Hon Hai Precision Industry Co. Ltd.) đã quyết định thuê 10 ha đất để đầu tư tại Khu Công nghiệp Đông Mai, tỉnh Quảng Ninh. Ông Harry Zhuo, Tổng Giám đốc Foxconn, cho biết nhà máy tại Quảng Ninh sẽ lắp ráp linh kiện màn hình tivi, dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 26 triệu USD, nhu cầu lao động 3.000 người. Hiệu quả của dự án tại Quảng Ninh sẽ là cơ sở để Foxconn tiếp tục nghiên cứu đầu tư mở rộng thêm nhiều lĩnh vực trong tương lai.

Động thái này cho thấy tập đoàn của Đài Loan có quy mô lớn nhất thế giới trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin và máy tính này ngày càng quyết tâm mở rộng cơ sở tại Việt Nam trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiện hạ nhiệt.

Việt Nam đang được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá là “công xưởng mới” của thế giới. Đặc biệt trong lĩnh vực hàng điện tử, Việt Nam đang thu hút các tên tuổi công nghệ lớn của thế giới như Intel, Samsung, LG, Canon, Panasonic... Trong đó, khoảng một nửa số điện thoại của Samsung xuất xưởng hằng năm được sản xuất tại Việt Nam, chiếm tới 1/3 tổng doanh thu toàn cầu 220 tỉ USD trong năm 2018 của hãng. 

Thành công của Samsung đã thuyết phục nhiều công ty điện tử đa quốc gia khác rằng họ có thể hoạt động tại Việt Nam.

Foxconn có đưa iPhone vào Việt Nam? - Ảnh 2.

Foxconn hoàn toàn có lí do để di chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng điện tử. 

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam ước đạt 32,9 tỉ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu. Đứng thứ 2 là ngành hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 21,8 tỉ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn thu chính của Foxconn đến từ việc sản xuất iPhone, iPad và một số linh kiện, phụ kiện cho Apple. Bên cạnh đó, Foxconn cũng là nhà sản xuất lắp ráp nhiều thương hiệu điện tử khác như Kindle, Nintendo, Xiaomi, Playstation, Xbox... Câu hỏi là bao giờ có iPhone Made in Vietnam mà Foxconn là đơn vị gia công chính? Câu trả lời này vừa là đáp án cho quy mô sản xuất của Foxconn tại Việt Nam, vừa là sự khẳng định thương hiệu “công xưởng” mới mà Việt Nam đang gây dựng trên bản đồ công nghệ thế giới.

Năm 2007, Foxconn đã đầu tư 5 tỉ USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường VIRAC, năm 2018, tổng doanh thu của 3 nhà máy chính của Foxconn tại Việt Nam đạt hơn 64.500 tỉ đồng (gần 2,8 tỉ USD) - tăng 32% so với năm 2017. Trong đó, nhà máy Fuhong Precision Component Bắc Giang đóng góp gần 1/2 tổng doanh thu với hơn 30.000 tỉ đồng. Các sản phẩm chính của Foxconn tại Việt Nam là gia công thiết bị, linh kiện điện tử, cáp dữ liệu với một trong những sản phẩm nổi bật là tai nghe Apple EarPods.

Foxconn có đưa iPhone vào Việt Nam? - Ảnh 3.

Khi có sẵn những nhà máy sản xuất linh phụ kiện lớn tại Việt Nam cũng như rất nhiều đối tác trong chuỗi cung ứng ngành điện tử cũng đã đầu tư đáng kể tại Việt Nam thì không loại trừ khả năng Foxconn sẽ lắp ráp iPhone tại Việt Nam một khi Apple quyết định di dời hoạt động này ra khỏi Trung Quốc. 

Đặc biệt trong bối cảnh một số đối tác gia công sản phẩm của Apple đang xem xét xây dựng nhà máy tại Việt Nam nhằm tránh thuế nhập khẩu tăng cao. Chẳng hạn, trang VentureBeat đưa tin Pegatron, đối tác lắp ráp các sản phẩm iPad, MacBook của Apple, đang có kế hoạch di chuyển nhà máy sang Indonesia nhằm hạn chế sự ảnh hưởng do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Apple đã bán được hơn một tỉ chiếc iPhone sau 10 năm điện thoại này ra đời. Hầu hết iPhone, iPad được lắp ráp bởi 2 công ty Pegatron hoặc Foxconn tại các nhà máy đặt ở Thâm Quyến và Thượng Hải, Trung Quốc. Lí do cơ bản là các nhà máy của Trung Quốc có quy mô lớn và linh hoạt hơn rất nhiều so với các nhà máy của Mỹ. Hơn nữa, các nhà máy sản xuất có thể dễ dàng tập trung một số lượng lớn nhân công ngay khi cần thiết. Mới đây, lãnh đạo Foxconn cũng bác thông tin rằng họ có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc đại lục, nơi công ty Đài Loan này có hơn 1 triệu nhân viên.

Foxconn có đưa iPhone vào Việt Nam? - Ảnh 4.

Mặc dù nhiều cơ hội, song Việt Nam sẽ không dễ dàng thay thế Trung Quốc như một trung tâm sản xuất. Giá đất tăng cao, số lượng nhà máy và nhà kho sẵn sàng đưa vào sử dụng còn thiếu, tuyển dụng nhân viên được đào tạo và quản lý là một thách thức lớn. Việt Nam cũng không có nhiều công ty sản xuất linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như các nhà sản xuất có thể yêu cầu ở Trung Quốc.

Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu có chăng Apple tìm đến các cơ sở sản xuất mới như Việt Nam và Ấn Độ, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Và để giảm bớt tác động của thuế quan bổ sung của Mỹ, Foxconn có thể xem xét chuyển một phần dây chuyền sản xuất của mình cho Apple sang nơi khác gần Trung Quốc.

Trong khả năng này, chuyên gia phân tích kinh tế Đài Loan Arthur Liao tại Fubon Research tại Đài Bắc nhận định: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam có nhiều khả năng sẽ trở thành cơ sở sản xuất chính cho các sản phẩm của Apple trong tương lai, vì nhiều bộ phận có thể được vận chuyển trực tiếp bằng tàu hỏa từ Trung Quốc, tiết kiệm chi phí thông quan và vận chuyển hàng không”.


chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.