Gặp lại thủy thủ sống sót duy nhất vụ chìm tàu Vinalines Queen

Gần 5 năm sau vụ chìm tàu Vinalines Queen khiến 22 người chết và mất tích, chàng thủy thủ duy nhất còn sống sót...
gap lai thuy thu song sot duy nhat vu chim tau vinalines queen bao giao thong
Anh Ngọc Hùng bên gia đình sau chuyến đi biển kéo dài 1 năm

Gần 5 năm sau vụ chìm tàu Vinalines Queen khiến 22 người chết và mất tích, chàng thủy thủ duy nhất còn sống sót trở về vẫn không quên những ký ức về vụ chìm tàu kinh hoàng ấy dù đến giờ, anh vẫn nặng lòng với biển.

Sốc nặng suốt 9 tháng trời

Những ngày giữa tháng 10, chúng tôi tìm về xóm 8, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, nơi gia đình chàng thủy thủ Đậu Ngọc Hùng (SN1980, người duy nhất trở về sau vụ chìm tàu Vinalines Queen năm 2011) đang sinh sống. Lúc này, anh Hùng cũng vừa bắt đầu đợt nghỉ phép sau chuyến đi biển ròng rã suốt 1 năm trời. Trong ngôi nhà nhỏ ở gần biển Quỳnh, anh Hùng cùng vợ là chị Lại Thị Thoa và 3 đứa con chuẩn bị bữa cơm sum họp mừng bố đi công tác trở về.

Anh Hùng kể, sau vụ chìm tàu ngày 25/12/2011, anh phải mất 9 tháng mới ổn định được tinh thần. Ban đầu anh cũng định tìm kiếm công việc gì đó ở gần nhà để được sống sum vầy cùng vợ con, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì những người đồng đội đang còn nằm ở khơi xa nên anh lại động viên gia đình, trở lại công ty cũ để tiếp tục làm việc, làm thủy thủ tàu viễn dương.

Vốn sinh ra trong gia đình miền biển, giỏi bơi lội, Hùng đã sớm nuôi ước mở trở thành thủy thủ tàu viễn dương. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp PTTH tại địa phương, anh nộp hồ sơ và thi đỗ Trường Cao đẳng Hàng hải I ở Hải Phòng. Sau 3 năm học tập, anh Hùng bắt đầu nghiệp thủy thủ của mình trên những chuyến tàu biển. “Năm 2010, mình bắt đầu làm việc tại Công ty Vận tải biển Vinalines. Do bản thân có kinh nghiệm nhiều năm đi tàu biển nên công ty đã bố trí cho mình làm việc ngay trên tàu lớn, tàu có tải trọng hơn 3 vạn tấn. Giữa năm 2011, mình tiếp tục được điều sang làm thủy thủ tàu Vinalines Queen, con tàu tải trọng hơn 5 vạn tấn, được xem là con tàu hiện đại bậc nhất của Việt Nam lúc bấy giờ”, anh Hùng kể.

gap lai thuy thu song sot duy nhat vu chim tau vinalines queen bao giao thong
Anh Ngọc Hùng chụp ảnh cùng nhân viên an ninh bảo vệ tàu biển của Philippines.

Ký ức khôn nguôi về vụ chìm tàu

Anh Hùng kể, tàu Vinalines Queen là con tàu hiện đại, trên tàu có đầy đủ các trang thiết bị, đảm bảo cho các thủy thủ ăn nghỉ và làm việc dài ngày. Nhiệm vụ của tàu là vận chuyển hàng hóa, quặng nickel từ Indonesia về Quảng Châu (Trung Quốc). Mỗi chuyến đi thường kéo dài hơn 10 ngày, nên trước khi tàu rời cảng, mọi người thường chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho cả hành trình.

Ngày 21/12/2011, sau khi nhận hơn 5 vạn tấn quặng nickel từ cảng Morowali (Indonesia), tàu rời cảng và bắt đầu chuyến hành trình sang Trung Quốc. Hai ngày đầu tiên đi trên biển, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường. Thời tiết trên biển lúc nắng, lúc mưa nhưng tàu vẫn băng băng đạp sóng. Sang ngày thứ 3, trời bắt đầu âm u, gió mạnh. Sóng biển mỗi lúc một cao hơn.

Dù đi biển hay ở nhà, mỗi khi đến ngày 25/12, anh Hùng lại cùng bạn bè, gia đình sửa soạn mâm cơm, thắp hương tưởng nhớ 22 người đồng đội, những thủy thủ đoàn năm xưa. Với anh, sự cố năm ấy như một giấc mơ mà nhiều đêm khi giật mình tỉnh giấc anh vẫn không tin đó là sự thật.

“Hôm đó, tôi được giao trực lái từ 12h đêm đến 4h sáng. Trong ca trực tôi thấy sóng biển dâng rất cao, khi sóng đánh vào mũi tàu, nước biển còn dựng cao lên 5-6m, té nước xối xả lên bong”, anh Hùng kể về những dự cảm trước sự cố chìm tàu.

Sau khi kết thúc ca, anh Hùng bàn giao lái cho thuyền trưởng. Đến khoảng 6h, tàu bắt đầu có dấu hiệu nghiêng trái, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện lệnh cho các thuyền viên tập trung về buồng lái. Anh Hùng và thuyền phó Hồ Quang Đức được giao đi kiểm tra mực nước trong két ba-lát (khoang thăng bằng) để xem khoang có bị tràn nước hay không mà tàu nghiêng. Tuy nhiên, khi kiểm tra, mực nước trong két vẫn ở mức an toàn. Dù vậy, tàu vẫn tiếp tục nghiêng trái mạnh hơn.

“Thấy vậy, thuyền trưởng Thiện tiếp tục cử tôi và chú Kiệm (thủy thủ trưởng) ra vị trí bóng xuồng bên mạn trái (phao cứu sinh và thuyền cứu nạn), sẵn sàng hạ bóng. Lúc này, tàu bắt đầu nghiêng nhiều hơn rồi bất ngờ chuyển hướng mạnh và chìm về mạn phải. Sự việc diễn ra rất nhanh, tôi chỉ nhớ lúc đó tôi và chú Kiệm chìm cuối cùng do bám được vào mạn tàu. Rồi tàu chìm xuống, tôi bị hút sâu xuống nước. Theo phản xạ tự nhiên tôi cố nín thở rồi dùng hết sức đạp nước để ngoi lên. Một hồi sau tôi cũng ngoi lên được mặt nước, nhìn quanh tôi chỉ thấy mặt biển lềnh bềnh mảnh vỡ tàu, vật dụng sinh hoạt của mọi người, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai, kể cả chú Kiệm người ở gần tôi nhất lúc tàu chìm”, anh Hùng kể.

Sau đó, anh Hùng túm được một vài vật đang nổi trên mặt biển để tiếp tục bơi quanh đó. Bơi một đoạn anh thấy phao bè đang nổi trên mặt nước (một trong 3 chiếc phao được trang bị sẵn trên tàu, sẽ tự bung khi tàu chìm). Anh cố chui vào trong phao rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, anh Hùng thấy người và tay đau nhức, sóng biển cao ngập đầu, chiếc phao cũng bị vật lên, lộn xuống liên tục. Dù vậy, anh vẫn cố nhìn ra bên ngoài với hy vọng kiếm tìm được những thủy thủ khác. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực của anh Hùng đều bị dập tắt bởi màn đêm u tối, và những cơn sóng cuộn trào.

Sự trở về kỳ diệu

Đến sáng hôm sau, anh Hùng bắt đầu tìm quanh phao bè, lấy được ít lương khô và ít nước ngọt trữ sẵn trong phao. Tiếp tục tìm kiếm xung quanh, anh Hùng tìm thấy một sợi dây mồi buộc vào dây phao, lần theo sợi dây anh thấy chiếc xuồng cứu sinh đã vỡ đáy. Trên chiếc xuồng này còn một vài can nước chưa bị vỡ, một vài cây pháo hiệu. Tất cả anh gom nhặt về trong phao.

Ngày này qua ngày khác, một mình giữa biển cả mênh mông anh đã nghĩ rất nhiều thứ. “Lúc đó, tôi thấy nhớ gia đình, nhớ vợ con và cảm thấy hối hận vì đã không nghe lời vợ khuyên nhủ. Tôi ước mình có thể trở về nhà, lúc ấy tôi sẽ không đi biển nữa, tìm một công việc gì đó để ở gần vợ, gần con”, anh Hùng nhớ lại.

Sang ngày thứ 5, khi lượng nước ngọt đã hết, anh Hùng tưởng mình sẽ chết. May mắn thay, đúng lúc này có tàu London Courage (quốc tịch Anh) đi qua phát hiện và cứu vớt. Khi lên tàu, anh kể lại sự việc bằng tiếng Anh cho các thủy thủ người nước ngoài. Sau đó, anh xin gọi nhờ điện thoại về cho gia đình và cho công ty.

Về phía gia đình anh Hùng, khi hay tin tàu Vinalines Queen cùng với 23 thủy thủ đoàn mất tích trên biển, mọi người đều đã nghĩ đến những chuyện xấu nhất như: Bị chết chìm, bị cướp biển giết... “Khi o (cô) của em nhận điện thoại, nói anh Hùng vừa điện về nói vẫn khỏe mạnh. Em không tin. Em nghĩ mọi người chỉ động viên em thế thôi chứ bị nạn ở trên biển thì sống sao được”, chị Lại Thị Thoa, vợ anh Hùng nhớ lại.

Chỉ đến khi phía công ty điện về thông báo và nối máy cho gặp anh Hùng thì chị Thoa mới tin đó là sự thật. Sự trở về của anh Hùng được xem như một điều thần kỳ đối với gia đình, chính quyền địa phương và đơn vị nơi anh Hùng công tác.

Cứ ngỡ sau sự kiện chìm tàu năm ấy, người thủy thủ sẽ bỏ nghề tìm một công việc khác. Nhưng với anh Hùng đi biển là nghề đã gắn với cuộc đời anh 9 năm và là nghề chính của người dân cả xã biển này. “Nhiều khi mình cũng thử đi tìm việc khác nhưng rồi lại quay về với biển. Dù sao thì đây cũng là một nghề đã gắn bó với mình nhiều năm. Biết là phải thường xuyên xa gia đình, phải đối mặt với nguy hiểm nhưng âu cũng là cái số rồi”, anh Hùng cười hiền cho biết.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.