Giá thép xây dựng có thể giảm trong tháng 7?

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt, nhu cầu nội địa thép xây dựng có thể yếu hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 do tính thời vụ. Các nhà sản xuất thép sẽ giảm giá bán trong tháng 7 trước khi điều chỉnh cho các tháng tiếp theo do sự tăng lên của giá nguyên liệu.

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiêu thụ thép đã tăng trưởng tích cực trong tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ trong các mảng chính. 

Sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm, bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép tăng 22% cùng kỳ năm ngoái, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa tăng 11%. 

Tăng trưởng xuất khẩu thép thành phẩm thậm chí còn ấn tượng hơn khi đạt 73% cùng kỳ năm ngoái

VDSC nhận định: "Điều này cho thấy ngành thép Việt Nam đang nắm bắt tốt các cơ hội từ nhu cầu phục hồi ở các nước nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và khả năng sản xuất ổn định bất chấp đại dịch".

Trong mảng thép xây dựng, sản lượng bán hàng tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021, nhưng nhu cầu nội địa có thể yếu hơn trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 do tính thời vụ, giá bán cao và tác động tiêu cực của Covid-19. 

VDSC nhận định: "Chúng tôi kỳ vọng các nhà sản xuất thép sẽ giảm giá bán trong tháng 7 trước khi điều chỉnh cho các tháng tiếp theo do sự tăng lên của giá nguyên liệu".

Trước đó, hồi tháng 6, trong bối cảnh giá thép trên thị trường toàn cầu cũng như ở Việt Nam có diễn biến phức tạp, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA)  khuyến nghị các doanh nghiệp thành viên thực hiện một số giải pháp nhằm góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Theo đó VSA khuyến nghị các doanh nghiệp phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước.

Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu thép thô, thép cuộn cán nóng cho thị trường trong nước, hạn chế xuất khẩu. Tiết giảm chi phí sản xuất, đồng thời bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

Doanh số bán thép xây dựng tăng 14% cùng kỳ năm ngoái trong 5 tháng và đạt 4,6 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa tăng 12% cùng kỳ năm ngoái

Sau khi tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5, VDSC cho rằng sản lượng bán hàng của các nhà sản xuất thép nội địa đang yếu đi trong tháng 6. 

Mùa mưa và làn sóng Covid-19 mới đã khiến cho hoạt động xây dựng trở nên trì trệ. Bên cạnh nhu cầu yếu từ ngành xây dựng, các đại lý cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thép tăng từ 14,5 triệu đồng/tấn trong tháng 3 lên 17,5 triệu đồng/tấn trong tháng 6 (chưa bao gồm VAT). 

Vì vậy, VDSC cho rằng nhu cầu trong nước trong quý III có thể thấp hơn so với quý II do mùa mưa và tác động của Covid-19. 

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.