Giấc mơ lớn 'cứu cả thế giới' của cựu CEO Facebook Việt Nam Lê Diệp Kiều Trang

Lê Diệp Kiều Trang cho rằng trí tuệ nhân tạo, blockchain có thể góp phần giải quyết được những vấn đề phải đối mặt hàng ngày hiện nay là rác thải, ô nhiễm, cháy rừng và đã lập một quỹ đầu tư, chuyên rót vốn hỗ trợ các startup ứng dụng công nghệ vào giải quyết những vấn đề toàn cầu.

Tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam năm 2019 vừa diễn ra tại TP HCM, Lê Diệp Kiều Trang, "cô gái vàng" trong giới khởi nghiệp dành nhiều thời gian nói về "giấc mơ lớn" mà  cô và chồng là Sonny Vũ đang ấp ủ. Đây cũng là lần đầu tiên Lê Diệp Kiều Trang chính thức lên tiếng về dự án của mình sau khi từ bỏ chức CEO Go-Viet hồi tháng 9/2019.

Giấc mơ lớn cứu cả thế giới của Lê Diệp Kiều Trang

"Mọi người nói về trí tuệ nhân tạo, nói về blockchain nhưng thế giới đang đối mặt hàng ngày với rác thải, ô nhiễm, cháy rừng. Sự sáng tạo khoa học công nghệ giúp ích gì cho những vấn đề này, liệu những sáng tạo khoa học kĩ thuật có giúp ích được cho những vấn đề này hay không", cựu CEO Facebook, CEO Go-Viet đặt vấn đề tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam.

1-1576148369440491579542

Lê Diệp Kiều Trang cho biết Quỹ đầu tư Alabaster do vợ chồng chị sáng lập sẽ đầu tư vào những công ty giải quyết vấn đề toàn cầu mà con người đang đối mặt. (Ảnh: Go-Viet).

Phân tích kĩ hơn về những vấn đề toàn cầu mà con người đang đối mặt, cựu CEO Go-Viet, cho biết lượng phát sinh khí CO2 đang ngày càng nghiêm trọng.

Theo chị, người ta đang rất quan tâm chất lượng không khí hôm nay thế nào. Nhiều nghiên cứu tính toán đến năm 2030, cần nguồn năng lượng của cả 2 thế giới cộng lại mới có thể giải quyết vấn đề ô nhiễm.

"Tôi tin đây mới là câu hỏi lớn để các bạn bắt đầu suy nghĩ", Trang nói và dẫn số liệu thống kê từ một nghiên cứu trên thế giới, để thấy rằng những phát minh tuyên bố có ích cho môi trường thực sự đang có tác động tích cực tới đâu.

Theo chị Trang, con người phát minh ra xe điện để giảm thiểu khí thải nhưng xe điện vẫn chỉ đứng thứ 26 trong bảng xếp hạng, trong khi đó, nếu phát minh năng lượng sạch để nấu nướng, không dùng bếp củi, bếp than thì sẽ hạn chế được nhiều CO2 hơn.

"Thậm chí, không chỉ phát minh khoa học mà nghiên cứu cũng cho thấy giáo dục trẻ em gái đứng thứ 6 về việc giảm thiểu được CO2. Đây cũng là điều khiến tôi bất ngờ, bởi nếu cung cấp cơ hội học hỏi cho phụ nữ, chính họ là người đem kiến thức đã có của chính mình để truyền cho thế hệ sau. Có những thứ gần gũi nhưng tầm vóc ảnh hưởng lại rất lớn", Lê Diệp Kiều Trang nói.

Đây cũng được xem là lí do khiến Quỹ đầu tư Alabaster Inpact của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang được thành lập. Quỹ này chuyên rót vốn vào những startup, những công ty khởi nghiệp có tầm nhìn và mục tiêu hướng tới ảnh hưởng tích cực và sâu sắc đến đời sống con người.

Quỹ đầu tư của Lê Diệp Kiều Trang đang rót vốn vào những đâu?

Nhà sáng lập Quỹ đầu tư Alabaster tiết lộ chị cùng chồng đã sáng lập quỹ cách đây khoảng 2-3 năm, và luôn trung thành với định hướng hỗ trợ những startup mang những sản phẩm công nghệ ứng dụng được vào cuộc sống, giúp giải quyết được những vấn đề toàn cầu.

Tính đến nay, quỹ đầu tư của vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang đã rót vốn vào được 25 công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ, Irasel… và cả Việt Nam.

1-1576146171077670688918

Startup khởi nghiệp truyền cảm hứng lớn nhất cho vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang hiện nay. (Ảnh: FBNN).

Dẫn chứng về một trong những công ty được Quỹ đầu tư Alabaster rót vốn đang tự hào nhất, Trang cho biết đó là Matrix. Công ty này có trụ sở tại Mỹ, đã sáng tạo vật liệu mà khi chênh lệch nhiệt độ sẽ tạo ra dòng điện, thay thế được rất nhiều nguồn điện khác. 

Vật liệu này, công nghệ này được ứng dụng trong việc làm đồng hồ thông minh. 

"Họ có thể lấy được năng lượng từ thân nhiệt con người, kích hoạt hoạt động của một chiếc đồng hồ thông minh vốn cần rất nhiều năng lượng nhờ sự chênh lệch nhiệt độ giữa môi trường và thân nhiệt", Trang cho biết.

Hoặc công nghệ cũng được ứng dụng giải quyết việc sử dụng máy lạnh, nhưng không cần cục lạnh, máy lạnh được xem là một tác nhân không hề tốt với sự biến đổi khí hậu vì những cục lạnh này.

Hay một startup khác được Quỹ đầu tư Alabaster Inpact của Trang rót vốn là Tipa, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. 

Chị Trang dẫn chứng 98 tỉ USD hàng năm đổ vào nhựa dẻo, thường bị đổ xuống biển hoặc chôn, đã có nhiều công ty đưa ra giải pháp bằng nguyên liệu thân thiện môi trường, nhưng kết quả khảo sát cho thấy thời gian phân hủy quá lâu, trong khi đó, Tipa đưa ra được túi nhựa chỉ sau 24 tuần là thành thức ăn cho cây. 

Một dự án đáng chú ý nữa Perfect Day. Dự án tạo ra thực phẩm tập trung vào sản phẩm trứng, sữa, thịt bò không phải từ động vật nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Nguyên nhân là chăn nuôi thuộc nhóm thải nhiều CO2 nhất ra môi trường.

Và mới nhất, theo chia sẻ của nhà sáng lập Alabaster Inpact Lê Diệp Kiều Trang, một dự án đang truyền cảm hứng rất lớn cho chị là 2 startup Việt sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh y tế, giúp quá trình thụ tinh nhân tạo có thể đạt được kết quả tốt nhất thay vì độ may rủi cao như trước đây.

Hai startup Việt đáng tự hào này có cùng xuất phát điểm tại Việt Nam nhưng luôn muốn vượt qua những giới hạn, rào cản để đưa công nghệ vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống. 

Trang tin rằng các startup Việt hoàn toàn có khả năng được rót vốn nếu có giá trị và tầm nhìn như định hướng của các quỹ đầu tư và sẽ tạo ra được những sản phẩm của người Việt nhưng được bán trên toàn cầu.