GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh dự hội nghị.
Đây là hội thảo thứ hai bàn về hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, thu hút sự tham gia của các cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo các tỉnh vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tham dự.
Nội dung hội thảo xoay quanh các vấn đề về phân tích vị trí địa kinh tế, địa chính trị, tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trong bối cảnh mới; thực trạng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài từ khi thành lập đến nay về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân; trên cơ sở đó đưa ra quan điểm, định hướng giải pháp phát triển Khu kinh tế theo hướng đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu xanh, bền vững giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cho biết, nhằm khai thác lợi thế địa kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, phát triển, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã được Chính phủ thành lập từ năm 1998, với quy mô trên 21.000 ha, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu được Trung ương quan tâm, thành lập sớm nhất trong cả nước và hiện nay tiếp tục được xác định là một trong những Khu kinh tế trọng điểm của cả nước trong giai đoạn sắp tới.
Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, từ những ngày đầu thành lập, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã mang đến những niềm vui và nhiều kỳ vọng tạo sự phát triển đột phá cho tỉnh Tây Ninh. Có giai đoạn Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã thực sự là một điểm nhấn nổi bật, thu hút đầu tư, có nhiều các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu hàng hoá diễn ra sôi động; đã dần thay đổi bộ mặt, đời sống của vùng biên giới còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan dẫn đến sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng đặt ra; trong đó tác động lớn nhất là sự thay đổi về cơ chế, chính sách về đầu tư, thương mại khiến cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã dần mất đi động lực phát triển.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng lý luận Trung ương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đề xuất, Tây Ninh cần xem việc phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là động lực tăng trưởng, tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế của tỉnh trong vòng 20 năm tới.
Còn đối với Vùng Đông Nam Bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam cần xác định Mộc Bài là một đô thị đặc thù của vùng và cần có những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, cũng như có đồ án quy hoạch tương xứng ở mức tầm chiến lược Quốc gia để xây dựng chính sách phát triển cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ riêng thúc đẩy phát triển cho Tây Ninh, mà phát triển cho cả vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nếu được đầu tư đúng hướng và xứng tầm.
Theo đó, cần đặt trọng tâm vào quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, bởi nếu không có quy hoạch thì không thể xác định được không gian phát triển các cấu trúc, trung tâm chức năng, cho đến công nghiệp, đô thị.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng xác định cần phải có lộ trình, phải kết hợp cả những thể chế đồng bộ, nhất là ưu đãi về sử dụng đất, về thuế, tài chính, các điều kiện liên quan đến các hạ tầng khác để thu hút nhà đầu tư.
Đặc biệt, nếu Tây Ninh hoàn thành tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rút ngắn quãng đường đến sân bay Tân Sơn Nhất, đó cũng là động lực lớn để phát triển. Kế đến là nguồn lực, cần nguồn vốn rất lớn và có lộ trình; ngoài vốn Nhà nước, cần có sự tham gia của nguồn lực tư nhân, có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược và lựa chọn đầu tư cần chú trọng vào nền tảng “xanh và bền vững” để thực hiện.