Giáo viên dạy 37 năm, lương hưu 1,3 triệu đồng: ‘Từng ấy tiền lương tôi biết sống sao’

Một nữ giáo viên có 37 năm công tác giảng dạy mầm non ở Hà Tĩnh đã bật khóc khi đến ngày nghỉ hưu chỉ được hưởng số tiền 1.300.000 đồng/tháng.

“Tôi biết sống sao với đồng lương đó”

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội rầm rộ chia sẻ câu chuyện của một cựu giáo viên mầm non bật khóc khi cầm quyết định nhận lương hưu với số tiền 1.300.000 đồng/tháng trên tay.

Cựu giáo viên trong câu chuyện là bà Trương Thị Lan (55 tuổi), có thâm niên 37 năm giảng dạy tại trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh).

Chiều cuối tháng 10, chúng tôi tìm về ngôi nhà bà Trương Thị Lan. Ngôi nhà cấp 4 nhỏ bé nằm khiêm tốn bên góc vườn. Một người đàn ông có dáng người gầy gò ốm yếu bước ra, bà Lan giới thiệu là ông Nguyễn Đình Tài (60 tuổi).

“Năm 2003 chồng tôi bị bệnh nặng, đã được chữa trị nhưng giờ tai bị điếc, mắt bị mờ và còn mang trong mình căn bệnh tiểu đường nên giờ sức khỏe yếu. Các cô chú có chào ông ấy cũng không nghe gì đâu”, bà Lan nói.

Bà Lan cho biết, ông bà có 4 người con, hiện nay cô con gái thứ 2 mới lập gia đình, và đứa út mới ra trường, công việc thì chưa ai ổn định. Do chồng bị bệnh nặng nên mọi sinh hoạt trong gia đình đều đè nặng lên tấm vai gầy của nữ giáo viên.

giao vien day 37 nam luong huu 13 trieu dong tung ay tien luong toi biet song sao
Bà Lan bật khóc khi hỏi đến chế độ lương hưu. Ảnh Hoài Nam

Khi được hỏi đến công việc, cũng như chế độ hưởng lương hưu, sau 37 năm trong nghề giáo, bà Lan đã bật khóc. “Biết mình chỉ nhận được 1.300.000 đồng/tháng lương hưu, tôi không biết làm như thế nào, nên lúc đấy tôi chỉ biết khóc. Tôi khóc đến mức mà các đồng nghiệp lúc đó cũng ôm tôi khóc theo.

Tôi không nghĩ 37 năm công tác, cống hiến tuổi xuân, công sức của mình để rồi đến ngày nghỉ lại nhận được từng ấy lương. Đồng lương ấy giờ nuôi bản thân tôi cũng chưa đủ chứ không nói đến gánh nặng gia đình. Cứ nghĩ đến tôi lại vừa buồn, vừa lo, rồi tiền đâu mà chăm chồng, chi tiêu cuộc sống gia đình nữa”.

Nhớ đến những ngày đầu bước vào nghề giáo, bà Lan kể, năm 1980 bà bắt đầu dạy tại trường Mầm non Cẩm Duệ, nay là trường Mầm non Lê Duẩn.

Đến năm 1986, bà tham gia học lớp Sơ cấp Sư phạm miền xuôi Nghệ Tĩnh. Sau 9 tháng đi học, bà tiếp tục về giảng dạy tại trường Mầm non Cẩm Duệ. Đến năm 1996-1997, bà học lớp tài chức trường Trung cấp Mầm non hệ vừa học vừa làm do phòng GD&ĐT huyện Cẩm Xuyên tổ chức dạy.

giao vien day 37 nam luong huu 13 trieu dong tung ay tien luong toi biet song sao
Hoàn cảnh gia đình bà Lan thuộc diện khó khăn của xã. Ảnh Hoài Nam

“Trước đó, chúng tôi đi dạy không phải trả bằng tiền mà trả bằng thóc. Đến năm 1990 các giáo viên nhận được trợ cấp của huyện từ 20 ngàn dần dần tăng lên đến 60 ngàn đồng. Đi dạy học vất vả, nên ngày đó, nhiều giáo viên đã rời bỏ nghề giáo để về làm nông, cũng có rất nhiều lần chồng tôi bảo nghỉ nghề nhưng vì tình yêu tôi vẫn tiếp tục làm đến nay”, bà Lan nhớ lại.

Bà Lan cho biết, sau hàng chục năm giảng dạy, đến tháng 1 năm 2003, bà bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo quy định thì phải đủ thời hạn 20 năm mới được hưởng chế độ bảo hiểm nên phía bảo hiểm đã cho bà đóng lùi đến năm 1995. Tính đến thời điểm hiện tại (2017) là 22 năm 8 tháng.

“Lúc được bảo hiểm cho đóng lùi để sau này còn hưởng chế độ lương hưu nên tôi đã đi vay ngân hàng để đóng. Tôi không nhớ rõ đóng bao nhiêu nhưng lúc đó số tiền rất lớn, và lúc đó con cái học hành, tiền thì không có nên phải đi vay mượn”, bà Lan nhớ lại.

37 năm nghề giáo, giờ quay về nghề nông

“Vào đêm nhận được quyết định, tôi buồn, thất vọng không tài nào ngủ nổi. Hàng xóm và cả chồng tôi cũng không ai biết được mức lương hưu mà tôi nhận, tôi cũng không kể với ai vì ngại, và cảm thấy mình như không được coi trọng. 37 năm theo nghề giáo, giờ về nhà chăn nuôi thêm gà, làm thêm ít sào ruộng nữa để có thêm thu nhập chứ chừng ấy lương không đủ thuốc men cho chồng", bà Lan chia sẻ.

Là người duy nhất theo nghề mẹ, nên khi chị Nguyễn Thị Hạnh (27 tuổi) dường như hiểu và chia sẻ được phần nào nỗi lo, buồn của nghề giáo.

“Khi thấy mẹ khóc, em rất buồn và thương mẹ lắm. Em chỉ biết tâm sự với mẹ chứ không làm được gì. Mẹ cống hiến, làm việc hết sức mình, đáng nhẽ khi về nghỉ hưu sẽ được an dưỡng, nghỉ ngơi có đồng lương để trang trải thuốc men. Nhưng từng ấy tiền thì chỉ đủ tiền, chăm bố. Em giờ cũng theo nghề mẹ, do chưa có việc nên đang làm hợp đồng nấu ăn tại trường mầm non Lê Duẩn. Nghĩ đến cảnh nghề giáo cống hiến nhiều mà sau này chỉ như mẹ thì em cũng nản chí", chị Hạnh nói.

giao vien day 37 nam luong huu 13 trieu dong tung ay tien luong toi biet song sao
Trường Mầm non Lê Duẩn, nơi cô Lan công tác giảng dạy 37 năm. Ảnh Hoài Nam

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng trường Mầm non Lê Duẩn cho biết, cô Lan là người hiền lành, tham gia giảng dạy tại trường đến thời điểm hiện tại là 37 năm, hoàn cảnh gia đinh hết sức khó khăn.

“Trước đó, khi nhận được quyết định nghỉ hưu, cô Lan đã khóc, chạy đến ôm lấy tôi, khiến nhiều giáo viên trong trường cũng khóc theo. Vì cô thất vọng về đồng lương hưu quá ít ỏi, gia đình chỉ trông chờ vào từng đó tiền trang trải nên khi biết, cô đã nằm choài giữa trường khóc thét lên”, bà Hà nói.

Bà Hà cho biết thêm, do con gái cô Lan làm nấu ăn tại trường nghỉ sinh nên hiện tại cô đang mong muốn làm hợp đồng nấu ăn thay con gái của mình.

“Tôi mong muốn các cấp, các ngành có thể tạo điều kiện, quan tâm đến những giáo viên mầm non như cô Lan nói riêng và toàn thể giáo viên trên cả nước nói chung. Bởi nghề giáo là một nghề đáng quý, nên cần phải quan tâm hơn để các giáo viên không bị thiệt thòi”, bà Hà chia sẻ.

,

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.