Giết mèo rừng rồi đăng Facebook sẽ bị xử lý ra sao?

Việc đăng các ảnh giết mèo rừng rồi đăng Facebook có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Mới đấy, trên mạng xã hội Facebook có tài khoản “Bi Kyo” đăng hình giết hại một con mèo rừng quý hiếm. Trong ảnh, một thanh niên cởi trần xách ngược hai chân con mèo rừng đã chết lên chụp ảnh. Bức ảnh cũng cho thấy con mèo rừng có màu đốm trắng như con báo, ước nặng khoảng 4kg, dài hơn 60cm.

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác định rõ loài động vật trong bức ảnh thuộc nhóm nào. Tuy nhiên, mèo rừng là động vật quý hiếm thuộc nhóm được bảo tồn, cấm săn bắn.

giet meo rung roi dang facebook se bi xu ly ra sao
Hình ảnh mèo rừng bị sát hại đăng Facebook - Nguồn: Thanh Niên

Về khía cạnh pháp luật, việc đăng các ảnh giết mèo rừng rồi đăng Facebook có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Có thể xem xét xử lý hành chính và nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Điều 190 Bộ Luật Hình sự)

1. Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm;

d) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm;

đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo đó, bảo vệ động vật và thực vật quý hiếm là một việc quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường nói chung đang được thế giới đặc biệt quan tâm.

Việt Nam chúng ta cũng đã ban hành nhiều văn bản pháp quy về vấn đề này. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) quy định những hành vi săn, bắn, bắt, bẫy, nuôi nhốt, giết mổ động vật rừng trái phép bị nghiêm cấm.

Luật Đa dạng Sinh học (2008) dành riêng một Chương IV với 18 điều quy định về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật.

Theo đó, các loài động vật hoang dã sẽ được xem xét đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nhằm bảo vệ những vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị đang bị đe dọa tuyệt chủng.

Quy định loài hoang dã bị cấm khai thác và loài hoang dã được khai thác có điều kiện trong tự nhiên.

Luật cũng quy định về khu bảo tồn, phân cấp khu bảo tồn và những hành vi bị cấm trong khu bảo tồn.

Cụ thể, Điều 190 Bộ luật Hình sự quy định, người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt... động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ... thì bị phạt từ 50 - 500 triệu, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến 3 năm.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.