Góc khuất đời tài xế lái xe đường dài và cái nghiệp 'cabin là nhà, vô lăng là vợ'

Nếu ai từng có cơ hội ngồi trong cabin cùng với một người tài xế lái xe đường dài hẳn đã được nghe rất nhiều điều thú vị về cái nghề “cầm vô lăng”. Cái nghề nhiều rủi ro, cơ cực nhưng có niềm vui riêng, được trải nghiệm thật nhiều nhưng mà chắc chắn máu liều cũng phải có.

Khi chấp nhận trở thành tài xế, phía trước là đường, phía sau là nhà, trên vai là bao gánh nặng cơm áo gạo tiền hẳn ai cũng biết đây là cái nghề đòi hỏi người ta phải đánh đổi và chấp nhận "cabin là nhà, vô lăng là vợ". Biết là vậy nhưng ai cũng tặc lưỡi tự nhủ mình phải cố gắng vì mánh cơm manh áo của gia đình.

Là nghề nhưng có ai dám chắc nó không phải là nghiệp. "Ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương" là những gì người ta miêu tả về cái nghề tài xế, nhưng mọi lời miêu tả đều chỉ là tưởng tượng, phải đến khi tận mắt trải nghiệm một đêm không ngủ cùng tài xế xe đường dài tôi mới hiểu cái nghề này nó khắc nghiệt đến nhường nào.

Cơm đường, cháo chợ, nạp chất kích thích để tỉnh táo

Trong một chuyến xe đêm tôi tình cờ gặp được anh Phong (43 tuổi, quê Quảng Bình) người đàn ông có thâm niên 28 năm gắn bó với nghề lái xe đi khắp các ngả đường Bắc-Nam. 22h30', chuyến xe đêm khởi hành hướng ra đường vành đai 3 trên cao đưa chúng tôi vào Quảng Bình.

Chờ mọi người trên xe ổn định, tôi mon men hướng lên chỗ cabin nơi anh đang ngồi. Vừa thấy tôi, anh đặt lon bò húc sang một bên giọng nhỏ nhẹ: "Chú không ngủ à?". Như được mở lời tôi xin phép ngồi bên ghế phụ vừa theo dõi anh lái xe và cũng vừa được thoả mãn sở thích ngắm nghía những con đường.

Xe chạy được một tiếng đồng hồ, tôi quay sang bắt chuyện với anh: "Chạy đêm thế này lát có nghỉ ăn đêm không anh?", như chẳng có gì lấy làm lạ anh bảo: "Mọi người muốn dừng nghỉ thì anh cho xe dừng chứ bọn anh ăn lúc nào chẳng được", vừa nói anh vừa nhấp một ngụm nước tăng lực.

Góc khuất đời tài xế lái xe đường dài và cái nghiệp cabin là nhà, vô lăng là vợ - Ảnh 1.

Anh Phong (43 tuổi, quê Quảng Bình) - người đàn ông có thâm niên 28 năm gắn bó với nghề lái xe. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Quãng đường đi từ Hà Nội vào tới Đồng Hới, Quảng Bình chiều dài khoảng 500 km và phải di chuyển hết hơn 9 giờ đồng hồ. Quay sang hỏi anh Phong tôi mới biết quãng đường như vậy đối với một tài xế chạy đường dài thì nó là bình thường. Với hành trình như vậy anh thường chỉ cầm lái một mình.

Nghề lái xe đường dài, nhất là lái xe đêm với rất nhiều tài xế đó là công việc vô cùng vất vả. Nguy hiểm chỉ là một phần nhưng thời gian ở trên cabin nhiều hơn ở nhà mới là thứ cản trở họ nhất. Ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc chỉ là những khó khăn nhỏ nhất mà đời lái xe gặp phải.

Đối với những người tài xế lúc lái xe và lăn bánh trên đường đã là vất vả. Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn vì sau khoang lái họ còn chở rất nhiều con người hoặc là tài sản, ít thì vài chục triệu, nhiều thì hàng trăm triệu thậm chí nó lên tới con số hàng tỉ đồng. 

"Lái xe đêm thế này có buồn ngủ không anh?", anh Phong quay sang nhìn tôi cười bảo: "Có chớ, con người mà không buồn ngủ sao được nhưng chạy nhiều nó quen", vừa nói anh vừa giơ lon nước tăng lực lên bảo: "Với cả có cái này".

Nói chuyện cùng anh tôi được biết, tài xế xe đường dài hầu hết đồng hồ sinh học thay đổi, ngày cũng như đêm. Trong cabin lúc nào cũng phải có sẵn vài lốc nước tăng lực, kẹo cao su và thuốc lá hay một danh sách những bài nhạc sàn... để kích thích tinh thần luôn tỉnh táo. 

Theo những chiếc xe ô tô từ năm 16 tuổi, đến nay hơn 28 năm gắn bó với nghề anh Phong chia sẻ: "Làm nghề này ngoài đam mê, năng khiếu nếu muốn tồn tại phải luyện tập cách chống chọi với cơn buồn ngủ. Ngay cả lúc thay ca, được ngủ thì cũng khó chợp mắt được vì cơ thể đã bị mấy chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước tăng lực làm cho mất ngủ".

Dù chưa bao giờ phải dùng đến chất kích thích như ma tuý nhưng anh Phong cho biết việc lái xe sử dụng chất ma tuý khi lái xe đặc biệt là lái xe đêm thì là chuyện bình thường. Những tài xế mới vào nghề, để chống cơn buồn ngủ, nhiều người tìm đến chất kích thích rồi nghiện ma túy lúc nào không hay.

"Ông nào dùng ma tuý biết ngay, người ngợm gầy gò, mặt mũi khác gì thằng nghiện,có không ít người dùng ma tuý và coi chuyện như cơm bữa ấy mà. Có những người "chơi" xong thức lái xe cả ngày không ngủ", vừa ôm vô-lăng anh Phong kể với giọng rất thản nhiên.

Vặn lớn nhạc lên một chút, tay lại đưa lon nước tăng lực lên miệng anh tiếp lời: "Chạy xe đường dài thế này có phải lúc nào cũng dừng xe lại để nghỉ đâu, khi nào buồn ngủ lắm thì mới dừng xe lại, châm điếu thuốc rồi rửa mặt xong lại lên xe chạy tiếp.

Cái gì cũng có hai mặt, dùng chất kích thích giúp mình tỉnh táo để xử lý những tình huống bất ngờ, duy trì được tập trung nhưng nó hại người. Vì mưu sinh kiếm đồng tiền nên nhiều người biết nhưng vẫn sử dụng, người dùng ít người dùng nhiều nhưng có ông nào "chơi" vào mà không nghiện đâu", anh Phong cười lớn.

"Ở trên xe nhiều hơn ở với vợ"

Suốt 28 năm gắn bó với nghề, một tháng 30 ngày là cả 30 ngày anh Phong và phụ xe của mình là những người thanh niên tuổi 18-20 đều có mặt trên đường. Nguy hiểm một phần nhưng điều chắc chắn mà tài xế nào cũng phải trải qua đó là "ở trên xe nhiều hơn ở với vợ, với gia đình".

"Trả khách xong mang xe vào bãi rồi tranh thủ về nhà với vợ được khoảng 4 tiếng, kịp thì ăn cơm, không kịp thì ngủ một giấc rồi vợ chuẩn bị quần áo cho 4 giờ chiều lại lên xe đi Hà Nội rồi. Chuyến này ra Hà Nội phải ở lại thêm 12 tiếng để chờ khách rồi lại mới về.

30 ngày hầu như ngày nào cũng trên đường, đi cùng bọn này (hai thanh niên phụ xe) còn nhiều hơn ở với vợ, chạy suốt cả tháng ít gặp vợ con, nhớ kinh khủng, mãi rồi cũng quen. Lúc mới cưới là nhớ nhất", anh Phong lại cười.

Góc khuất đời tài xế lái xe đường dài và cái nghiệp cabin là nhà, vô lăng là vợ - Ảnh 2.

Với những tài xế đường dài, thời gian họ ở trên xe nhiều hơn ở với vợ. (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Chiếc xe anh Phong cầm lái là xe của anh em trong gia đình nên đối với anh đó cũng là một điều may mắn hơn những tài xế lái thuê khác. Với mỗi tài xế đường dài thì nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con cứ khắc khoải theo từng chuyến xe. Tài xế nào khi bước lên xe cũng mong nhanh quay đầu để trở về với mái ấm gia đình.

Ngần ấy năm hành trình khắp trong Nam, ngoài Bắc, anh Phong cho biết anh chứng kiến tai nạn giao thông dọc đường nhiều như cơm bữa. Nhìn các đồng nghiệp người tử vong, người bị thương máu me khắp người đã có lúc nó khiến anh chùn tay lái.

"Những lúc nhớ gia đình mà gặp tai nạn dọc đường thì sợ lắm, lái xe bao nhiêu năm rồi nhưng vẫn sợ. Từ khi làm nghề này gặp tai nạn nhiều như cơm bữa, có những vụ thấy rồi cho xe đi qua phải kiếm chỗ dừng lại để tinh thần nó ổn định lại mới chạy tiếp", anh Phong kể.

Tài xế đường dài dường như ai cũng có vết sẹo trên người. Đó là minh chứng sau mỗi lần tai nạn, nhưng họ vẫn mỉm cười. Bởi khi chọn nghề, họ xác định tai nạn đến với bản thân là điều hiển nhiên. Một trong những điều anh Phong đau đáu trong lòng đó là mỗi khi thấy một vụ tai nạn dù to hay nhỏ thì người tài xế vẫn phải chịu những lời ra tiếng vào.

"Có phải vụ tai nạn nào cũng lỗi ở tài xế đâu, có ai ngồi lên xe đâu mà hiểu được. Người ta đi qua thấy tai nạn rồi lại bảo tại tài xế đi này nọ. Chú không biết chứ 10 vụ tai nạn thì 7,8 người ta va phải mình, người thì lấn làn, người thì sang đường không nhìn.

Chứ nếu bảo tài xế họ dùng chất kích thích thì họ tỉnh táo chứ làm gì có chuyện đang đi rồi lao vào người ta đâu", anh Phong trải lòng.

Mỗi lúc di chuyển trên đường đoạn nào vắng, anh Phong lại tranh thủ nhìn vào màn hình điện thoại. Quan sát một hồi tôi mới biết anh để hình vợ ở màn hình khoá thi thoảng lại thấy anh bấm cho màn hình sáng lên.

Suốt hành trình anh Phong thi thoảng lại gọi video Facebook cho vợ mình dù lúc đó đã một, hai giờ sáng. Thấy tôi theo dõi, bỏ điện thoại xuống anh kể: "Chú thấy lạ phải không, nhiều lúc cầm máy lên gọi vì thói quen cũng chẳng để ý đến giờ giấc, bọn anh lái xe hễ rảnh tay là lại bấm điện thoại gọi về cho vợ, cho gia đình.

Trước lúc đi từ trong đó ra đây cũng gọi, lúc về cũng gọi, về gần nhà là gọi suốt. Biết là nhà chẳng có việc gì nhưng gọi cho đỡ nhớ".

Tuy nguy hiểm, gian khổ là vậy nhưng ở mỗi người tài xế họ rất vô tư và lạc quan, họ chỉ nhớ thời gian khi bắt đầu làm nghề chứ chẳng ai biết khi nào họ sẽ dừng lại nghỉ ngơi.

"Nghề lái xe cũng được quy định về tuổi tác "về hưu" nhưng chẳng ai nghĩ bao nhiêu tuổi mình sẽ nghỉ. Kệ, còn sức thì mình chạy, mệt thì nghỉ chứ chẳng ai định trước được điều gì", anh Phong tâm sự.

8h sáng hành trình của chúng tôi khép lại, trong lúc chia tay anh Phong không quên gửi đến chúng tôi lời chào cùng với một nụ cười. Một chuyến hành trình đủ dài để được lắng nghe những phút trải lòng của tài xế đường dài, những câu chuyện mà nếu không hỏi sẽ chẳng ai biết được những khoảng lặng phía sau buồng lái.

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.