Gói 30.000 tỷ đã giải ngân được 86%

Nhận định về tình hình bất động sản 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trần Nam, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết: Thị trường BĐS tương đối ổn định, kết quả giải ngân gói 30.000 tỷ đã đạt 28.345 tỷ đồng, chiếm 86% tổng mức cam kết là 32.842 tỷ đồng.

Trong Đại hội Hiệp hội bất động sản Việt Nam lần thứ IV do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức ngày 15/10, đại diện cho Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam đưa ra những nhận định chung về quá trình phát triển của thị trường trong 5 năm vừa qua.

Theo đó, ông Nam cho biết: Giai đoạn 2011-2016, thị trường BĐS có nhiều biến, khó khăn, không chỉ ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp BĐS mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển chung của nền kinh tế, tới cuộc sống của người dân.

Trong giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS, nhiều giải pháp được đưa ra, ví dụ như: Chính sách phát triển nhà ở xã hội, gói tín dụng 30.000 tỷ, sửa đổi các luật cơ bản trong lĩnh vực BĐS như Luật kinh doanh BĐS, luật Nhà ở, Luật Đầu tư… Theo đó, tình hình thị trường BĐS cho đến nay đã có nhiều khởi sắc.

Biểu đồ: Dư nợ tín dụng bất động sản từ năm 2004 - đầu năm 2016 (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước, VNREA tổng hợp)

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam thu hút 16,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm từ 1.820 dự án. Trong số này có 6% vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản.

Thị trường Hà Nội, trong quý III, có hơn 6.800 căn hộ mới đã được mở bán từ 16 dự án, tăng 14% so với quý trước, nhưng giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực phía Tây tiếp tục là nguồn cung chính với 36% số lượng căn hộ mở bán mới nằm tại khu vực này, giảm nhẹ về tỷ trọng so với quý trước (40%).

Quý III ghi nhận mức giá chào bán trung bình là 2.046 USD/m2, tăng 2,1% so với quý trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Sự cải thiện về giá được ghi nhận tại tất cả các phân khúc trong đó phân khúc trung cấp có mức tăng cao nhất là 7% so với quý trước.

Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính đến 31/7/2016 đạt hơn 419.473 tỷ đồng, tăng 6,79% so với thời điểm 31/12/2015 và giảm 1,31% so với thời điểm 30/6/2016.

Kết quả giải ngân gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, tính đến 31/8/2016 thì tổng số tiền đã cam kết là 32.842 tỷ đồng, đã giải ngân 28.345 tỷ đồng, đạt trên 86%. Trong đó, đối với hộ gia đình, cá nhân ký hợp đồng cam kết cho vay 56.204 hộ với số tiền là 27.480 tỷ đồng, đã giải ngân cho 51.276 hộ với số tiền là 22.983 tỷ đồng; Đối với tổ chức, doanh nghiệp cam kết cho vay 51 dự án với sô tiền là 5.362 tỷ đồng và đã giải ngân toàn bộ theo cam kết.

Về gói 30.000 tỷ, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn gửi các ngân hàng thực hiện chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, yêu cầu các ngân hàng truyền thông rõ về chính sách, lãi suất với gói tín dụng này để tránh việc khách hàng bị “ngộ nhận” hoặc hiểu không đầy đủ khi vay mua nhà.

Cụ thể, khách hàng là cá nhân, hộ gia đình khi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại; xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình đáp ứng điều kiện theo quy định hiện hành có các khoản giải ngân tối đa đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2016 sẽ được áp dụng lãi suất vay ưu đãi của Chương trình; Các khoản giải ngân sau thời điểm này sẽ áp dụng lãi suất vay thỏa thuận từ nguồn vốn của ngân hàng thương mại.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.