Hà Nội công bố tiến độ đề án di dân phố cổ

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo trả lời cử tri về đề án di dời các hộ dân đi khỏi khu phố cổ.

bdsphoco1_zing

(Ảnh minh họa: Zing.vn).

Đề án giãn dân phố cổ đang thực hiện đến đâu?

Trước kì họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội, UBND TP đã có báo cáo trả lời cử tri về tình hình thực hiện đề án di dời các hộ dân đi khỏi khu phố cổ.

Theo UBND TP Hà Nội, Đề án giãn dân phố cổ được UBND TP quyết định phê duyệt tại Quyết định số 168/QĐ-UBND ngày 09/01/2013, do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện.

Đề án có mục tiêu chính là nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm làm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ; góp phần cải thiện môi trường đô thị, cải thiện đời sống cho nhân dân, giảm tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực phố cổ.

Đề án cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; trả lại không gian cho các công trình văn hóa, trường học, các công trình công cộng khác trong khu vực phố cổ.

"Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang thực hiện giai đoạn 1 của Đề án, gồm các dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ) tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên và đầu đi (di rời các hộ dân ra khỏi phố cổ)", UBND TP Hà Nội cho hay.

Cụ thể, với Dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ), UBND TP Hà Nội có Quyết định số 6866/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 phê duyệt chấp thuận cơ chế đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm, theo đó dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ được chia làm 4 dự án thành phần.

Thứ nhất là Dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân (Nhà trẻ mẫu giáo). Hiện dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2016.

Thứ hai là Dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị Khu nhà ở giãn dân. Hiện, UBND quận Hoàn Kiếm đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 31/12/2014; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1367/QĐ-UBND ngày 09/7/2015.

Dự án này hiện này đã thi công xong hạng mục di chuyển Trạm biến áp N19 và đã bàn giao đưa vào sử dụng.

Các hạng mục còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán của dự án, đảm bảo đủ điều kiện triển khai thi công xây dựng đồng bộ và phù hợp với tiến độ thi công dự án xây dựng nhà ở giãn dân, dự kiến vào Quý IV/2019.

Thứ ba là Dự án xây dựng công trình hỗn hợp tại ô đất CT-08A. Đối với lô đất diện tích 4.920m2, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-UBND ngày 25/01/2016.

Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển TCT, được UBND Thành phố đã phê duyệt kết quả đấu giá tại Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 29/4/2016.

Đối với lô đất 8.469m2 còn lại, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho cơ quan quản lý theo Quyết định số 2133/QĐ-UBND ngày 29/4/2016 của UBND TP.

Hiện, UBND TP đã có chỉ đạo xây dựng bãi xe ngầm trên diện tích này; các ngành đang hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, dự kiến tổ chức đấu giá trong quý III/2019.

Thứ tư là Dự án xây dựng nhà ở giãn dân. Được biết, UBND thành phố đã quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, theo đó sẽ xây dựng 16 tòa nhà cao 10 tầng để phục vụ giãn dân phố cổ.

"Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thủ tục lựa chọn Nhà đầu tư (dự kiến trong Quý III/2019) và phối hợp với Nhà đầu tư được lựa chọn tiến hành các thủ tục hành chính khác để có thể triển khai khởi công dự án dự kiến vào Quí IV/2019", UBND TP Hà Nội cho biết.

bdsphoco6_zing

(Ảnh minh họa: Zing.vn).

Di dời dân khỏi phố cổ gặp nhiều khó khăn

Đối với Dự án đầu đi (di dời các hộ dân ra khỏi phố cổ), Hà Nội cho biết hiện UBND quận Hoàn Kiếm (Ban quản lý Phố cổ) đã tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng của 10 phường trong quận Hoàn Kiếm; Xây dựng dự thảo chính sách khung làm cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, bồi thường đối với các đối tượng nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc và làm cơ sở tiến hành lập phương án di dời.

Hà Nội cũng cho biết dự án có một số khó khăn như trong các di tích cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, hiện có những di tích chưa xác định được rõ khuôn viên ranh giới di tích, không gian thờ cúng cần được trùng tu nên việc thống kê số liệu còn khó khăn, chưa đầy đủ.

Dự án tổ chức di dời các hộ dân đi khỏi khu phố cổ giai đoạn 1 bao gồm nhiều đối tượng cơ chế chính sách khác nhau nên việc xác lập cơ chế còn phải đưa ra nhiều phương án chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, Dự án xây dựng nhà ở giãn dân (dự án đầu đến) chưa có các số liệu diện tích và giá bán cụ thể, chưa có cơ chế quy đổi di dời phù hợp để thông báo đến các hộ dân tham gia dự án, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đầu đi.

Theo UBND TP Hà Nội, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các đối tượng nằm trong đề án.

Các đơn vị này cũng sẽ tiếp tục phối hợp, khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách và lập phương án bồi thường hỗ trợ đến các đối tượng nằm trong diện bắt buộc di chuyển; Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho các đối tượng tự nguyện di chuyển nhằm đẩy nhanh tiến độ giãn dân.

20190707_064618

Nội đô Hà Nội nhìn từ cầu Thanh Trì. (Ảnh: Di Linh).

Đánh giá đô thị vệ tinh để giãn dân nội đô

Cũng liên quan đến hạ tầng, cử tri đã đề nghị UBND TP Hà Nội cần đánh giá hiệu quả các khu đô thị vệ tinh để đảm bảo việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô.

Trả lời cử tri, Hà Nội cho biết hiện có 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn.

Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh đồng bộ từ hạ tầng kĩ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải một số chức năng cho đô thị trung tâm như: Công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật diện rộng...

"Các đô thị vệ tinh cách trung tâm thành phố khoảng 25-30km. Đây là khoảng cách tối ưu vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của các đô thị vệ tinh, vừa đáp ứng các hoạt động hỗ trợ đối với đô thị trung tâm trên cơ sở các phương tiện giao thông tốc độ cao (đường sắt đô thị, xe buýt tốc độ cao)", UBND TP Hà Nội cho hay.

Theo UBND TP Hà Nội, do nhiều yếu tố, nguyên nhân chủ quan, khách quan đặc biệt là thiếu nguồn lực phát triển (qui hoạch xây dựng; đầu tư xây dựng hạ tầng khung đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; khả năng tạo công ăn việc làm; di chuyển các bộ, ngành, cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế... tạo sức hút dân cư) nên việc đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị vệ tinh nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô còn nhiều hạn chế.

Hà Nội cho biết hiện đã phê duyệt 4/5 đồ án qui hoạch chung đô thị vệ tinh Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha.

TP cũng đang chỉ đạo Sở Qui hoạch - Kiến trúc, Viện Qui hoạch xây dựng Hà Nội cùng các nhà tài trợ triển khai lập các qui hoạch phân khu đô thị làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư, kêu gọi đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đối với việc giãn dân cư ra khỏi khu vực nội đô tới các khu vực xung quanh (trong đó bao gồm các khu đô thị vệ tinh), Hà Nội cho biết đây là chính sách vĩ mô dựa trên tổng hợp đánh giá của nhiều ngành, nhiều chuyên gia và là trọng tâm của đồ án Qui hoạch chung xây dựng Thủ đô, Luật Thủ đô.

"Hiệu quả của việc phát triển các đô thị vệ tinh sẽ được các ngành đánh giá tổng thể sau khi các khu vực đô thị được đưa vào hoạt động, hoàn chỉnh", UBND TP Hà Nội cho hay.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.