Ba Chủ tịch xã, phường phải giải trình trước HĐND TP Hà Nội do vi phạm hoặc để cán bộ cấp dưới vi phạm quy tắc ứng xử với công dân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Sáng 15/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức. Báo cáo của UBND TP Hà Nội chỉ rõ hàng loạt cán bộ, công chức chưa chấp hành nghiêm kỷ cương trong thực thi công vụ. Điển hình trong đó là những vụ “đôi co” giữa công chức Hà Nội với người dân.
Camera "được hình mất tiếng"
Điều đặc biệt của phiên giải trình lần này, lãnh đạo các xã phường có cán bộ, công chức ứng xử không chuẩn với nhân dân phải lên làm rõ sự việc. Trong đó, có lãnh đạo xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai) bị tố đi ăn cưới trong giờ hành chính, cán bộ phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) "om" hồ sơ và cán bộ xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) có thái độ không đúng với dân.
Ông Đoàn Việt Cường – Phó ban Đô thị HĐND TP Hà Nội
Phát biểu tại đây, ông Đoàn Việt Cường – Phó ban Đô thị HĐND TP - cho rằng, bộ Quy tắc ứng xử quy định rất chắt chẽ, xác định cả trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi có cán bộ sai phạm. Nhưng qua hơn 1 năm thực hiện vẫn còn một số cán bộ có hành vi ứng xử chưa đúng. Ông Cường liệt kê cả ba vụ việc kể trên và đề nghị Chủ tịch UBND xã phường này cho biết nguyên nhân và biện pháp chấn chỉnh cán bộ do mình quản lý.
Trả lời câu hỏi đại biểu, ông Bùi Văn Giang – Chủ tịch UBND xã Thạch Thán cảm thấy những thiếu sót của chính mình và cán bộ công chức xã khi chưa kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho công dân và vi phạm quy tắc ứng xử. Ông Giang cho biết, sau sự việc, UBND xã này đã họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm.
Ông Bùi Văn Giang – Chủ tịch UBND xã Thạch Thán làm rõ những vi phạm của cán bộ, công chức xã mình
Trước khi giải trình, ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu gửi lời cảm ơn đến đoàn kiểm tra công vụ TP đã chỉ rõ sự việc xảy ra ở phường mình quản lý. Chủ tịch Thắng cho biết, nhờ clip đoàn kiểm tra công vụ mà ông mới biết được tình huống xảy ra ở phường mình.
“Cô này năm ngoái làm rất tốt, còn được quận tuyên dương người tốt việc tốt”, ông Thắng nói và cho biết, hôm xảy ra sự việc (10/1/2018) cả ba cán bộ phường đều lên quận họp bàn xử lý vụ việc phức tạp. Sau sự việc, ông Thắng cũng đã họp yêu cầu nữ cán bộ có hành vi không đúng chuẩn với dân viết bản kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Ngoài ra, ông Thắng cho biết, phường đã quy định rõ khi người dân mang đầy đủ hồ sơ đến bộ phận một cửa thì phải giải quyết ngay. Bản thân phường này cũng có một cán bộ văn phòng liên tục mang hồ sơ lên các phòng họp để lãnh đạo ký, không để trường hợp nào kéo dài.
“Không biết đồng chí này hôm đó thời tiết thế nào mà nói thế (tồn quá nhiều hồ sơ nên không thể giải quyết trong ngày - pv) thì cũng không chấp nhận được. Chúng tôi đã tạm thời đổi vị trí, đổi người khác ngồi tiếp dân”, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cho hay.
Ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu
Sau phần trả lời của các lãnh đạo xã, đại biểu Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế đề nghị làm rõ hiệu quả của việc lắp camera giám sát tại bộ phận một cửa. Và việc lãnh đạo các xã sử dụng hình ảnh từ camera giám sát như thế nào cho tới khi đoàn kiểm tra công vụ đến giám sát mới biết cán bộ của mình dính sai phạm.
Làm rõ câu hỏi trên, ông Nguyễn Quang Thắng - Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho biết, phường có lắp camera nhưng chỉ xem được hình, không nghe được tiếng nên chưa giám sát được giao tiếp của cán bộ với nhân dân.
Phòng ban, xã phường vẫn nhũng nhiễu
Liên quan đến trách nhiệm của Sở Nội vụ, đại biểu Nguyễn Hoài Nam – Trưởng ban Pháp chế đề nghị làm rõ quá trình cụ thể hóa chế tài xử lý cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử. “Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được các văn bản xử lý, vẫn dừng lại ở việc ký cam kết, kiểm tra, nhắc nhở. Nếu như vậy chúng ta sẽ không thể tạo chuyển biến tốt trong ứng xử của cán bộ”, Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nói.
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hoài Nam đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ chủ trương lắp đặt các camera kiểm soát tại các bộ phận một cửa đã được các cấp chính quyền triển khai nhưng thế nào? Theo ông Nam qua kiểm tra công vụ, các đoàn kiểm tra có thể chiết xuất để đánh giá thái độ cán bộ, công chức khi ứng xử với dân.
Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội Trần Huy Sáng
Về lắp đặt camera tại khu vực một cửa, theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, thành phố đã triển khai 6-7 năm và qua nối mạng, lãnh đạo các đơn vị đều theo dõi, kiểm soát hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ công chức với người dân, doanh nghiệp. Tới đây, thành phố sẽ tiếp tục nối mạng để người dân tham gia giám sát.
Làm rõ thêm vấn đề, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng chỉ ra còn một bộ phận công chức viên chức ở phường xã, các phòng ban của các sở, quận huyện tư thế tác phong ứng xử với nhân dân chưa đúng. “Qua phiếu đánh giá của người dân, lãnh đạo cấp sở, quận huyện đã có chuyển biến. Nhưng cấp xã phường, các phòng ban thực sự vẫn có tình trạng nhũng nhiễu”, ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ tăng cường thanh tra công vụ, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng quy trình phân loại cán bộ một cách chặt chẽ theo hàng tháng, hàng quý, hàng năm để siết chặt đội ngũ. Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát các quy trình thủ tục để rút ngắn thủ tục, cắt bỏ thủ tục không cần thiết…