Hạ tầng giao thông TP Thủ Đức sẽ phát triển theo hướng nào trong thời gian tới?

Sở GTVT TP HCM cho biết dự kiến trong giai đoạn 10 năm tới, TP Thủ Đức cần khoảng 300.000 tỷ đồng để đầu tư hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ phục vụ đi lại cho người dân và kết nối giữa các vùng.

Phát triển hệ thống giao thông công cộng

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đưa ra các nhóm dự án sẽ được tập trung phát chương trình đô thị thông minh, hạ tầng đường bộ, Metro, buýt nhanh (BRT), đường thủy, bến bãi và vận tải công cộng.

Giao thông TP Thủ Đức sẽ phát triển theo hướng nào trong thời gian tới? - Ảnh 1.

Giao thông khu vực thành lập TP Thủ Đức phát triển mạnh trong giai đoạn qua. (Ảnh: Khải An).

Tổng nhu cầu vốn cho các dự án này vào khoảng 300.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố là 83.000 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác như trung ương, xã hội hóa, ODA…

Đặc biệt, TP HCM ưu tiên phát triển Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), giai đoạn hai Metro số 2, Metro số 3b; các tuyến đường sắt nhẹ Trảng Bom - Hòa Hưng, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành...

Tuyến Metro số 1 được xem là tuyến metro đầu tiên của cả nước và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. Vai trò của tuyến metro số 1 được nhận định rất quan trọng trong việc phát triển giao thông đô thị.

Do đó, ngoài việc nghiên cứu phát triển mạng lưới xe buýt thu gom dọc tuyến Metro số 1, TP HCM đang thúc đẩy nghiên cứu mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị trên địa bàn các quận phía Đông và định hướng kéo dài tuyến Metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Giao thông TP Thủ Đức sẽ phát triển theo hướng nào trong thời gian tới? - Ảnh 2.

Tuyến Metro số 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. (Ảnh: Khải An).

Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2021, TP HCM dự kiến sẽ mở mới 14 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, có trợ giá trên địa bàn.

Trong giai đoạn tiếp theo, TP HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu mở mới hàng loạt tuyến xe buýt theo danh mục mạng lưới tuyến đã được UBND TP phê duyệt.

Đồng thời, thành phố cũng sẽ đầu tư hệ thống xe buýt nhanh BRT bằng cách tăng cường phối hợp giám sát công tác quản lý đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để hoàn thành dự án Phát triển giao thông xanh TP HCM, đưa vào vận hành khai thác tuyến BRT số 1 trong năm 2021.

Hướng đến liên kết vùng

Trong nhóm hạ tầng đường bộ tại khu vực thành lập TP Thủ Đức, TP HCM cũng ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng như khép kín đường Vành đai 2, 3.

Đồng thời, thành phố hoàn chỉnh đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng; xây cầu Thủ Thiêm 3, 4; cải tạo nút giao An Phú, Mỹ Thủy, Thủ Đức...

Giao thông TP Thủ Đức sẽ phát triển theo hướng nào trong thời gian tới? - Ảnh 3.

TP Thủ Đức sẽ phát triển giao thông theo hướng liên kết vùng. Trong ảnh là nút giao An Phú (đường Lương Định Của – Đại lộ Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây). (Ảnh: Khải An).

Đặc biệt, tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, gấp đôi so với hiện nay chỉ có 4 làn xe. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc này là đường nối TP HCM với tỉnh Đồng Nai. Điểm đầu tuyến được xác định là nút giao thông An Phú, quận 2 và điểm cuối là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Riêng tuyến Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua Long An, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai chia làm 4 đoạn. Trong đó đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch qua TP Thủ Đức dài gần 18 km, tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng dự kiến khởi công trong quý I/2021.

Ngoài đoạn này còn có đoạn dài hơn 15 km đi qua TP Thủ Đức với tổng vốn 6.700 tỷ đồng. Các đoạn này khi khép kín giúp phát triển kinh tế, xã hội không chỉ cho TP HCM mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giao thông TP Thủ Đức sẽ phát triển theo hướng nào trong thời gian tới? - Ảnh 4.

Cáo tốc Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng lên 8 làn xe. (Ảnh: Khải An).

Để tăng tính liên kết vùng, Sở GTVT TP HCM và tỉnh Đồng Nai đã đồng ý phương án xây dựng cầu Cát Lái quy mô 6 làn xe. Ở đầu TP HCM, cầu Cát Lái sẽ kết nối vào đường Vành đai 2 – TP HCM.

Đầu tỉnh Đồng Nai sẽ được kết nối đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch). Dự án cầu Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư gần 7.200 tỷ đồng.

Khi hoàn thành cầu Cát Lái, khoảng cách từ TP HCM đi Bà Rịa – Vũng Tàu và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch của Đồng Nai sẽ rút ngắn lại tạo động lực phát triển kinh tế vùng.

Ngoài ra, TP HCM cũng ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông thủy trong việc phát triển giao thông tại TP Thủ Đức. Trong đó, hoàn chỉnh đầu tư giao thông đường bộ kết nối hạ tầng với hệ thống cảng biển Cát Lái trên sông Đồng Nai để khai thác tối đa năng lực hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.