Ngày 5/6, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo hãng dược phẩm Insys đã chấp nhận chi 225 triệu USD để dàn xếp vụ bê bối của hãng này liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid khiến hàng chục nghìn người tử vong tại Mỹ mỗi năm.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, khoản tiền trên sẽ được chi trả trong vòng 5 năm và nhằm dàn xếp các cuộc điều tra của chính phủ liên quan đến cách thức mà Insys tìm cách bán Subsys, một loại thuốc giảm đau liều mạnh và gây nghiện dạng xịt thuộc nhóm opioid dùng cho bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện. (Ảnh: Washington Post).
Cụ thể, 31 triệu USD là khoản tiền bồi thường và tiền phạt, số tiền 195 triệu USD còn lại để dàn xếp 5 vụ kiện khác liên quan đến việc quảng cáo và tiếp thị không trung thực.
Tại phiên toà kết thúc vào cuối tháng trước, nhà sáng lập hãng dược phẩm Insys John Kapoor và 4 cựu giám đốc điều hành của hãng này đã bị kết tội thành lập một đường dây hối lộ quy mô lớn cho các bác sĩ để họ kê đơn thuốc Subsys.
Theo các công tố viên, trong các năm từ 2012-2015, Insys đã chi trả khoản tiền hoa hồng cho các chuyên gia sức khỏe để họ kê một lượng lớn thuốc Subsys cho bệnh nhân và hối lộ các chuyên gia tại các hội thảo về sức khỏe để họ đề cao lợi ích sử dụng loại dược phẩm thuộc này.
Nhiều bệnh nhân còn được bác sĩ khuyên sử dụng thuốc Subsys bất chấp thực tế là họ không cần hoặc đã dùng thuốc quá liều.
Cuộc khủng hoảng lạm dụng thuốc giảm đau tại Mỹ bắt đầu từ những năm trở lại đây, chủ yếu bắt nguồn từ việc kê đơn quá liều đối với thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid, bao gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện, kể cả morphin.
Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết hơn 70.000 người dân nước này đã tử vong do lạm dụng thuốc vào năm 2017, trong đó có 47.000 người là nạn nhân của các loại thuốc có gốc từ thuốc phiện và 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự. (Ảnh: AP).
Trong 3 năm qua, những người nghiện thuốc giảm đau buộc phải chuyển sang dùng heroin và thuốc giảm đau chứa ma túy có tác động mạnh do nhà chức trách siết chặt việc bán thuốc giảm đau theo đơn.
Số liệu thống kê cho thấy các loại thuốc giảm đau thuộc nhóm opioid như fentanyl có liên quan đến gần một nửa số ca tử vong do sử dụng thuốc giảm đau quá liều hiện nay, tăng từ mức 1/3 chỉ trong vòng 1 năm.
Trước đó, cuối cuối tháng 5 vừa qua, tập đoàn dược phẩm Teva của Israel phải chi 85 triệu USD cho chính quyền bang Oklahoma của Mỹ để dàn xếp một vụ kiện tương tự.
Hai tháng trước đó, một tập đoàn dược phẩm khác là Purdue Pharma, hãng sản xuất thuốc giảm đau có chứa chất gây nghiện opioid, cũng đã phải bồi thường 270 triệu USD cho bang Oklahoma.
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ, ước tính mỗi ngày có tới 115 người Mỹ tử vong do sử dụng quá liều thuốc có gốc từ thuốc phiện.
Viện Nghiên cứu lạm dụng dược phẩm Mỹ cho biết hơn 70.000 người dân nước này đã tử vong do lạm dụng thuốc vào năm 2017, trong đó có 47.000 người là nạn nhân của các loại thuốc có gốc từ thuốc phiện và 28.400 người chết vì sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau có chứa ma túy và các loại thuốc tương tự.
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy trong hai thập kỷ qua, gần 400.000 người đã tử vong vì dùng thuốc quá liều, thông qua việc kê đơn của bác sĩ hoặc dùng trái phép.
"Huyền thoại nhạc Pop" Prince (Prinx) và rocker Tom Perry (Tôm Pe-ri) cũng là hai trong số những nạn nhân tử vong do lạm dụng loại thuốc giảm đau này.
Thuốc giảm đau có chứa opioid được cho là nguy hiểm gấp 50 lần so với heroin.
Năm 2017, nước Mỹ đã phải chi 115 tỷ USD để điều trị cho những người nghiện opioid và chăm sóc số trẻ em có cha mẹ bị mất sức lao động hoặc tử vong vì opioid.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ký một dự luật nhằm mục đích ngăn chặn đại dịch opioid vốn khiến quốc gia này tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD để khắc phục hậu quả về sức khỏe cho những người nghiện opioid suốt gần 20 năm qua.