Hàng loạt cơ hội mở ra cho xuất khẩu của Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực

EVFTA sẽ mở cửa thị trường EU cho hàng hóa Việt Nam; thu hút đầu tư, phát triển sản xuất trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuyển dịch cơ cấu sản xuất, xuất khẩu; tạo thêm việc làm, nâng cao năng suất lao động...khi hiệp định chính thức có hiệu lực.

Theo Ban chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) là một FTA thế hệ mới, mang lại nhiều tác động tích cực đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, qua đó đều có tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, những cơ hội đối với xuất khẩu của Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực là:  Thứ nhất EVFTA sẽ tác động tích cực đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và công tác phát triển thị trường xuất khẩu

Trong lĩnh vực thương mại, EU-27 hiện là một trong các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sau Mỹ và Trung Quốc. Trao đổi thương mại hai chiều năm 2019 đạt 49,8 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 35,8 tỉ USD.

Đối với EU-27, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 17 trên thế giới, thứ 8 trong các đối tác ở châu Á và lớn thứ hai trong ASEAN.

Năm 2019, EU-27 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới với trị giá nhập khẩu từ ngoài khối đạt 1.934 tỉ Euro. 

Xét tương quan xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần khoảng 1,8%. Như vậy, dư địa để hàng hóa Việt Nam tăng thêm thị phần còn khá lớn khi tính cạnh tranh tăng cao nhờ thuế nhập khẩu ưu đãi được cắt giảm theo EVFTA.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU kì vọng hưởng lợi bao gồm hàng dệt may, giày dép các loại, các sản phẩm nông - lâm - thủy sản, các sản phẩm nhựa và nhiều mặt hàng khác.

Hiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng thuế theo Qui định về chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (thấp hơn thuế MFN là 3,5%; đối với thuế tuyệt đối là 30%), tuy vậy mức thuế này còn rất cao.

Việc hiệp định EVFTA được kí kết sẽ giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam có sức cạnh tranh lớn so với hàng hóa cùng chủng loại từ các nước đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc và một số nước ASEAN do chênh lệch thuế nhập khẩu từ 10-15% và có thể cạnh tranh bình đẳng về giá với những nước hiện EU không áp dụng thuế quan và hạn ngạch như Campuchia, Myanmar, Bangladesh ...

Cho đến nay, cam kết của EU trong EVFTA là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được kí kết. 

Theo cam kết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. 

Tiếp đó sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho ta hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Thứ hai, EVFTA tạo điều kiện cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. 

Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu với khu vực châu Á (chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu và 50% kim ngạch xuất khẩu). EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thâm nhập, khai thác các thị trường mới, thị trường còn nhiều tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ ba, EVFTA tạo cơ hội tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. 

EVFTA là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh...

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài để tận dụng EVFTA hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, chuyển giao công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, EVFTA tạo động lực phát triển công nghiệp phụ trợ. 

Qui tắc xuất xứ trong EVFTA đối với hàng dệt may là qui tắc tương đối chặt “từ vải trở đi”, tức vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU. Đồng thời, sản phẩm dệt may cần đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định tại Hiệp định.

Tuy nhiên, EVFTA cho phép sử dụng linh hoạt 10% (theo trọng lượng) sợi hoặc xơ và 8% (theo giá trị) nguyên liệu dệt may khác không có xuất xứ được sử dụng trong quá tình sản xuất. 

Đây là thách thức không nhỏ của ngành do hiện nay ngành vẫn phải chủ yếu dựa vào nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu do chưa chủ động nguồn cung trong nước, trong khi các đơn hàng chủ yếu làm gia công và việc sử dụng vải và nguyên liệu theo chỉ định của khách hàng nước ngoài.

Qui tắc xuất xứ là thách thức cho xuất khẩu nhưng cũng bao hàm cơ hội khi tạo áp lực thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.