60% nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, ngành da giày có tận dụng được ưu đãi từ EVFTA

Hiện nay 60% nguyên phụ liệu mặt hàng da giày nhập khẩu đến từ Trung Quốc. Vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất để đảm bảo qui tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU đang là nút thắt lớn đối với ngành da giày.

Nguyên liệu phụ thuộc nhiều nguồn nguyên liệu xuất khẩu

Trao đổi với người viết bên lề Hội nghị tận dụng Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc COVID-19, Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết hiện nay 60% nguyên phụ liệu mặt hàng da giày nhập khẩu đến từ Trung Quốc. 

Tiếp đó là các thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan.

60% nguyên liệu nhập khẩu đến từ Trung Quốc, ngành da giày loay hoay trong tận dụng ưu đãi từ EVFTA - Ảnh 1.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso). Ảnh: Đức Quỳnh

Bà Xuân cho biết hiện nay vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất để đảm bảo qui tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang EU đang là nút thắt lớn đối với ngành da giày. 

Bà cho rằng để giải quyết vấn đề này cần có chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày; cụ thể hơn là xây dựng khu công nghiệp riêng cho hai ngành này.

Mặc dù vậy, đại diện của Lefaso cho biết một tín hiệu tích cực hiện nay là một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu chủ động hơn nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm đáp ứng qui tắc xuất xứ, hưởng lợi về cắt giảm thuế quan ở các hiệp định thương mại tự do nói chung và EVFTA nói riêng.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch này mới chỉ nằm ở doanh nghiệp lớn. Còn lại vẫn những doanh nghiệp nhỏ vẫn đang phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ chiếm 70% trong ngành nhưng kim ngạch chỉ đóng góp 20%.

Kì vọng thị trường EU có thể bù đắp tốn thất

Bà Xuân cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành da giày sụt giảm tới 14% trong 5 tháng đầu năm. 

"Với tín hiệu tốt của Hiệp định EVFTA này doanh nghiệp da giày đang rất mong chờ tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. 

EU là thị trường truyền thống chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 6 tỉ USD. Chúng tôi kì vọng từ ngày 1/8 sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, thị trường EU có thể bù đắp lại những mất mát của đầu năm vừa qua. ", Bà Xuân nói. 

Bà Xuân nhận định EU là thị trường có yêu cầu cao về kĩ thuật, môi trường, lao động…, với các điều kiện gia nhập thị trường không hề đơn giản, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, nội lực của doanh nghiệp hiện vẫn đang yếu. Sự chủ động của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Những nội lực về hạ tầng, nhân lực cũng còn manh mún. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vưa chưa tích cực chủ động tìm hiểu thị trường. Đây là hạn chế lớn trong quá trình hội nhập hiện nay. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chủ yếu gia công xuất khẩu nên phụ thuộc nhiều khách hàng quốc tế. 

Các doanh nghiệp chỉ sản xuất thôi, vấn đề thị trường do khách hàng chủ động. Chính vì vậy chúng ta chưa năng động trong việc tiếp cận thị trường. 

"Chúng tôi mong muốn khi hiệp định có hiệu lực, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tăng tỉ trọng xuất khẩu, đồng thần cần có sự chuyển biến tích cực thì mới tiếp cận được cuộc chơi. 

Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia hoạt động liên kết. Doanh nghiệp cần cải thiện nhiều về năng lực hiện tại và thông qua các tổ chức trung gian để có tiếng nói lên chính phủ, cải thiện chính sách đó", bà Xuân nhận định.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.