Chiều ngày 8/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo trực tuyến về Hiệp định EVFTA-“Cơ hội nào dành cho các doanh nghiệp Pháp”.
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định quan hệ đầu tư thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp hiện đang đứng trước một số điều kiện thuận lợi.
Pháp đứng thứ 3 về xuất nhập khẩu và thứ 2 về đầu tư và vẫn sẽ là luôn là một thị trường có tiềm năng và dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.
Theo đó, chỉ tính riêng 10 năm lại đây, theo số liệu thống kê của hải quan Việt Nam, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỉ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỉ USD vào năm 2019.
Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỉ USD đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.
Theo đại diện của Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Việt Nam đang có tiềm năng lớn đối với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng đối với lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm.
Hiện nay hầu hết nông sản của Việt Nam xuất sang EU ở dưới dạng thô do đó việc đầu tư vào công nghệ chế biến được cho là nhiều tiềm năng.
Nói về chế biến nông sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề cập đến câu chuyện của thương hiệu sô cô la Maison Marou.
“Tôi mong muốn rằng sẽ có nhiều câu chuyện thành công như Marou – Sô cô la “ngon nhất thế giới” khi kết hợp giữa nét độc đáo của nguyên liệu, sự khéo léo của nhân lực Việt Nam với ý tưởng kinh doanh, công nghệ, kinh nghiệm quản lí và phát triển thị trường của người Pháp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng là lĩnh vực đang thu hút đầu tư. “Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 7%/năm những năm gần đây, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng cũng là điểm đến hấp dẫn”, đại diện Vụ Chính sách Thương mại Đa biên cho biết.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cùng với hàng hóa, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU nói chung, và Pháp nói riêng, khi Việt Nam có 14 FTA có hiệu lực với hầu hết các đối tác thương mại lớn trên thế giới và EVIPA đang chờ có hiệu lực.
Đây cũng là lý do cộng đồng doanh nghiệp đôi bên đều hết sức mong mỏi Hiệp định đi vào thực thi từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, EVFTA có hiệu lực trong bối Việt Nam bước đầu kiểm soát tốt dịch COVID-19, hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, và là một trong số ít nước được World Bank dự báo tăng trưởng dương mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Về phía các doanh nghiệp Pháp đều bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án của doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam.
Xu hướng chung hiện nay của các doanh nghiệp Pháp và châu Âu là liên kết, xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các doanh nghiệp sở tại để xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng mới, tận dụng hiệu quả lợi thế của các hiệp định EVFTA và EVIPA.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác châu Âu để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mặt khác, thách thức cũng sẽ song hành, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.
Bên cạnh những thuận, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng thời gian tới Việt Nam còn phải đối diện với một số thách thức khó khăn đến từ các cuộc xung đột thương mại trên thế giới khiến sự phát triển thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng.
Xu hướng bảo hộ gia tăng ở một số quốc gia hay rõ rệt và cam go nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang làm các nền kinh tế toàn thế giới lầm vào nguy cơ khủng hoảng, đồng thời làm thay đổi hoặc đứt gãy chuỗi giá trị; thúc đẩy dịch chuyển dòng đầu tư...