Liên quan tình trạng ùn ứ nông sản các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, trong đó có thanh long tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có công văn khẩn yêu cầu các tỉnh thành này lẫn các tỉnh thành trồng thanh long khẩn trương giải quyết vấn đề trên.
Hàng trăm container ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh và Kim Thành. (Ảnh: VnExpress).
Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thanh long nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng điều tiết phương tiện, phân luồng giao thông, trao đổi với phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc, có thể sắp xếp làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ trong trường hợp cần thiết.
Bố trí cơ sở vật chất và nhân lực trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu E, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng.
Đơn vị thuộc Bộ Công Thương nhận định hiện đã bắt đầu vào thời điểm chính vụ thu hoạch mặt hàng thanh long để tiêu thụ và xuất khẩu. Vì vậy, các tỉnh, thành phố vùng trồng thanh long trọng điểm, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Thanh long tỉnh Bình Thuận phải heo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản nói chung và thanh long nói riêng qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát công tác sản xuất (diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng…), tiến độ thu hoạch, chủ động theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong nước, ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với nông sản nói chung và thanh long nói riêng trong mùa vụ năm 2019, để kịp thời có phương án xử lí phù hợp các vướng mắc phát sinh.
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của phía đối tác ngay tại nơi sản xuất, để quá trình giao nhận thực hiện nhanh chóng. (Ảnh: ĐH).
Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải tuân thủ cách phân loại, đóng gói, bảo quản, bao bì nhãn mác phù hợp với yêu cầu của phía đối tác ngay tại nơi sản xuất, để quá trình giao nhận thực hiện nhanh chóng.
Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương khuyến cáo và đề nghị các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng… để chủ động kế hoạch sản xuất, đóng gói, giao nhận hàng hóa.
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của đối tác, doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận.
Trong mọi trường hợp, cần thường xuyên trao đổi thông tin, kịp thời phối hợp với Bộ Công Thương để điều tiết hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
Vài ngày gần đây, cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn xuất hiện tình trạng ùn tắc container, chủ yếu là thanh long chờ thông quan để xuất sang Trung Quốc. Theo VnExpress, sáng 19/10, khoảng 500 container vẫn nằm chờ tại đây, kéo dài gần 5 km từ trước khi vào cửa khẩu đến khu vực phi thuế quan.
Ông Nguyễn Hữu Vượng, Phó cục trưởng Hải quan Lạng Sơn, Tân Thanh là cửa khẩu chuyên về xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam. Tuần qua, container hàng thanh long đổ về với số lượng lớn do đang vào vụ thu hoạch ở các tỉnh phía Nam, có ngày lên đến 200 xe. Cùng với đó, Trung Quốc mới áp dụng chính kiểm tra phương tiện và hàng nhập khẩu chặt chẽ làm thời gian kiểm soát mỗi xe tăng lên 5 – 7 phút so với trước đây dẫn đến tình trạng ùn ứ hàng.
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng dẫn đoàn công tác làm việc với tỉnh Lạng Sơn. Yêu cầu tỉnh phối hợp với các cơ quan phía Trung Quốc để thông quan hàng hoá kịp thời, đảm bảo chất lượng.
Cuối tháng 8, cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị, Lạng Sơn cũng xảy ra tình trạng tắc hàng, phần lớn là hoa quả, nông sản, do phía Trung Quốc cấp cho doanh nghiệp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo mẫu mới, khác mẫu trước đó. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp mang mẫu giấy C/O mới này đến cơ quan hải quan Việt Nam để làm thủ tục thì lại không được chấp nhận. Việc này khiến các container hàng của doanh nghiệp phải lưu lại ở cửa khẩu.