Hạnh phúc giản đơn của vợ chồng thầy cô giáo trường Nguyễn Đình Chiểu

Với các thầy cô dạy những em học sinh khuyết tật ở Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, chỉ cần được nghe những lời chúc hay một bài hát các em cất lên đã là món quà vô giá và rất ý nghĩa trong dịp 20/11.

Câu chuyện mà phóng viên muốn giới thiệu là một cặp vợ chồng đang cùng làm giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong nhiều năm qua tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu: Thầy giáo Trần Quốc Hoàn (SN 1981) và cô giáo Đinh Thị Thu Hường (SN 1982).

hanh phuc gian don cua vo chong thay co giao truong nguyen dinh chieu
Toàn cảnh khuôn viên Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, TP Hà Nội (Ảnh: Đình Tuệ).

Chuyện tình "cổ tích" của đôi vợ chồng dạy trẻ khuyết tật

Sinh ra trong một gia đình công nhân vùng mỏ (tỉnh Quảng Ninh), cô Hường và một người em trai đều là những người hoàn toàn bình thường. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp cấp 3 và nộp hồ sơ thi vào Khoa Giáo dục đặc biệt - ĐH Sư phạm Hà Nội, nhiều người trong gia đình đã khuyên cô nên cân nhắc. Bởi dạy học sinh bình thường đã khó, giờ học khoa này để dạy học sinh khuyết tật thì khó khăn muôn vàn, liệu có chịu đựng nổi?

Nữ giáo viên tâm sự: “Từ năm thứ hai đại học, khi đang làm một đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề việc làm dành cho người khiếm thị, tôi đã được phân công xuống trường Nguyễn Đình Chiểu liên hệ. Tại đây, cuộc gặp gỡ với anh ấy (thầy Hoàn - PV) cũng thật bất ngờ. Nhưng sau hơn hai năm quen biết, liên lạc qua lại nhiều dịp rồi chợt nhận ra, hai người đều có những điểm chung rất đáng để chia sẻ cùng nhau”.

hanh phuc gian don cua vo chong thay co giao truong nguyen dinh chieu
Cô giáo Đinh Thị Thu Hường (Ảnh: Hà Thảo).

Hạnh phúc lứa đôi của cặp vợ đôi vợ mắt sáng và chồng khiếm thi khiến nhiều người cảm phục. Khi mới về chung sống, cô Hường cũng không khỏi chạnh lòng mỗi khi có người chê bai khi tình nguyện lấy một người chồng như vậy. Hơn nữa, cuộc sống gia đình lúc mới cưới gặp vô vàn khó khăn từ đi lại, sinh hoạt gia đình rồi chỗ ở...

“Lúc mới cưới, vợ chồng chỉ có chút đỉnh tiền vốn và tự thuê nhà ở trên Hà Nội. Anh ấy không thể tự đi được mà tôi phải thường xuyên chở anh đến chỗ làm ở một cửa hàng bán bánh Pháp trên phố Nguyễn Hoàng Tôn. Sau đó, tôi mới đến trường dạy học, tối thì lại đến đón về.

Còn những buổi có tiết dạy nhạc ở trường, tôi vẫn là người ‘tài xế’ trung thành với anh ấy. Đồng lương dạy học của cả hai vợ chồng đều không cao, nhưng nhiều năm tích cóp nên cuộc sống gia đình hiện tại cũng khá ổn định. Vì ngoài giảng dạy trên lớp, anh ấy cũng thường xuyên được mời đi biểu diễn nhạc dân tộc ở nhiều nơi nữa”, cô Hường vui vẻ nói.

Thế rồi 10 năm trôi qua, lần lượt hai bé gái xinh xắn và hoàn toàn khỏe mạnh được ra đời càng làm cho bao nỗi vất vả hàng ngày của cặp vợ chồng trẻ như tan biến. Với hai người, tình yêu thương và niềm tin, chí hướng trong nghề nghiệp đã giúp cho họ vượt qua được muôn vàn khó khăn để tìm đến bến bờ hạnh phúc.

hanh phuc gian don cua vo chong thay co giao truong nguyen dinh chieu
Suốt gần 10 năm qua, vợ chồng thầy cô giáo ấy vẫn kề vai sát cánh vượt qua bao sóng gió cuộc đời (Ảnh: Đình Tuệ).

“Không chỉ dạy môn Toán, Tiếng Việt mà tôi còn phải hướng dẫn các em định hướng di chuyển. Trong đời ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì gian khổ biết dành phần ai? Dạy các trò khuyết tật cần sự yêu thương, kiên nhẫn gấp bội và sử dụng các giáo cụ đặc biệt phải thành thạo mới khiến các em hiểu được bài”, cô giáo Thu Hường vui vẻ nói.

Theo nhận xét của nhiều giáo viên trong Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, tấm gương của vợ chồng cô Hường, thầy Hoàn những năm qua thực sự rất đáng khâm phục và học hỏi.

“Dù chồng khiếm thị nhưng vẫn sử dụng thành thạo ngoại ngữ và phần mềm tin học để làm tốt công việc trực điện thoại của nhà hàng bán bánh. Hay đi biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Vợ thì một nách chăm sóc hai đứa con thơ, một bé 9 tuổi và một cháu mới sinh chưa đầy năm nhưng vẫn giỏi việc lớp, đảm việc nhà”, một cô giáo tại trường chia sẻ.

Dù bài hát có ngọng ngịu cũng là vô giá

Vốn là một câu bé bị khiếm thị bẩm sinh, sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo của tỉnh Hà Tĩnh, nhưng thầy giáo Trần Quốc Hoàn đã tự động viên mình không bao giờ đầu hàng số phận hay mặc cảm tự ti. Năm lên 9 tuổi, anh đã được gia đình cho ra học tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

hanh phuc gian don cua vo chong thay co giao truong nguyen dinh chieu
Thầy giáo Trần Quốc Hoàn tận tình chỉ bảo học trò cách chơi đàn bầu (Ảnh: Hà Thảo).

Đến năm 1995, cậu học trò khiếm thị ấy đã xuất sắc thi được vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam), khoa Nhạc cụ dân tộc và có 9 năm gắn bó với ngôi trường này.

“Từ năm 2006, tôi đã được mời trở lại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu để dạy môn âm nhạc, dạy đánh đàn bầu cho một số em học sinh khiếm thị tại đây. Với các học trò, việc chỉ dạy phải mất rất nhiều thời gian và chỉ bảo chi tiết, cách thức gảy đàn sao cho đúng vần nhịp dù không nhìn thấy gì luôn là điều mình mong muốn”, thầy Hoàn khiêm tốn cho biết.

Thầy Hoàn cũng cho biết thêm, có được ngày hôm nay cũng nhờ một phần sự giúp sức của người vợ hiền. Hai người đều có những điểm mạnh và yếu riêng, nhưng bù trừ cho nhau để cùng vun đắp nên hạnh phúc gia đình cũng như mang lại niềm vui cho các học trò khuyết tật mỗi ngày.

Em Nguyễn Minh Hiền (8 tuổi), học sinh lớp nhạc do thầy Hoàn dạy, hát bài "Người thầy" để dành tặng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. (Video: Hà Thảo).

Cô giáo Thu Hường chia sẻ: “Dù cuộc sống gia đình và sinh hoạt có gặp phải nhiều điều bất tiện đi chăng nữa. Nhưng nhờ vốn sống phong phú của anh ấy, tôi đã học hỏi ở anh rất nhiều cả về nghiệp vụ sư phạm lẫn cách ứng xử để các em học sinh tiếp thu bài được nhanh hơn”.

Cũng theo cô Hường, các em không chỉ cần biết đọc và nhận biết chữ nổi, mà các động tác định hướng di chuyển như đi lại, cầm nắm… cũng cần được dạy thành thục.

Đối với các em học sinh khuyết tật, mỗi lớp không quá 20 em nhưng việc dạy cho các em cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn. Có những điều mình chỉ nhiều lần các em mới biết, mà mỗi em lại một mức độ tiếp thu khác nhau. Nên có những em hoàn thành chương trình lớp dự bị có thể trong một năm hoặc đến 3 – 4 năm là chuyện bình thường.

hanh phuc gian don cua vo chong thay co giao truong nguyen dinh chieu
Cô và trò cùng phấn khởi đón chào năm học mới 2016 - 2017 (Ảnh: Đình Tuệ).

“Nhiều khi nhìn các em di chuyển khó khăn, vấp ngã vì không nhìn được đường hoặc do vô tình xô đẩy nhau, lòng chúng tôi như thắt lại vì thương các em. Qua mỗi bài học hàng ngày, các em tiếp thu ở những mức độ khác nhau nên đòi hỏi giáo viên phải dạy đi dạy lại nhiều lần mới giúp các em nhớ được.

Với chúng tôi, mỗi ngày lên lớp thấy các em ý thức học tập tốt, nghe lời thầy cô đã là rất vui rồi. Dịp 20/11 nào cũng vậy, chỉ cần nghe được những lời chúc hay bài hát các em tự mình cất lên cũng đủ làm ấm lòng thầy cô rồi”, vợ chồng thầy giáo Hoàn cùng chung tâm sự.

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Đỗ Thị Thủy – Hiệu phó Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Cuộc sống của vợ chồng cô Hường, một người bình thường với một người khiếm thị là minh chứng cụ thể cho tinh thần vượt lên số phận thành công của một cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu. Điều này cũng góp phần thôi thúc ý chí cho hơn 200 em học sinh khuyết tật tại trường vươn lên và tự tin trong cuộc sống”.

Cũng theo vị Hiệu phó, quá trình cô Hường giảng dạy từ khi về trường lẫn thời gian dạy lớp dự bị, các em học sinh đã có sự thay đổi khá rõ rệt. Giờ đây, việc định hướng di chuyển cho các em đã đỡ vất vả hơn. Các em chịu nghe lời dưới sự dẫn dắt của cô để có những kỹ năng ban đầu làm nền tảng tốt trước khi vào học lớp hòa nhập.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.