Hé lộ những con số khủng về hai ông lớn ngành thép Việt Nam

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh (FHS) cùng sử dụng công nghệ lò cao và gần đây có sản lượng thép thô (phôi thép) tương đương nhau. Dù vậy hai ông lớn ngành sản xuất thép lại có sự chênh lệch đáng kể về qui mô tài sản cũng như kết quả kinh doanh.

Hòa Phát dần bắt kịp về sản lượng

Trong tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sản xuất được xấp xỉ 483.000 tấn phôi thép (thép thô) và tiêu thụ gần 508.000 tấn. Cùng khoảng thời gian trên, Formosa Hà Tĩnh (FHS) cho ra lò trên 530.000 tấn phôi, tiêu thụ gần 641.600 tấn và giữ ngôi vị nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam.

Vào cuối tháng 8, Hòa Phát đưa vào vận hành lò cao số 3 và lò thổi số 4 của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất. Sau khi cả 4 lò thổi hoạt động đồng bộ, sản lượng của nhà máy luyện thép đã ổn định trên 10.000 tấn/ngày. Sau 30 ngày đầu tiên hoạt động, lò cao số 3 đạt công suất thiết kế, đưa sản lượng của cả Khu liên hợp lên 12.000 - 13.000 tấn/ngày.

Nhờ tăng cường công suất mà tháng 9 vừa qua, Hòa Phát đã cho ra lò tới 575.208 tấn phôi thép, vượt qua mức sản lượng 509.330 tấn của FHS. 

Hai ông lớn chi phối ngành sản xuất thép Việt Nam - Ảnh 1.

Sản lượng phôi thép xuất khẩu của Hòa Phát trong tháng 9 đạt gần 170.000 tấn, cũng lớn hơn con số 165.200 tấn của FHS. Ba lò cao của Khu liên hợp Dung Quất đóng góp hơn 60% tổng sản lượng phôi thép tháng 9 kể trên của Hòa Phát.

Tuy tổng tiêu thụ của Hòa Phát còn thấp hơn so với Formosa khoảng 14.000 tấn nhưng tập đoàn của tỉ phú Trần Đình Long đã bước đầu thực hiện được mục tiêu trở thành nhà sản xuất thép lớn số 1 Việt Nam.

Lò cao số 4 và cũng là lò cao cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất đang được Hòa Phát hoàn thiện và dự kiến đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm 2021. Khi đó sản lượng phôi thép tối đa dự kiến sẽ đạt 16.000 tấn/ngày, tương đương khoảng 5 triệu tấn/năm đối với riêng khu liên hợp Dung Quất. 

Chủ tịch Trần Đình Long dự kiến Hòa Phát sẽ cho ra lò tổng cộng 8 triệu tấn thép vào năm 2021.

Trong khi đó Formosa Hà Tĩnh (FHS) đang vận hành ổn định hai lò cao, lò đầu tiên bắt đầu hoạt động năm 2017, lò tiếp theo vào năm 2018. Hai lò cao này có tổng công suất khoảng 7,1 triệu tấn/năm. Lò cao số 3 dự kiến sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025.

Tuy nhiên cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gây ra những cản trở nhất định trong kế hoạch phát triển của FHS. Tranh chấp thương mại khiến nhu cầu đối với thép Trung Quốc giảm xuống, giá cả cũng rẻ đi, nhiều nhà sản xuất tìm đường xuất khẩu thép sang Việt Nam khiến các doanh nghiệp trong nước khó cạnh tranh.

Formosa Hà Tĩnh đang phải cân nhắc lại kế hoạch xây dựng thêm hai lò cao qui mô tương đương với hai lò cao hiện nay, giá trị đầu tư có thể lên tới 4 tỉ USD. Một khi lò cao đi vào hoạt động sẽ không dễ ngừng lại nên FHS sẽ cần cẩn trọng đánh giá nhu cầu trên thế giới.

Khác biệt về qui mô và hiệu quả

Hoạt động sản xuất thép của Hòa Phát và FHS có những điểm chung như cả hai đều sử dụng công nghệ lò cao. Cả hai đều đầu tư các cảng nước sâu có thể đón tàu trọng tải lớn đến 200.000 tấn để tiện cho việc vận chuyển nguyên liệu như than, quặng sắt, ... hay xuất hàng tới các thị trường xa xôi. Với Hòa Phát, đó là cảng Dung Quất, với FHS là cảng Sơn Dương. 

Về qui mô và kết quả hoạt động, Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát khác biệt rõ rệt. 

Tính đến cuối năm 2019, Hòa Phát có tổng tài sản xấp xỉ 101.800 tỉ đồng, tương đương 35,5% đối thủ ở Hà Tĩnh, các chỉ tiêu về vốn chủ sở hữu và vay nợ của Hòa Phát cũng thấp hơn từ 2 đến 4 lần.

Những con số khủng về hai ông lớn ngành sản xuất thép Việt Nam - Ảnh 3.

Tuy nhiên về kết quả hoạt động, Hòa Phát lại thể hiện ưu thế vượt trội. Năm 2019, tập đoàn của tỉ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu thuần 63.658 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ vòng quay tài sản đạt 0,71 lần, trong khi vòng quay của FHS là 0,25 lần.

Những con số khủng về hai ông lớn ngành sản xuất thép Việt Nam - Ảnh 4.

Lợi nhuận gộp của Hòa Phát trong năm ngoái lên tới 11.185 tỉ đồng, cao gấp hơn 14 lần FHS. Sau khi trừ đi các loại chi phí tài chính, bán hàng, quản lí doanh nghiệp, ... Hòa Phát lãi ròng 7.578 tỉ đồng và nộp khoảng 1.600 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Thực tế liên tục từ năm 2005 đến nay, tập đoàn thép của Chủ tịch Trần Đình Long đều báo cáo lợi nhuận dương.

Ngược lại, FHS báo lỗ 11.538 tỉ đồng năm 2019 và không phải nộp thuế TNDN. Trong các năm 2016, 2017, 2018, Formosa Hà Tĩnh cũng báo cáo khoản lỗ hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm và không một thuế TNDN.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.