Hiệp định UKVFTA: Mở ra cơ hội lớn cho ngành thép và cơ khí chế tạo

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) vừa chính thức ký kết và về cơ bản, các nội dung thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định này cũng tương tự như Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Theo các doanh nghiệp ngành cơ khí, luyện kim, cơ hội tăng trưởng về xuất khẩu là sẽ có nhưng cũng chưa được nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp ngành này vẫn kỳ vọng sẽ tiếp cận và xuất khẩu hơn nữa sang thị trường này.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu. Các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Anh là điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính - linh kiện, hạt điều, cà phê, hạt tiêu. Việt Nam nhập khẩu từ Vương quốc Anh gồm máy móc, thiết bị, dược phẩm, sắt thép, hóa chất.

Hiệp định UKVFTA: Mở ra cơ hội lớn cho ngành thép và cơ khí chế tạo - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, hiện nay, các sản phẩm sắt thép của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này ít, mới chỉ có các sản phẩm tôn... Thị trường xuất khẩu thép Việt Nam chủ yếu vẫn là các nước trong khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ, Trung Quốc... Do vậy, cánh cửa mở ra với thị trường Vương quốc Anh rất lớn.

Tuy vậy, theo Hiệp hội Thép, sẽ không dễ để tăng xuất khẩu mặt hàng tôn thép trong năm nay 2021. Bởi lẽ, thị trường Anh, tương đồng như EU là thị trường rất khắt khe về các tiêu chuẩn, ưu đãi ký kết. Trong cán cân thương mại hai bên, sắt thép không phải mặt hàng thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang Vương quốc Anh.

Cùng với đó, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Anh, châu Âu khiến cho việc giao lưu, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong năm 2020. Điều này vô hình chung sẽ ảnh hưởng hoạt động thương mại của ngành thép nói riêng và nhiều ngành nghề nói chung với thị trường Vương quốc Anh.

Hiện ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu về xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tăng cao, việc chuyển hướng xuất khẩu, mở rộng sang các thị trường khác là cần thiết. Hiệp định EVFTA và UKVFTA được kỳ vọng sẽ giúp cho ngành thép có thêm cơ hội xuất khẩu.

"Sẽ khó khăn khi thị trường các nước châu Âu ở trạng thái bão hòa với các giao dịch thương mại về thép. Thị trường EU chiếm khoảng 4,2% tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường truyền thống là ASEAN, Trung Quốc vẫn chiếm tỷ lệ lớn, lần lượt gần 55% và 19%. Để vào được thị trường Anh cũng như khối EU, đòi hỏi các sản phẩm phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn cao và khắt khe. Các nhà sản xuất thép Việt Nam phải cải tiến công nghệ, kỹ thuật, thay đổi các quy trình sản xuất của mình, thay đổi các phương thức kinh doanh", VSA cho hay.

Theo chia sẻ từ ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, hiện nay, sản phẩm cơ khí Việt Nam vẫn còn yếu về công nghệ sản xuất, đặc biệt với những máy móc, thiết bị mang tính công nghệ cao, sản phẩm cốt lõi và yếu về tính liên kết doanh nghiệp...

Do vậy, cơ hội cho doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu sang thị trường này sẽ không nhiều. Vì vậy nên chăng, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng hiệp định này để thu hút đầu tư từ Vương quốc Anh trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo. Bởi, Vương quốc Anh là quốc gia mạnh về máy móc, thiết bị ô tô...và từ đó tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp trong nước dần tham gia chuỗi cung ứng sản xuất, giống như các Tập đoàn, công ty như SamSung, Honda và nhiều tập đoàn lớn khác đã làm.

Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam, với Hiệp định UKVFTA nói riêng và các FTA khác, đây là điểm mạnh để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hôi cho các cơ sở sản xuất, công ty trong nước. 

Nếu doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nắm bắt các cơ hội đó, thì có thể nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Sau dịch COVID-19, nhu cầu về đồ may mặc, gia dụng... tăng cao, trong khi Việt Nam vốn có thế mạnh về gia công, chế tạo các mặt hàng này.

Ngoài ra, ông Cường cho rằng, năm 2021 sẽ là năm "thanh lọc" và những công ty nào có đường hướng, kết nối với nhau cũng như kế hoạch dài hạn với cơ chế quản trị tốt sẽ tồn tại và phát triển. Để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, bản thân các doanh nghiệp phải tự nâng cấp chính mình bằng công nghệ, quản trị...

Hầu hết các sản phẩm Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 1% tổng trị giá hàng nhập khẩu hàng năm của Anh gần 700 tỷ USD. Lợi thế cạnh tranh nhờ Hiệp định UKVFTA chắc chắn sẽ giúp nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở rộng sản xuất và gia tăng xuất khẩu sang Vương quốc Anh và các sản phẩm Việt Nam đã có vị trí tại thị trường Anh chắc chắn sẽ mở rộng thị phần trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế, hàng hóa Việt Nam vào được thị trường Anh, các chuyên gia cho rằng, cần đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, môi trường, vệ sinh và giá cả cạnh tranh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phải nỗ lực áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú ý và nắm bắt kịp thời nhữngg thay đổi về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất, thủ tục hải quan khi sản xuất và xuất khẩu sang thị trường này.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.