Hồ nằm giữa công viên Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP HCM - Ảnh: NGUYỆT NHI
Hiện TP HCM có khá nhiều hồ tự nhiên nhưng chủ yếu chức năng là hồ cảnh quan phục vụ du lịch, giải trí cho người dân.
Nằm ngay trung tâm quận Tân Bình, hồ tự nhiên công viên Hoàng Văn Thụ khá lớn nhưng mực nước luôn ở mức thấp. Giữa tháng 10, dù đang cao điểm mùa mưa nhưng mực nước hồ vẫn thấp. Xung quanh hồ, ban quản lí xây dựng các điểm câu cá phục vụ nhu cầu giải trí cho người dân.
Hiện hồ chỉ giữ nhiệm vụ cảnh quan, phục vụ người dân giải trí, tập thể dục chứ chưa kết nối để thu nhận nước mưa từ hệ thống cống xung quanh trở thành hồ điều tiết chống ngập. Đây là hồ tự nhiên sâu 3-5m, có thể trữ được 35.000m3 nước.
Ngoài ra, TP HCM còn rất nhiều hồ tự nhiên có thể làm hồ điều tiết nhưng vẫn chưa được tận dụng như hồ Văn Thánh (quận Bình Thạnh), hồ công viên Lê Thị Riêng, hồ Kỳ Hòa (quận 10), hồ trong khu du lịch Đầm Sen (quận 11), hồ trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7)... Trong các hồ này, hồ Văn Thánh có thể chứa hơn 40.000m3 nước và gần "rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh. Cơ bản, các hồ này hiện chủ yếu phục vụ cảnh quan, du lịch, nghỉ ngơi giải trí của người dân TP HCM.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM, các hồ tự nhiên cũng là phương án được ban quản lí dự án xem xét, đề xuất tận dụng làm hồ điều tiết. Tuy nhiên rất khó để thực hiện. Đặc biệt, hiện nay TP vẫn dùng chung hệ thống cống nước thải với nước mưa nên khi tận dụng hồ tự nhiên làm hồ điều tiết dễ gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng đến chức năng phục vụ du lịch, nghỉ ngơi của các hồ hiện hữu.
"Dự án hồ điều tiết ngầm mới sẽ có hệ thống tách nước mưa và nước thải. Khi đó hồ chỉ tiếp nhận nước mưa nên không gây ô nhiễm. Nếu hồ điều tiết làm tốt chức năng chống ngập thì kinh phí bỏ ra sẽ hiệu quả" - ông Dũng chia sẻ thêm.
Có ý kiến thêm về vấn đề trên, TS Hồ Long Phi, nguyên giám đốc Trung tâm quản lí nước - biến đổi khí hậu thuộc ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng việc tận dụng các hồ tự nhiên để làm hồ điều tiết chống ngập là cần thiết nhưng chỉ mang tính tạm thời. Hiện nay các hồ tự nhiên sẵn có ở TP HCM có sức chứa nhỏ, hồ điều tiết xây mới phải lớn.
"Hiện hệ thống cống đang giữ chức năng thoát nước mưa và nước thải nên khi ứng dụng hồ tự nhiên làm hồ điều tiết cần hài hòa chức năng. Như cần có đơn vị quản lí hồ điều tiết phù hợp để vận hành van nhận nước hồ (chỉ nhận nước mưa và hạn chế nhận nước thải), tránh ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến chức năng hồ cảnh quan ban đầu" - ông Phi nói thêm.
Theo TS Hồ Long Phi, về lâu dài TP cần quyết tâm xây dựng hồ điều tiết ở các khu đô thị mới, có hệ thống xử lí nước thải nhằm giảm ô nhiễm hồ. Hồ điều tiết theo công nghệ Nhật Bản đang thí điểm ở Thủ Đức có quy mô nhỏ, chỉ có tác dụng giải quyết ngập khi các trận mưa lớn ở khu vực đường Võ Văn Ngân. Lợi thế hồ này chỉ tiếp nhận nước mưa trên mặt đường nên không ô nhiễm.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết dự kiến giai đoạn 2019-2020, TP sẽ thực hiện 5 hồ điều tiết ngầm bằng công nghệ cross-wave (giai đoạn 1) chống ngập cục bộ cho 5 quận nội thành với tổng vốn đầu tư 475 tỉ đồng.
Các vị trí được đề xuất như: công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), công viên làng hoa Gò Vấp (quận Gò Vấp), công viên khu dân cư Trần Thiện Chánh (quận 10), dải cây xanh phân cách đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), khuôn viên cây xanh đối diện Công an phường 25 (quận Bình Thạnh). Trước đó, dù dự án đã được lập nhưng 3 dự án hồ điều tiết tại công viên Bàu Cát, Gò Dưa và Khánh Hội vẫn chưa được triển khai.
Ông Dũng chia sẻ ban quản lí dự án đã trình đề xuất, hồ sơ lên UBND TP và đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo TP và HĐND TP HCM. Nếu được thông qua, từ năm 2020 TP sẽ bắt đầu triển khai 5 dự án hồ điều tiết ngầm tại các quận nội thành với tổng vốn đầu tư khoảng 475 tỉ đồng (quy mô mỗi hồ từ 1.500-20.000m3).
Các hồ sẽ được xây dựng tại 5 vị trí, giải quyết bài toán ngập cục bộ một số cụm đường cho 5 quận nội thành gồm Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh và quận 10.
"Các hồ điều tiết ngoài giải quyết ngập cục bộ khi lượng mưa tăng cao còn có khả năng tự thấm, tiết kiệm thời gian thi công, không phải giải phóng mặt bằng, thời gian sử dụng dài, chịu được tải trọng xe lên đến 25 tấn. Ngoài ra, lượng nước hồ điều tiết có thể tận dụng tưới cây và phục vụ phòng cháy chữa cháy tại chỗ" - ông Dũng chia sẻ.
Theo quy hoạch thoát nước mưa (quyết định 752 đã được Thủ tướng phê duyệt) đến năm 2020, TP HCM xây dựng tới 104 hồ điều tiết bao gồm vùng dự trữ tự nhiên kết hợp với các giải pháp phi công trình khác.
Tuy nhiên, đến nay TP HCM chỉ mới xây dựng được 1 hồ điều tiết với quy mô chỉ 100m3 ở quận Thủ Đức.