Hong Kong rơi vào suy thoái kinh tế, giới tài phiệt đã mất 20 tỉ USD

Mất 20 tỉ USD, 70% doanh thu và 70% khách hàng là những mất mát của giới nhà giàu, khu ăn chơi Lan Quế Phường và các cửa tiệm tại Hong Kong. Các chuyên gia nhận định cuộc suy thoái chưa có hồi kết.

Biểu tình kéo dài gần 5 tháng tại Hong Kong đã khiến tổng sản phẩm quốc nội quý III/2019 giảm 3,2% so với quý trước. Quý II, GDP Hong Kong cũng đã giảm 0,4%. Đó là sự sụt giảm tồi tệ nhất của đặc khu này kể từ năm 2009, sau hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

20 tỉ USD của giới nhà giàu bị xóa sổ

Ngoài tác động của chiến tranh thương mại, khối tài sản của các nhà tài phiệt Hong Kong đang bị cuốn đi theo đoàn người biểu tình suốt hơn 5 tháng qua. Theo Bloomberg, khoảng 20 tỉ USD đã bị xóa sạch trong tài sản của 10 người giàu nhất Hong Kong kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra cho đến cuối tháng 7.

Trước đó, giá trị ròng của những người giàu có nhất Hong Kong đã giảm 13% trong năm 2018.

Riêng người giàu nhất Hong Kong, ông Lý Gia Thành, đã mất 3 tỉ USD. Vị tỉ phú 90 tuổi hiện còn 27 tỉ USD giá trị tài sản ròng. Ông là nhà nhà đầu tư lớn trong cảng Hong Kong, và nhà cung cấp điện thoại di động CK Hutchison Holdings.

ty phu giau nhat hong kong

Chỉ 1 tháng sau cuộc biểu tình, tỉ phú giàu nhất Hong Kong đã bị cuốn phăng 3 tỉ USD. (Ảnh: EK21).

Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Hong Kong, tỉ phú Peter Woo, cũng đã mất đi hơn 1 tỉ USD kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Theo Bloomberg Billionaire Index, ông là người giàu thứ 8 ở Hong Kong.

Hội tài phiệt của đặc khu Hong Kong đang tích cực kêu gọi ngừng biểu tình. Tuần rồi, Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đưa tin ông Lý Gia Thành cho chạy quảng cáo trên các tờ báo địa phương ở Hong Kong, kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình.

Quảng cáo có chữ "bạo lực" được bao phủ trong một dấu hiệu cấm với thông điệp: "Ngăn chặn sự tức giận và bạo lực nhân danh tình yêu".

Quảng cáo được kí tên bởi "một cư dân Hong Kong Lý Gia Thành".

photo6264757942578424081

Tờ quảng cáo chống biểu tình được tỉ phú Hong Kong chạy trên nhiều tờ báo. (Ảnh: Mothership).

Tờ Business Insider thì cho biết Swire Pacific, chủ sở hữu hãng hàng không Cathay Pacific của Hong Kong, cũng đưa ra tuyên bố kêu gọi chấm dứt "các hoạt động bất hợp pháp và hành vi bạo lực" của người biểu tình.

Tập đoàn tuyên bố: "Swire Pacific rất quan ngại về bạo lực và sự gián đoạn đang diễn ra ảnh hưởng đến Hong Kong". Tập đoàn này cũng cho biết họ hỗ trợ thực thi pháp luật và Giám đốc điều hành Hong Kong Carrie Lam tuyên bố sẽ cố gắng "trong nỗ lực khôi phục luật pháp và trật tự".

Lan Quế Phường không còn là nơi ăn chơi trác táng

Không chỉ giới nhà giàu, mới đây theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, doanh thu trong đêm Halloween tại khu ăn chơi xuyên đêm sầm uất Lan Quế Phường đã giảm tới 70%, sau khi cảnh sát hạn chế dân và du khách đi vào khu vực này, vì sợ bạo loạn.

Anthea Cheung, Giám đốc Hiệp hội Lan Quế Phường, đại diện cho khoảng 100 quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp khác, cho biết các sĩ quan bắt đầu ngăn mọi người vào khu giải trí từ khoảng 7h30 tối, vì sợ mọi người sẽ tràn vào khu vực có đường hẹp, khó kiểm soát.

151229225812-lkf-halloween-party-full-169

Lan Quế Phường là nơi đóng góp nguồn thu lớn cho Hong Kong. (Ảnh: CNN).

Allan Zeman, cha đẻ của Lan Quế Phường, cho biết cú sốc đối với kinh doanh là một trong những điều tồi tệ nhất trong lịch sử với một số địa điểm nổi tiếng như thiên đường ăn chơi trác táng hàng đầu châu Á.

Theo Zeman, nhiều doanh nghiệp đã phải chịu sự sụt giảm khoảng 50% doanh số so với Halloween năm ngoái, trong khi một số khác đã mất tới 70%. Hầu hết các địa điểm "đu đưa" nổi tiếng tại đây chỉ có 10-15 khách.

"Đây quả là một đêm điên rồ. Lần đầu tiên có một thứ điên rồ như thế diễn ra. Đó là cú sốc tồi tệ nhất đối với hoạt động kinh doanh mà khu vực này đã trải qua kể từ khi bùng phát đại dịch hội chứng hô hấp cấp tính nặng vào năm 2003", ông nhận định.

f8a6b27a-fc50-11e9-acf9-cafedce87d15_image_hires_173824

Cảnh sát hạn chế khách vào Lan Quế Phường vì mối lo bạo loạn. (Ảnh: SCMP).

Một số chủ quán rượu điên đầu vì sụt giảm doanh số, đã chỉ trích cảnh sát về chính sách này. Nhưng Zeman cho biết ông hiểu điều này được đưa ra là phù hợp, vì ám ảnh về vụ giẫm đạp trong Lan Quế Phường khiến 21 người thiệt mạng vào đầu những năm 1990 vẫn còn đó.

Cửa tiệm nhỏ cũng mất đến 70% khách

Sự bất ổn của đời sống kinh tế - xã hội Hong Kong luồng lách vào mỗi cửa tiệm bán buôn. Các doanh nghiệp địa phương chia sẻ với CNBC, rằng họ đang cảm thấy rõ rệt tác động tài chính của tình trạng bất ổn trong nước. 

Ngay cả các cửa hàng ở quận Loan Tể thường nhộn nhịp cũng ngày càng yên ắng.

Kitty Chan, người làm việc tại cửa hàng hoa của cha mẹ cô, cho biết cô nhận thấy có rất ít người mua hoa để tặng nhân dịp khai trường, ngày lễ hay sinh nhật. Cô ước tính lợi nhuận cửa hàng đã giảm 50%, mức cao nhất trong 15 năm tồn tại của tiệm hoa này.

"Nếu cuộc biểu tình tiếp diễn, tôi nghĩ nó thực sự giảm đến đáy. Khách thường đến để mua hoa vào buổi sáng cho đến đầu giờ chiều, nhưng giờ đây chỉ sau 7h sáng là họ đã biến mất", cô nói.

aa9daaa2-fc50-11e9-acf9-cafedce87d15_1320x770_173824

Hàng quán vắng tanh là tình trạng phổ biến tại Hong Kong mấy tháng qua. (Ảnh: SCMP).

Andy Ho, người làm việc tại một hiệu thuốc ở Loan Tể, đã đưa ra những con số nghiệt ngã tương tự: "Cửa hàng của chúng tôi đã ở đây được 50 năm. Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã thực sự suy giảm trong những tháng gần đây - gần 40%".

Ông nói chừng nào tình trạng bất ổn xã hội vẫn chưa được giải quyết, nền kinh tế sẽ còn suy yếu. "Cửa hàng của chúng tôi, 70% khách hàng là người địa phương và 30% là khách du lịch. Trong 30% khách du lịch, 80% trong số họ đã biến mất. Đối với người dân địa phương, trong những tháng gần đây, mọi người thực sự ít sẵn sàng chi tiêu ... nền kinh tế trong vài tháng tới sẽ vẫn còn yếu dần", ông Ho nhận định.

Cuộc suy thoái "không biết bao giờ kết thúc"

CNBC dẫn lời của Billy Wong, Phó Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong, nói rằng sự tăng trưởng tiêu cực của Hong Kôog không thực sự gây ngạc nhiên.

"Những con số được đưa ra gần đây không vui vẻ gì. Nhưng tôi vẫn nói rằng điều đó thực sự  không phải là một bất ngờ. Tôi nghĩ rằng Hong Kong đã thực sự sẵn lòng đối mặt với suy thoái kinh tế", ông Wong nói.

Ông đồng ý rằng chiến tranh thương mại và các cuộc biểu tình là những yếu tố chính góp phần vào sự tổn thương trong nền kinh tế của Hong Kong. Tuy nhiên, Wong lưu ý rằng điều này càng khốn khó, khi xuất khẩu đã chậm lại kể từ tháng 11 năm ngoái, mà đặc khu này lại không kí bất kì hợp đồng nào cho đến quý III năm nay. 

Khi được hỏi, ông đồng ý rằng tiêu dùng yếu và nền kinh tế chậm lại có thể dẫn đến tình trạng sa thải hàng loạt trong các lĩnh vực như ăn uống và bán lẻ.

Ảnh chụp Màn hình 2019-11-02 lúc 10

Hai trụ cột của kinh tế Hong Kong - bán lẻ và du lịch - liên tục giảm kịch sàn. (Đồ họa: Tất Đạt).

Raymond Yeung, Giám đốc kinh tế vĩ mô của Trung Quốc tại Tập đoàn Ngân hàng Úc và New Zealand, chia sẻ với Bloomberg, rằng điều này rõ ràng có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

"Chúng tôi đã mường tượng được một tình huống rất giống với những gì đã xảy ra nhưng chúng tôi không biết khi nào nó sẽ kết thúc", ông khẳng định.

Nhà kinh tế Tiễn Mặc cũng chia sẻ nhận định với Bloomberg, rằng: "Chúng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu tích cực nào trong nền kinh tế Hong Kong. Mặc dù các biện pháp cứu trợ của chính phủ và chính sách tiền tệ có thể giúp ích phần nào, nhưng sẽ cần có thời gian để khách du lịch quay trở lại, người mua sắm bình thản vung tiền như xưa".