Cuộc biểu tình tại Hong Kong đã đi đến tháng thứ 3, và ngày càng nhiều thương hiệu, các công ty đang bị cuốn vào cuộc cạnh tranh chính trị này.
Trang Quartz cho biết hiện tại, chuỗi cà phê Starbucks cũng đã trở thành "tội đồ" trong mắt người biểu tình. Người biểu tình Hong Kong cho rằng Maxim, đơn vị nhượng quyền Starbucks là biểu tượng của một trong những vấn đề gây bức xúc nhất tại thành phố. Đó là các nhà tài phiệt giàu có và quyền lực, có quan hệ thân với Trung Quốc đại lục.
Khẩu hiệu "Starbucks mỗi ngày? Không đời nào" được lan truyền khắp mạng xã hội. (Ảnh: Twitter).
Đầu tháng này, Ngũ Thục Thanh, con gái của người sáng lập Maxim, tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, và trình bày về quan điểm mà bà gọi là "sự thật về cuộc biểu tình ở Hong Kong" và lên án những người biểu tình. Bà cho rằng những người này "không đại diện cho quan điểm của tất cả 7,5 triệu người Hong Kong".
Maxim cũng đã cấm nhân viên tiệm bánh của mình viết các khẩu hiệu phản đối như "Phục hồi Hong Kong, cuộc cách mạng của thời đại chúng ta" lên những chiếc bánh trong chuỗi của mình.
Starbucks có mặt tại Hong Kong gần 2 thập niên trước, hợp tác với gã khổng lồ về thực phẩm Maxim để mở cửa hàng đầu tiên tại vào năm 2000. Năm 2011, Maxim đã nắm quyền sở hữu toàn bộ nhượng quyền khi mua lại cổ phần của Starbucks tại Hong Kong và Ma Cao.
Trước khi lọt vào tầm ngắm của những người biểu tình, Starbucks đã thu hút sự chú ý của dân mạng Trung Quốc, sau khi một barista ở Hong Kong đã viết nguệch ngoạc những thông điệp ủng hộ dân chủ trên cốc cà phê dành cho khách hàng Trung Quốc đại lục.
Maxim được Ngũ Thiêm Đức thành lập vào năm 1956, từ một nhà hàng đã phát triển thành một trung tâm sản xuất thực phẩm. Năm 2004, công ty đã mở chuỗi nhà hàng Pháp-Việt Rice Rice. Cũng trong năm đó, nhánh thức ăn nhanh của Maxim bắt đầu sản xuất các bữa ăn và món khai vị để được bán trong 7-11 và Wellcome.
Ngày nay, mạng lưới làm ăn của họ trải rộng ra Trung Quốc đại lục, Campuchia và Việt Nam. Đây là tập đoàn sở hữu thương hiệu bánh trung thu nhân trứng muối tan chảy MX Hong Kong gây sốt thị trường Việt Nam suốt mùa Trung thu vừa qua.
Starbucks tại Hong Kong cấm nhân viên tuyên truyền cổ động biểu tình. (Ảnh: Orstatic).
Các thương hiệu phương Tây khác ở Hong Kong cũng bị người biểu tình tẩy chay. Như doanh nghiệp Hong Kong và Trung Quốc của McDonald, là Tập đoàn CITIC bị liệt vào "danh sách đen" vì thuộc sở hữu 52% của nhà nước Trung Quốc.
Trước đó, các trung tâm mua sắm thuộc sở hữu của Sun Hung Kai Properties đã bị người biểu tình liệt vào "danh sách đen", sau khi bị buộc tội cho phép cảnh sát chống bạo động xâm nhập và thực hiện một cuộc đàn áp bạo lực với người dân.
Yoshinoya, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của Nhật Bản, cũng bị những người biểu tình tẩy chay, sau khi chủ sở hữu nhượng quyền của thương hiệu này, một doanh nhân thân Bắc Kinh, lên tiếng ủng hộ chính phủ ngăn chặn người biểu tình.