Theo Cổng TTĐT huyện Mê Linh, TP Hà Nội, ngày 9/9, lãnh đạo thành phố đã chủ trì Hội nghị để thông tin về quy hoạch vùng huyện Mê Linh.
Thông tin về quy hoạch xây dựng vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo phòng Quản lý Đô thị huyện cho biết, Mê Linh nằm ở phía bắc của Thủ đô Hà Nội, có diện tích đất tự nhiên hơn 14.000 ha.
Huyện có 18 đơn vị hành chính cấp xã (16 xã, hai thị trấn), dân số trên 250.000 người. Trên địa bàn Huyện có khu công nghiệp Quang Minh diện tích 410 ha với trên 500 doanh nghiệp; khu đô thị mới Mê Linh diện tích trên 2.300 ha với 47 dự án phát triển đô thị đã và đang triển khai.
Huyện có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như đường vành đai 3 (đường Võ Văn Kiệt), đường Trục trung tâm đô thị mới Mê Linh gắn kết Hà Nội với các tỉnh phía bắc.
Bên cạnh đó, một số tuyến đang triển khai như đường vành đai 4 (dài 11 km); cầu Hồng Hà; đường vành đai 3,5; cầu Thượng Cát; đường Tiền Phong - Tự Lập (mặt cắt 48 m); đường Cảng Chu Phan - Quốc Lộ 2; đường đê Sông Hồng (dài 21 km);...
Quy hoạch vùng huyện Mê Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kế thừa, bổ sung từ Đồ án Quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh đã được UBND thành phố phê duyệt đồng thời làm cơ sở để nghiên cứu lồng ghép trong quá trình lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
Tận dụng điều kiện tự nhiên, tạo không gian nêm xanh gắn với mặt nước (sông Hồng, sông Cà Lồ) thành hệ thống không gian mở liên hoàn vừa đảm bảo thoát nước vừa tạo môi trường cảnh quan và là khu vực vui chơi giải trí cho người dân.
Về phân vùng không gian kinh tế, Mê Linh là một cấu phần của thành phố phía bắc Thủ đô, dự kiến phát triển theo mô hình hai trục - bốn phân vùng- hai hành lang xanh.
Trong đó, hai trục (trục động lực) là vành đai 4 và vành đai 3. Hai trọng tâm là phía Đông và phía Tây tập trung phát triển đô thị - công nghiệp, trung tâm hành chính Huyện, trung tâm dịch vụ thương mại. Hai hành lang xanh là ven sông Hồng và sông Cà Lồ.
Về công nghiệp, huyện xây dựng ba khu công nghiệp (KCN) với tổng quy mô 1.120 ha gồm KCN Quang Minh I diện tích 408 ha, KCN Quang Minh II diện tích 266 ha, KCN Tiến Thắng diện tích 450 ha; đồng thời bổ sung 2 cụm công ghiệp (CCN) quy mô khoảng 100 ha, gồm CCN Tam Đồng diện tích 30 ha, CCN Tiến Thịnh- Vạn Yên diện tích 70 ha.
Về thương mại - dịch vụ, huyện tập trung phát triển các trung tâm thương mại hỗn hợp gắn với các trục giao thông chính như Vành đai 4, đường trục Mê Linh - Võ Văn Kiệt; hình thành trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng (chợ đầu mối) về hoa, rau và nông sản gần đường vành đai 4 tại khu vực xã Đại Thịnh với quy khoảng 25 - 30 ha.
Hình thành một trung tâm logistic tại khu vực xã Kim Hoa với quy mô 120 - 150ha. Phát triển một số trung tâm thương mại và siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện ích tại các trung tâm vùng, khu đô thị. Xây dựng sân golf quy mô 36 hố khu vực bãi sông Hồng;..
Về giao thông trong vùng đô thị, huyện phát triển theo quy hoạch phân khu đô thị đã được duyệt. Vùng ngoài phát triển đô thị đầu tư các tuyến quốc lộ 2 - cảng Chu Phan và đường Tiền Phong - Tự Lập được xây dựng mới đạt tiêu chuẩn đường cấp II, quy mô 4 làn xe.
Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường 308, đường 312 thành đường cấp III đồng bằng, quy mô 4 làn xe; nâng cấp, cải tạo tuyến đường đê sông Hồng đoạn từ vành đai 4 đến cảng Chu Phan thành đường cấp III, quy mô hai làn xe... Các tuyến đường Huyện, liên xã cải tạo để đạt tiêu chuẩn đường cấp IV - V đồng bằng…
Về phân vùng chức năng và tổ chức không gian, huyện phát triển thành 6 vùng, gồm vùng 1 - vùng phát triển đô thị phía đông vành đai 4, quy mô khoảng 2.700 ha (chiếm 19,3% diện tích tự nhiên của Huyện).
Đây là vùng kinh tế tổng hợp với động lực phát triển là dịch vụ, thương mại, trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa - xã hội của huyện.
Vùng 2 - Vùng phát triển đô thị phía tây vành đai 4, quy mô khoảng 1.500 ha (chiếm 10,7% diện tích tự nhiên của Huyện). Phát triển khu Logistic - kho trung chuyển, đầu mối phân phối hàng hóa gắn với trục đường vành đai 4, trục Hà Nội - Lào Cai, ga Mê Linh kết hợp với trung tâm tiếp vận.
Vùng tập trung phát triển các khu đô thị mới, công viên vui chơi giải trí, thể dục thể thao và khu vực thị trấn Kim Hoa.
Vùng 3 - vùng phát triển công nghiệp, quy mô khoảng 700 ha (chiếm 5 % diện tích tự nhiên của Huyện). Phát triên công nghiệp đa ngành, công nghiệp sạch công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Phát triển khu Logistic - kho tàng trung chuyển, đầu mối phân phối hàng hóa.
Vùng 4 - vùng nông nghiệp, nông thôn, quy mô khoảng 5.800 ha (chiếm 41,4% diện tích tự nhiên của Huyện). Phát triển nông thôn gắn với bảo vệ các giá trị văn hóa, cảnh quan và khắc phục các vấn đề về môi trường. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng sản xuất là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong vùng nông thôn.
Đây cũng là vùng phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển thương mại gắn với dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Hình thành các trung tâm hỗ trợ sản xuất, đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa nông nghiệp. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng;..
Vùng 5 - vùng không gian nêm xanh, quy mô khoảng 1.900 ha (chiếm 13,5% diện tích tự nhiên của Huyện). Là vùng không gian nêm xanh liên kết các khu vực phát triển đô thị, khu vực công nghiệp và làng xóm ven đê. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng liên kết các khu vực phát triển đô thị, khu vực công nghiệp và các xã ven đê.
Vùng 6 - vùng cảnh quan sông Hồng, quy mô khoảng 1.400 ha (chiếm 10% diện tích tự nhiên của Huyện). Là vùng không gian xanh mặt nước tạo thành hành lang xanh dọc hai bên sông Hồng, phát triển các khu công viên vui chơi giải trí, khu thể dục thể thao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng…