Hãng tin CNN dẫn báo cáo của IEA cho biết, sản xuất điện mặt trời hiện đang rẻ hơn so với điện than hoặc điện khí đốt tự nhiên ở hầu hết các quốc gia.
IEA, cơ quan năng lượng có trụ sở tại Paris (Pháp), cho biết sản xuất điện bằng pin năng lượng mặt trời hiện là một trong những nguồn điện rẻ nhất trong lịch sử nhờ công nghệ tân tiến và các chính sách phát triển, giúp giảm chi phí đầu tư.
Thêm vào đó, hệ thống điện này có thể được lắp đặt dưới dạng tấm pin tại các hộ gia đình và doanh nghiệp, hoặc cũng có thể được triển khai tại các công viên năng lượng mặt trời.
Báo cáo của IEA đưa ra ba kịch bản cho sự phát triển của thị trường năng lượng toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong khi nhiên liệu hóa thạch đang phải đối mặt với một tương lai bấp bênh, thì các nguồn điện tái tạo lại có triển vọng đầy tươi sáng, trong đó, dẫn đầu là năng lượng mặt trời.
IEA cho biết chi phí sản xuất điện mặt trời qui mô lớn đã giảm từ khoảng 38 cent / kWh năm 2010 xuống mức trung bình toàn cầu là 6,8 cent / kWh vào năm ngoái.
Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA nói: "Tôi cho rằng năng lượng mặt trời đang trở thành "vị vua mới" của thị trường điện thế giới".
Ông nói thêm: "Với các chính sách đã thiết lập hiện nay, điện mặt trời đang trên đà thiết lập các kỉ lục mới về công suất lắp đặt qua mỗi năm sau năm 2022".
Trong một kịch bản của IEA, nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát và nhu cầu năng lượng toàn cầu quay trở lại mức trước khủng hoảng vào đầu năm 2023, số lượng hệ thống điện mặt trời sẽ tăng mạnh, giúp nâng công suất năng lượng mặt trời tăng trưởng trung bình 12% một năm cho đến năm 2030.
Trong thời kì này, năng lượng tái tạo đóng góp khoảng 80% mức tăng trưởng sản lượng điện toàn cầu so với cùng kì, vượt qua than đá vào năm 2025 để trở thành nguồn điện chính.
Theo IEA, năng lượng mặt trời sẽ vẫn là một lựa chọn hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí ngay cả trong bối cảnh đại dịch kéo dài, gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu và kéo nhu cầu năng lượng xuống mức thấp nhất kể từ những năm 1930.
Birol cho biết: "Nếu các chính phủ và nhà đầu tư đẩy mạnh hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, sự tăng trưởng của cả điện năng lượng mặt trời và điện gió sẽ còn ngoạn mục hơn nữa".
Các công ty dầu mỏ như BP và Royal Dutch Shell (RDSA) cũng tiết lộ những thay đổi chiến lược lớn, hướng tới các nguồn năng lượng có mức khí thải carbon thấp.
Tín hiệu này cho thấy đại dịch đang mang lại những thay đổi sâu sắc, định hình lại tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu.
Báo cáo của IEA dự báo nhu cầu dầu sẽ không còn tăng trưởng trong thập kỉ tới. Nhu cầu năng lượng có thể giảm 5% trong năm nay và đầu tư vào năng lượng giảm 18%.
Hãng CNBC dẫn báo cáo của IEA cho rằng, với các chính sách như hiện nay, nhu cầu than sẽ không thể quay trở lại mức trước đại dịch Covid-19 và thị phần của than trong cơ cấu sản lượng điện toàn cầu sẽ giảm về dưới mức 20% vào năm 2040.
IEA dự báo, về dài hạn, nhu cầu khí đốt vẫn tăng trưởng tốt, với phần lớn tăng trưởng tập trung ở châu Á. Nhu cầu khí đốt tự nhiên toàn cầu sẽ giảm mức kỉ lục 3% trong năm nay nhưng sẽ tăng thêm 30% vào năm 2040.