Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa tổ chức gặp mặt khách hàng mua căn hộ tại Tokyo Tower – dự án họ đã siết nợ do chủ đầu tư và đơn vị phân phối không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Chủ đầu tư Tokyo Tower là liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01.
Tại cuộc trao đổi có 150 khách hàng tham dự, câu hỏi được quan tâm nhất là phương án xử lý sau thu hồi và thời điểm dự án hoạt động trở lại cũng như ngày bàn giao nhà cho cư dân.
Bà Hồ Việt Hà, Phó giám đốc Khối quản lý và tái cấu trúc tài sản PVcomBank cho biết, theo tính toán của ngân hàng, việc chốt công nợ, đàm phán với các đối tác và tìm chủ đầu tư mới cho dự án, chuẩn bị các thủ tục pháp lý sẽ được hoàn thiện trong năm nay và triển khai trở lại từ năm 2019. Ngân hàng cũng cam kết với phía cư dân chậm nhất là ngày 30/6/2019 hoàn thành dự án và giao nhà, tức là chậm 1,5 năm so với cam kết trong hợp đồng mua bán đã ký với chủ đầu tư.
Dự án Tokyo Tower vừa bị PVcomBank siết nợ. (Ảnh: Báo Tiền phong). |
PVcomBank khẳng định việc thu giữ tài sản được thực hiện theo đúng quy định và đề nghị người mua nhà đến làm việc để nhà băng tiếp nhận thông tin đối chiếu công nợ. PVcomBank sẽ lựa chọn đơn vị đủ năng lực triển khai dự án và đề nghị chủ đầu tư mới đảm bảo các quyền lợi của người mua nhà theo các hợp đồng đã ký.
Phía PVcomBank cho biết mới có 150 trong tổng số 200 khách hàng đến đối chiếu công nợ, chưa kể các đơn vị xây dựng, nhà thầu thi công. Sau khi hoàn tất công tác này, khi chủ đầu tư mới vào triển khai mà cần hỗ trợ tài chính, ngân hàng sẽ làm việc để dự án hoàn thành đúng tiến độ cam kết nói trên.
Tuy nhiên, một số khách hàng hoài nghi về cam kết này bởi dự án mới được đang hoàn thiện dở mặt ngoài. Đồng thời, người mua nhà cũng đặt ra câu hỏi về vai trò bảo lãnh cho dự án của ngân hàng.
Chia sẻ với VnExpress, một khách hàng cho biết, thời điểm quảng cáo bán hàng cách đây 3 năm, chủ đầu tư cam kết dự án đã được ngân hàng bảo lãnh. Đến ngày 23/10/2015, ngay trước khi ký hợp đồng mua bán, cư dân nhận được thư cam kết bảo lãnh do PVcomBank phát hành trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai với dự án Tokyo Tower.
"Chúng tôi tin vào bức thư cam kết đó. Hơn nữa, để mua căn hộ, ngoài số tiền tự có, phần lớn khách hàng vay từ PVcomBank và tài sản thế chấp là quyền tài sản hình thành trong tương lai từ hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư", đại diện khách hàng cho hay.
Trong quá trình triển khai, chủ đầu tư đã gặp khó khăn về tài chính, không thể hoàn thành dự án và bàn giao nhà đúng tiến độ cam kết là cuối năm 2017. Do đó, một số khách hàng đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và yêu cầu đơn vị này hoàn lại số tiền bỏ ra mua nhà cùng với 10% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, chủ đầu tư không còn tiền nên khách hàng làm đơn gửi ngân hàng yêu cầu thực hiện bảo lãnh hợp đồng bằng cách trả lại tiền mà người mua đã nộp cho chủ đầu tư.
"Tuy nhiên, sau khi làm việc với ngân hàng, chúng tôi được thông báo rằng hợp đồng không được nhà băng bảo lãnh thanh toán. Lý do là thời hạn bảo lãnh hợp đồng đã hết, trước đó, người mua nhà không xác nhận bảo lãnh tại ngân hàng nên không đủ điều kiện thực hiện nghiệp vụ này", ông cho hay.
Đại diện PVcomBank - bà Hồ Việt Hà lý giải, theo quy định, sau khi chủ đầu tư và phía ngân hàng ký cam kết bảo lãnh với dự án thì chủ đầu tư phải chuyển đến tay người mua nhà thư bảo lãnh từ phía nhà băng.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư của Tokyo Tower đã không làm việc này. Kể cả chứng thư bảo lãnh con cho từng căn hộ cũng không được họ thực hiện với ngân hàng.
Cũng theo bà Hà, tuy hợp đồng bảo lãnh đã hết hiệu lực và nhiều khách hàng không có thư bảo lãnh nhưng PVcomBank vẫn đảm bảo người mua được nhận căn hộ theo hợp đồng đã ký. Đối với khách hàng có khoản vay mua căn hộ dự án Tokyo Tower tại đây, ngân hàng cũng có những chính sách hỗ trợ như giảm lãi phạt, miễn phí phạt trả chậm cho khách hàng tính từ thời điểm dự án bị chậm tiến độ bàn giao (từ đầu năm 2018 trở đi).
Dự án Tokyo Tower là tòa nhà hỗn hợp đa năng và chung cư cao cấp với chiều cao 51 tầng nổi, trong đó có 5 tầng dành cho trung tâm thương mại, dịch vụ. Dự án này đã nhiều lần đổi tên, trước đó có tên là chung cư Vinafor hay Landmark 51, được chủ đầu tư giới thiệu là tòa nhà cao nhất quận Hà Đông và là tòa nhà cao thứ 3 tại Hà Nội, sau Landmark 72 và Lotte Center.
PVcomBank siết nợ tòa nhà cao nhất quận Hà Đông
PVcomBank cho biết đã thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Tokyo Tower (Hà Nội) để xử lý nợ xấu. |
Bị siết nợ 1 triệu USD, Bầu Đức vật vã tìm lối thoát khó
Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn, nợ nần và tiếp tục tìm kiếm lối thoát cho doanh ... |