Khánh Hòa sẽ xử lí lãnh đạo các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công

Ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết sẽ xử lí lãnh đạo các đơn vị chậm trong việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.

Ngày 21/7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VI đã họp kì thứ 11 tại TP Nha Trang.

Kì họp này diễn ra trong bối cảnh Khánh Hòa này đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ do những hậu quả của đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm giảm 12,02% so với cùng kì năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 32,7%; doanh thu du lịch giảm 71,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 19,9%; thu nội địa bằng 35,3% dự toán...

Đặc biệt, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Toàn tỉnh có 47 công trình, dự án chậm tiến độ, không giải ngân hoặc giải ngân rất thấp.

Khánh Hòa sẽ xử lí lãnh đạo các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Ảnh hưởng dịch COVID-19 tăng trưởng kinh tế Khánh Hòa giảm hơn 12% (Ảnh: Khải An).

Đáng nói, ngoài lĩnh vực chuyên môn, 16 sở, ngành lại được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án, đơn vị ít nhất cũng 1-2 dự án, nhiều nhất lên đến 9-10 dự án.

Trong khi đó, các Ban quản đầu tư xây dựng chuyên ngành thì mỗi ban chỉ được giao từ 3-5 dự án.

HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh đánh giá năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư, để từ đó đề ra các giải pháp kiên quyết, tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại trong đầu tư công.

Đồng thời có các giải pháp để giải quyết dứt điểm những vướng mắc, tồn tại nhiều năm đối với việc chậm trễ trong công tác đền bù, giải tỏa; thực hiện các thủ tục đầu tư (đối với các dự án đầu tư công) nhằm giải ngân hết nguồn vốn được bố trí thực hiện kế hoạch, khắc phục tình trạng kéo dài hoặc phải chuyển vốn sang năm sau, thúc đẩy tăng trưởng, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nguyên nhân khách quan dẫn tới giải ngân chậm là do phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn tới tiến độ thi công các công trình bị chậm.

Các dự án mới khởi công sử dụng ngân sách Trung ương, nguồn dự phòng chung, dự phòng 10% phải hoàn thiện thủ tục theo Luật Đầu tư công và được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư mới đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác kiểm đếm, phê duyệt đơn giá, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án còn chậm, kéo dài thời gian làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Các bước công bố giá ca máy, thiết bị thi công xây dựng và đơn giá nhân công xây dựng trên địa bàn tỉnh chậm ban hành.

Khánh Hòa sẽ xử lí lãnh đạo các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Khánh Hòa sẽ xử lí lãnh đạo các đơn vị chậm giải ngân vốn đầu tư công (Ảnh: Khải An).

Giải trình với Hội đồng Nhân dân, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, UBND tỉnh đã thành lập Tổ tư vấn đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh và Tổ giúp việc của Tổ tư vấn để kịp thời xử lí các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư công, nhằm thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công.

Tổ tư vấn và Tổ giúp việc được yêu cầu tổ chức họp 1 tháng/lần để kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 7/2020 và những tháng tiếp theo.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các ban quản dự án, chủ đầu tư và chính quyền các địa phương khẩn trương tổng hợp, phân tích, đánh giá nguyên nhân cụ thể, chi tiết, đề xuất giải pháp thực hiện để tháo gỡ vướng mắc...

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Khắc Định, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đang ở nhóm các tỉnh, thành phố giải ngân vốn đầu tư công thấp, mới đạt 20% kế hoạch.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đến tháng 9, nếu các tỉnh không giải ngân được trên 60% số vốn sẽ điều chuyển vốn sang tỉnh khác làm tốt hơn.

Trong thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ có những giải pháp quyết liệt để giải ngân vốn đầu tư công. Thường trực Tỉnh ủy sẽ tham gia các đoàn công tác, tháo gỡ khó khăn cho từng dự án cụ thể, Hội đồng Nhân dân tỉnh khi cần thiết sẽ mỗi tháng họp 1 lần để giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công.

"Phải có giải pháp đột phá để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, làm rõ trách nhiệm cá nhân, 10 ngày báo cáo kết quả 1 lần, dự án nào không giải ngân được, không làm tốt thì điều chuyển cho dự án mới. Cán bộ nào chậm trễ, ì ạch, không làm, làm không được, làm không hiệu quả, thì đình chỉ công tác, bố trí công tác khác. Thường trực Tỉnh ủy sẽ đi tận cơ sở, thúc đẩy từng dự án một", ông Định nhấn mạnh.

Dù 6 tháng đầu năm Khánh Hòa phát triển kinh tế giảm hơn 12% nhưng trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh này đã đề nghị không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 mà phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu này, trong đó GRDP phấn đấu đạt tối thiểu bằng hoặc cao hơn so với năm 2019 (tăng 0,05% so với năm 2019).

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.