Một khẩu hiệu hay sẽ gói gọn lời quảng cáo của ứng viên trong vài từ và đủ sức mạnh để tác động đến cử tri. Khẩu hiệu cho thấy ứng viên là một người hiểu khó khăn của đất nước và có thể hướng nước Mỹ vượt qua giông tố.
Business Insider đã nghiên cứu khẩu hiệu tranh cử của các đời tổng thống Mỹ kể từ Thế chiến II và điểm khiến chúng thành công.
Trong cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên từ khi Thế chiến II kết thúc, đương kim Tổng thống Harry Truman (Đảng Dân chủ) được cho là sẽ thua. Sau cùng, ông Truman chiến thắng ngoạn mục trước ứng viên Đảng Cộng hòa Thomas E. Dewey.
Tựa theo lời một bài hát nổi tiếng vào năm 1921, khẩu hiệu tranh cử chính thức của ông Truman là "Tôi say mê điên cuồng Harry".
Tuy nhiên, có một khẩu hiệu nổi tiếng khác gắn bó với Tổng thống Mỹ đời thứ 33 hơn: "Tôi hành động, tôi nhận trách nhiệm". Câu khẩu hiệu này được ông Truman viết trên một tấm bảng mà ông đặt trên bàn làm việc.
"Tôi thích Ike" là một trong những khẩu hiệu chính trị nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ike không phải cái gì khác mà chính là biệt danh ngắn gọn của Tổng thống Eisenhower.
Chiến dịch tranh cử của ông Eisenhower là một cuộc cách mạng, vì đây là chiến dịch đầu tiên tập trung vào việc giới thiệu ứng viên thông qua quảng cáo trên truyền hình.
Đoạn quảng cáo tranh cử đầu tiên của một tổng thống Mỹ. (Nguồn: Kênh YouTube Battlefield Sources)
Một giám đốc quảng cáo ở Đại lộ Madison đã thuyết phục ông Eisenhower từ bỏ các bài phát biểu dài dòng và chuyển sang quảng cáo chiến dịch ngắn gọn khoảng 60 giây trên truyền hình trong khung giờ vàng.
Chiến thuật để chọn khẩu hiệu cho chiến dịch tái tranh cử năm 1956 của ông Eisenhower là gắn bó với những gì mang lại hiệu quả: "Tôi vẫn thích Ike."
Người Mỹ quả thực đã bỏ phiếu lần nữa cho ông Eisenhower, mang lại cho ông một chiến thắng vang dội khi nền kinh tế Mỹ bùng nổ sau Thế chiến II, bất chấp căng thẳng Chiến tranh Lạnh ngày càng leo thang.
Ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 1960, ông John F. Kennedy đã chọn khẩu hiệu đầy tham vọng "Thời khắc cho sự vĩ đại" để đấu với đương kim Phó Tổng thống Đảng Cộng hòa Richard Nixon.
Tuy nhiên, có lẽ nổi tiếng hơn cả là phiên bản đặc biệt của Frank Sinatra trong bài hát "High Hopes" mà nam danh ca thu âm riêng dành cho ông Kennedy với phần lời mới.
"Mọi người đều bỏ phiếu cho Jack [tức John F. Kennedy]/Vì ông có những gì người khác thiếu sót/Mọi người đều muốn ủng hộ Jack", Frank Sinatra hát về người bạn thân Kennedy.
Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát năm 1963, Phó Tổng thống Lyndon Baines Johnson (LBJ) tuyên thệ nhậm chức.
Sau đó, ông giành được chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 với khẩu hiệu "Hết mình cùng LBJ" và cam kết tiếp tục chính sách của vị tổng thống quá cố Kennedy.
Năm 1968, Mỹ vẫn đang lún sâu trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, trong khi bạo loạn trên đường phố và phong trào phản chiến bùng nổ tại quê nhà. Ông Richard Nixon đã thu hút sự chú ý của công chúng về nỗi lo sợ mà ông gọi là "đám đông im lặng", xuất phát từ những thay đổi đang quét qua nước Mỹ lúc bấy giờ.
Do đó, ông Nixon đã chọn khẩu hiệu tranh cử năm 1968 là "Lần này, hãy bỏ phiếu như cả thế giới của bạn phụ thuộc vào lá phiếu".
Tổng thống Nixon đắc cử nhiệm kì đầu như luồn qua khe cửa hẹp. Tuy nhiên, năm 1972, ông đã giành chiến thắng ngoạn mục với khẩu hiệu "Lúc này quan trọng hơn bao giờ hết".
Ông Nixon tô vẽ đối thủ của mình, ứng viên Đảng Dân chủ George McGovern là một mối đe dọa đối với các giá trị Mỹ.
Thay đổi tiếp tục là chủ đề cho cuộc bầu cử năm 1976, khi ứng viên Đảng Dân chủ Jimmy Carter lên thay thế ông Gerald Ford - người trở thành Tổng thống Mỹ sau khi ông Nixon phải từ chức vì vụ bê bối Watergate.
"Lãnh đạo mới, thay đổi mới", ông Carter hứa hẹn với cử tri và ca ngợi bản thân là một nhà cải cách không bị bôi bẩn vì bê bối.
Khẩu hiệu của ứng viên Ronald Reagan đến từ Đảng Cộng hòa trong chiến dịch tranh cử năm 1980 dường như khá quen thuộc với công chúng ở thời điểm hiện tại: "Hãy làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
36 năm sau khi ông Reagan đắc cử, câu khẩu hiệu của ông lại xuất hiện một lần nữa qua phiên bản rút gọn hơn: "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Ông Reagan đã tự ca ngợi bản thân là ứng viên đưa nước Mỹ thoát khỏi tình trạng bất ổn kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Jimmy Carter.
Nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế Mỹ trong 4 năm đầu ở Nhà Trắng, ông Reagan đã tái đắc cử vào năm 1984 với khẩu hiệu "Bình minh trở lại trên đất Mỹ". Khẩu hiệu này đã gây ấn tượng với công chúng Mỹ trong một quảng cáo tranh cử mang tính biểu tượng vào thời điểm đó.
Năm 1988, thông qua khẩu hiệu tranh cử "Nước Mỹ cao đẹp và lịch thiệp hơn", George H. W. Bush đắc cử tổng thống và tiếp tục giúp Đảng Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng. Khẩu hiệu này hứa hẹn làm dịu lại những chính sách cứng rắn của chủ nghĩa bảo thủ do cựu Tổng thống Reagan đề ra.
Tại đại hội quốc gia của Đảng Cộng hòa năm 1988, ông Bush còn tuyên bố: "Hãy tin tôi, chính phủ sẽ không áp thêm thuế". Tuy nhiên, lời cam kết của ông Bush đã gây hại cho chính ông và phần nào mang lại chiến thắng cho ứng viên Đảng Dân chủ Bill Clinton vào năm 1992.
Sự hồi sinh của Đảng Dân chủ dưới thời ông Clinton được thể hiện qua khẩu hiệu: "Vì con người, vì sự thay đổi".
Tuy nhiên, câu khẩu hiệu không chính thức "Vấn đề là kinh tế, đồ ngốc ạ!" mới là thông điệp thu hút được sự quan tâm của cử tri.
Trưởng ban vận động tranh cử James Carville đã nhấn mạnh câu khẩu hiệu "Vấn đề là kinh tế, đồ ngốc ạ!" nhằm nhắc nhở các nhân viên chiến dịch tập trung vào quảng bá ông Clinton như ứng cử viên có thể đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc suy thoái đầu thập niên 1990.
Trong chiến dịch tái tranh cử năm 1996, khi thế giới sắp bước qua thiên niên kỉ mới, ông Clinton quyết định đưa ra khẩu hiệu khá mơ hồ: "Xây dựng cầu nối vào thế kỉ 21".
Tuy nhiên, chỉ cần câu khẩu hiệu như thế cũng đủ giúp đương kim Tổng thống Bill Clinton có thêm nhiệm kì thứ hai trong một chiến thắng vang dội, khi Mỹ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới vào cuối thế kỉ 20.
Vào năm 2000, George W. Bush đã giành chiến thắng sít sao trước Phó Tổng thống Al Gore khi lặp lại chiến lược tranh cử năm 1988 của cha ông - cựu Tổng thống George H. W. Bush, với khẩu hiệu "Chủ nghĩa bảo thủ nhân ái".
4 năm sau, đương kim Tổng thống George W. Bush tái đắc cử. Trong bối cảnh nước Mỹ bị rung chuyển bởi vụ tấn công 11/9, ông Bush ra tranh cử với một giọng điệu trầm lắng hơn và cam kết xây dựng "Thế giới an toàn, nước Mỹ giàu hi vọng" để thu hút cử tri.
"Thay đổi mà chúng ta có thể tin tưởng" là khẩu hiệu của ông Barack Obama khi ông vận động tranh cử thành công để trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ vào năm 2008.
Cuộc vận động tranh cử năm 2008 của ông Obama là chiến dịch đầu tiên khơi dậy tiềm năng chính trị của các nền tảng mạng xã hội mới xuất hiện.
Nhóm vận động tranh cử của ông Obama đã tạo ra các khẩu hiệu để người ủng hộ chuyển thành nội dung có thể chia sẻ được, cuối cùng thông điệp tranh cử của ông Barack Obama được rút gọn thành một từ duy nhất: "Change" (tạm dịch: Thay đổi).
4 năm sau, đương kim Tổng thống Obama cam kết tiếp tục tạo thêm nhiều tiến bộ từ nhiệm kì đầu của ông. Khẩu hiệu tranh cử năm 2012 cũng chỉ vỏn vẹn một từ: "Forward" (tạm dịch: Tiến lên).
Ông Trump đã tái sử dụng khẩu hiệu cũ không chỉ được cựu Tổng thống Ronald Reagan áp dụng mà còn được nhà dân túy chống nhập cư Warren G. Harding dùng năm 1920: "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Ngoài ra, học hỏi từ chiến dịch tranh cử qua mạng xã hội của cựu Tổng thống Obama, ông Trump đã rút gọn khẩu hiệu thành "MAGA" để người ủng hộ và bản thân ông sử dụng như một hashtag trên mạng.