Mỹ tiếp tục siết kiểm soát xuất khẩu với hãng chip hàng đầu Trung Quốc

Mỹ đang siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với Semiconductor Manufacturing International Co. - hãng chip hàng đầu Trung Quốc, do lo ngại công ty này có liên hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc.

Trong một bức thư gửi ngày 25/9, Bộ Thương mại Mỹ đã hướng dẫn các công ty trong nước đăng kí giấy phép để có thể xuất khẩu một số hàng hóa đang bị kiểm soát cho Semiconductor Manufacturing International Co. (hay SMIC).

Nikkei Asian Review nhận định, động thái mới của Washington có thể làm gia tăng áp lực của chính quyền Tổng thống Trump lên các công ty công nghệ Trung Quốc và gây leo thang hơn nữa căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo bức thư, Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ "xác nhận hoạt động xuất khẩu hàng hóa cho SMIC hoặc các công ty con của hãng chip này có thể gây ra rủi ro chưa từng thấy vì quân đội Trung Quốc có thể tiếp cận các công nghệ Mỹ".

Theo đó, các nhà cung ứng "phải nộp đơn xin giấy phép để Bộ Thương mại Mỹ xác thực trước khi xuất khẩu, tái xuất khẩu hoặc chuyển giao hàng hóa công nghệ vào Trung Quốc".

SMIC - hãng chip theo hợp đồng lớn nhất Trung Quốc, là trọng tâm trong tham vọng xây dựng ngành bán dẫn lớn mạnh của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc của đất nước tỉ dân vào nhà cung ứng nước ngoài.

Phản hồi Nikkei, SMIC cho biết họ sẽ "tiếp tục hợp tác một cách xây dựng và cởi mở với Bộ Thương mại Mỹ".

Hãng chip này nhấn mạnh: "Chúng tôi chỉ sản xuất chất bán dẫn và cung cấp dịch vụ cho các mục đích dân sự và thương mại. Công ty không có quan hệ với quân đội Trung Quốc và không sản xuất hàng hóa cho mục đích quân sự".

Theo Nikkei, nhiều giám đốc trong ngành bán dẫn cho biết SMIC nhận thức được rủi ro từ các qui định kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ và thời gian qua, SMIC đã tăng số đơn đặt hàng với các nhà cung ứng như Applied Materials, Lam Research.

Phát ngôn viên của Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ cho hay: "Nhìn chung, chúng tôi đang liên tục theo dõi và đánh giá rủi ro tiềm tàng đối với an ninh quốc gia Mỹ và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ".

"Dù không thể bình luận về bất kì vấn đề cụ thể nào, Cục Công nghiệp và An ninh Mỹ cùng các cơ quan liên ngành vẫn sẽ có hành động phù hợp như đã cam kết", vị phát ngôn viên nói tiếp.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.