Bà Clinton 'đã khỏe hơn nhiều' | |
Sức khỏe - 'tảng đá' có thể cản đường Hillary Clinton |
Cuối tuần qua, sức khỏe của bà Hillary Clinton trở thành vấn đề thu hút báo giới khi bà ngã khuỵu và ra về sớm trong lễ kỷ niệm 15 năm vụ khủng bố 11/9 tại New York. Bác sĩ chẩn đoán bà mắc bệnh viêm phổi trước đó hai ngày nhưng phe Clinton đã giấu thông tin này.
Trump và những người đại diện đã lên tiếng nói bà Clinton đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về sức khỏe. Ông lựa chọn những video được biên tập một cách có chọn lọc để chứng minh rằng bà Hillary mắc chứng co giật.
Hiện tại, những tuyên bố của ông Trump chưa có bất kỳ bằng chứng tin cậy nào. Bác sĩ của cựu ngoại trưởng Mỹ thì nhiều lần tuyên bố bà Clinton đủ sức khỏe để đảm nhận nhiệm vụ chức vụ tổng thống.
Bà Hillary Clinton trong buổi lễ kỷ niệm 15 năm vụ khủng bố 11/9 tại New York, Mỹ. Ảnh:Getty |
Rất ít thông tin về sức khỏe của Trump
Ở tuổi lần lượt là 68 và 70, bà Clinton và ông Trump là hai ứng viên tổng thống nhiệm kỳ đầu già nhất trong lịch sử. Ở độ tuổi đó, sức khoẻ là vấn đề nhạy cảm. Tương tự ứng viên đối thủ, Trump hạn chế cung cấp thông tin về sức khỏe cá nhân.
Vào tháng 12/2015, qua một lá thư từ bác sĩ riêng của Trump trong gần 30 năm, đội ngũ tranh cử của ông tiết lộ vị tỷ phú đã sút gần 7 kg trong năm ngoái. Trump thường xuyên phải dùng aspirin và một lượng nhỏ thuốc hạ mỡ máu hàng ngày. Tuy nhiên, bác sĩ này kết luật ông có kết quả sức khoẻ và huyết áp "rất tốt".
"Nếu thắng cử, ông ấy sẽ là người khỏe mạnh nhất thắng cử tổng thống", vị bác sĩ này viết.
Lịch sử giấu nhẹm
Lá thư vấp nhiều chỉ trích từ phía dư luận vì lối diễn đạt khác lạ, chứa những thuật ngữ y tế không chính xác và kết luận không chuyên nghiệp. Đặc biệt, dưới con mắt của những người trong ngành y, bức thư nặng tính khoa trương và thiếu dữ liệu khách quan. Vị bác sĩ này sau giải thích ông viết lá thư này vội vì có nhiều bệnh nhân chờ khám.
Lịch sử cho thấy các ứng viên tổng thống Mỹ cũng giữ kín thông tin về sức khỏe cá nhân. Chỉ thời gian ngắn trở lại đây, vài ứng viên mới chịu tiết lộ những thông tin đó qua những lá thư của bác sĩ riêng. Thượng nghị sĩ John McCain là một ngoại lệ khi ông này công bố hàng nghìn trang hồ sơ y tế của mình với báo giới trong 2 lần tham gia tranh cử, vào năm 2000 và 2008.
"Công chúng có quyền biết lý do nếu như ai đó tử vong khi đang làm tổng thống", George Annas, chủ nhiệm khoa luật y tế thuộc trường Y của ĐH Boston, nói.
Chuyện giấu giếm là có tiền lệ. Tổng thống Grover Cleveland năm 1893 từng giấu việc ông phẫu thuật ung thư vòm họng. Ông lén đưa bác sĩ phẫu thuật và đội phụ tá lên một chiếc du thuyền của người bạn để cắt khối u.
Một tuần sau đó, ông xuất hiện trở lại sau "chuyến đi câu". Không ai biết vụ phẫu thuật này cho tới tận 25 năm sau.
Tổng thống Woodrow Wilson từng bị đột quỵ nhiều lần khi ông còn là hiệu trưởng đại học Princeton. Tới năm 1919, khi vận động cho Hoà ước Versaille, ông bị đột quỵ rất nặng nhưng thông tin được giấu nhẹm và không ai được biết. Mọi việc khi đó do bà vợ ông điều hành đất nước khiến bà được nhiều người coi như là tổng thống nữ đầu tiên của nước Mỹ.
Tổng thống Franklin D. Roosevelt thì không bao giờ để lộ những hình ảnh gắn chặt trên chiếc xe lăn hay Tổng thống John F. Kennedy luôn che giấu các thông tin về tình hình sức khỏe, bao gồm chứng đau lưng kinh niên.
Cử tri cần biết tới mức nào?
"Việc một tổng thống chết trong văn phòng khi đương nhiệm do căn bệnh ông ta đã biết trước khi bầu cử diễn ra không công bằng với hầu hết mọi người," Annas nói.
Khi ngày bầu cử gần kề, công chúng càng cần phải nắm được thông tin rõ ràng về tiền sử sức khỏe của hai ứng viên. Nhưng rốt cục, luật pháp hiện vẫn bảo vệ quyền riêng tư của các ứng viên, đặc biệt vấn đề sức khoẻ.
"Đây là vấn đề gây tranh cãi vì một số căn bệnh có thể bị 'thổi phồng' và với y học hiện đại thì một người hoàn toàn có thể mắc", tác giả cuốn "When Illness Strikes the Leader" (Khi bệnh tật chống lại người lãnh đạo) Jerrold Post nói. "Nhưng nếu một lãnh đạo đang mắc Alzheimer (suy giảm trí nhớ) giai đoạn đầu hoặc một căn bệnh nan y thì đó lại là chuyện khác".
Khả năng lãnh đạo bị ảnh hưởng
John F. Kennedy là tổng thống trẻ nhất khi nhậm chức (43 tuổi). Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông luôn tỏ ra khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Nhưng trên thực tế, ông làm tổng thống khi đang mắc bệnh về tuyến giáp, đau lưng, bệnh Addison (suy tuyến thượng thận nguyên phát) và phải dùng thuốc mỗi ngày.
"Bệnh Addison ảnh hưởng đến nồng độ cortisol trong cơ thể và khả năng xử lý căng thẳng", tiến sĩ Connie Mariano, bác sĩ phục vụ tổng thống George W. Bush và Bill Clinton trong Nhà Trắng cho biết. Ông này cũng nói rằng vụ khủng hoảng Vịnh con Lợn (Mỹ xâm lược Cuba) cũng bị ảnh hưởng vì tổng thống Kennedy không được điều trị Addison một cách đầy đủ.
Ronald Reagan thì được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer sau khi ông hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống đầu. Liệu căn bệnh này có ảnh hưởng khả năng của làm việc của ông khi còn đương chức vẫn còn là chủ đề gây tranh cãi. Y học hiện đại đã cho thấy bệnh Alzheimer bắt đầu ảnh hưởng trong não 20 đến 30 năm trước khi các triệu chứng bên ngoài xuất hiện.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan từng mang các khối u ung thư và phải trải qua phẫu thuật liên quan đến ruột vào năm 1985. Ảnh: CNN |
Tiến sĩ Mariano cho biết ngay cả khi những triệu chứng này phát tác, nhưng tổng thống vẫn muốn giữ chức thì họ có cách khiến cho các bác sĩ im lặng.
Sau đó, sẽ là những dấu hiệu của bệnh tâm thần. "Nếu như bạn có vấn đề về thần kinh, bạn sẽ bị trầm cảm rồi không thể ra khỏi giường và điều đó ảnh hưởng đến khả năng làm việc", Mariano tiếp tục.
Một nghiên cứu năm 2006 được thực hiện bởi các bác sĩ tâm thần tại ĐH Duke đã áp dụng tiêu chuẩn chẩn đoán hiện thời để ghi chép về sức khỏe của 37 tổng thống đầu tiên. Nghiên cứu chỉ ra rằng 18 trong số họ có đủ các tiêu chuẩn về rối loạn tâm thần, chủ yếu là trầm cảm hoặc lo âu.
Nghiên cứu cũng cho thấy Teddy Roosevelt và Lyndon Johnson đều được chẩn đoán mắc chứng rối loạn cảm xúc lưỡng cực.